MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đối tượng gia tăng xuyên tạc, kích động người dân.

Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch COVID-19 để tung thông tin xấu, độc

Việt Dũng LDO | 20/03/2020 07:35

Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), những hành vi lợi dụng dịch COVID-19 để tung thông tin xấu, độc, chống phá Nhà nước, chính quyền trên mạng xã hội sẽ bị xử lý triệt để và nghiêm khắc. Đến nay, lực lượng công an đã xác minh, làm rõ và triệu tập đấu tranh với hơn 800 trường hợp, trong đó nhiều trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính với mức tiền từ 10 đến 30 triệu đồng. 

Lợi dụng dịch COVID-19 để xuyên tạc, chống phá

Sau khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 và bùng phát tại Vũ Hán  (Trung Quốc) cùng một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Chính phủ Việt Nam nỗ lực cùng các bộ, ngành, người dân phòng, chống dịch bệnh. Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an), từ ngày 26.2 - 13.3, trên không gian mạng có hàng trăm nghìn tin, bài đăng tải, thu hút hơn 500.000 lượt bình luận, 4,5 triệu lượt chia sẻ liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam.

Đáng chú ý, các thế lực thù địch, số đối tượng phản động, chống đối, số người dân thiếu nhận thức, báo đài quốc tế có xu hướng chống Việt Nam tích cực đăng tải, tán phát thông tin tuyên truyền xuyên tạc, sai sự thật về dịch bệnh.

Nhóm này sử dụng các trang mạng, blog có máy chủ đặt tại nước ngoài, triệt để lợi dụng tính năng lan tỏa, dễ tán phát và khó kiểm soát, kiểm duyệt nội dung của các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo…

Đặc biệt, các đối tượng tích cực sử dụng tính năng bình luận, chia sẻ và phát trực tiếp (livestream) để tán phát rộng rãi, số lượng tiếp cận thông tin cùng lúc rất lớn. Tạo các tiêu đề bài viết, video mang tính “nóng”, giật tít liên quan số người chết, người bị nhiễm bệnh… nhằm thu hút người đọc.

Thông qua các hãng thông tấn có hoạt động chống Việt Nam và nhiều website, blog, mạng xã hội thường xuyên đưa tin chống đối, phản động có nhiều người theo dõi để tán phát thông tin tuyên truyền xuyên tạc, chống Đảng, Nhà nước liên quan việc phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, các đối tượng này xuyên tạc về số lượng người, địa phương bị nhiễm, tử vong; hướng dẫn cách tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, mua bán Vaccine có thể chữa khỏi virus Corona; Nhà nước phun thuốc ngừa virus Corona trên bầu trời toàn quốc.

Trong đó, họ lan truyền tài liệu hướng dẫn sai từ Bộ Y tế Liên bang Nga về chữa trị COVID-19 và xuyên tạc về nguồn gốc của COVID-19; tung tin bịa đặt số người bị nhiễm bệnh lên tới hàng nghìn người và nhiều ca tử vong vì nhiễm COVID-19; hơn 4.000 người Trung Quốc từ Vũ Hán nhập cảnh vào Việt Nam trước thời gian cách ly.

Đặc biệt, một số tổ chức như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Voice”, “PBSOS”… đối tượng chống đối trong và ngoài nước đã tổ chức cuộc thăm dò ý kiến kêu gọi tạm dừng các phương tiện công cộng, trường học, dữ trữ lương thực, thực phẩm.

Xử lý nghiêm khắc hành vi tung tin xấu, độc, thất thiệt

Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), những hành vi lợi dụng dịch COVID-19 để tung thông tin xấu, độc, chống phá Nhà nước, chính quyền trên mạng xã hội sẽ bị xử lý triệt để và nghiêm khắc. Đến nay, lực lượng công an đã xác minh, làm rõ và triệu tập đấu tranh với hơn 800 trường hợp, trong đó nhiều trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính với mức tiền từ 10 đến 30 triệu đồng.

Nhằm ngăn chặn các loại thông tin này, lãnh đạo Bộ Công an, A05 đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông… nắm sát diễn biến tình hình, khẩn trương xác minh làm rõ các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật để đấu tranh ngăn chặn, yêu cầu đối tượng cải chính thông tin.

Đồng thời phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ các thông tin sai sự thật. Bên cạnh đó, lực lượng công an còn tăng cường trao đổi, phối hợp các báo đài thực hiện nhiều phóng sự đưa tin tuyên truyền về vụ việc và xử lý các đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh

Một trong những biện pháp tiệm cận, A05 cho rằng, người dân cần cảnh giác, chọn lọc thông tin; không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở... Cần trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cơ bản như Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, Luật An toàn thông tin mạng... Tuyệt đối không nghe theo các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc.Khi phát hiện đối tượng hay các tài khoản đăng tải thông tin sai sự thật cần báo cho cơ quan công an, các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Theo luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật TNHH Dragon): Điều 101 Nghị định 15/2020 quy định “phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Việc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực… cũng có mức phạt này.

Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn…

Ngoài ra, đối tượng sai phạm có thể bị xử lý hình sự tội Đưa và sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. Trong trường đưa thông tin gây thiệt hại, xâm phạm quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân thì sẽ bị khởi tố tội Vu khống.

Cuộc chiến chống tin giả sang bước ngoặt mới

Theo chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena - tin giả (fake news) về COVID-19, tính từ thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh tại Vũ Hán (Trung Quốc) đến thời điểm bùng phát mạnh tại Châu Âu, đã chuyển sang giai đoạn mới. Trước tình hình “nước sôi lửa bỏng” của tin giả về COVID-19 hiện nay, mới đây 7 tập đoàn, công ty lớn về công nghệ, Internet, mạng xã hội (gồm: Facebook, Google, LinkedIn, Microsoft, Reddit, Twitter và YouTube) đã bắt tay nhau và cùng ra một thông báo về việc hợp tác chống tin giả.

Trong khi đó, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 16.3 vừa qua, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết, vừa qua Facebook đã có sự quan tâm lớn đến fake news. Facebook đã hỗ trợ Việt Nam các gói quảng cáo, trên fanpage của Chính phủ, cập nhật liên tục những nội dung liên quan đến dịch COVID-19. Trên cơ sở hợp tác đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sắp tới sẽ tiếp tục làm việc với Facebook trong việc ngăn chặn tin giả trên nền tảng mạng xã hội này.

Nhà báo Phạm Hồng Phước thì cho rằng, với mức xử phạt hành vi đưa tin giả trên mạng xã hội hiện nay đã tương đối nghiêm khắc, vấn đề còn lại là cần tăng cường rà soát để xử lý các đối tượng tung tin giả để vừa kịp thời ngăn chặn chống lan tỏa, vừa xử phạt nghiêm để răn đe. “Tôi thấy từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tới giờ, có đến vài chục trường hợp bị cơ quan chức năng mời lên nhắc nhở, xử phạt. Nhưng làm sao phải làm đồng loạt một lần thật mạnh và rộng như cuộc ra quân xử phạt những người sau khi uống rượu bia còn lái xe, sẽ tạo ra hiệu ứng xã hội răn đe mạnh hơn” - ông Phước góp ý kiến. Thế Lâm

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn