MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những phụ kiện chuyên dụng của ngành Công an được rao bán công khai trên mạng xã hội. Ảnh: Đặng Tiến

Xử lý nghiêm hành vi mua bán phụ kiện, trang phục ngành công an

Minh Hạnh LDO | 17/04/2023 06:05

Tình trạng mua bán quần áo, công vụ hỗ trợ để giả danh công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần được xử lý nghiêm minh.

Ngày 14.4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Châu Đốc (An Giang) đã tạm giữ đối tượng Đinh Thành Hiếu (SN 1983, tạm trú tại khóm Vĩnh Tây 1, Phường Núi Sam, TP Châu Đốc, An Giang) về hành vi “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác”.

Hiếu khai nhận, để có tiền tiêu xài cá nhân và đánh bạc, đầu tháng 8.2022, Hiếu lên mạng xã hội tìm mua một bộ quân phục Công an nhân dân cấp tá với giá 2,2 triệu đồng. Sau đó, đối tượng chụp ảnh đang mặc quân phục, sử dụng Zalo tìm kiếm những phụ nữ có điều kiện kinh tế, gửi lời mời kết bạn, giới thiệu đang công tác ở Bộ Công an. Nhiều phụ nữ tin tưởng chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho Hiếu mượn rồi bị chiếm đoạt.

Tìm hiểu của phóng viên, nếu muốn mua những phụ kiện chuyên dụng của ngành Công an, lên mạng xã hội gõ từ khóa tìm kiếm là sẽ có hàng loạt địa chỉ chào mời như: “Top 3 shop bán còng số 8 uy tín chất lượng”, “Top 10 shop bán trang phục Công an nhân dân uy tín giá rẻ”, “Có sẵn trang phục ngành”… Chỉ cần cung cấp địa chỉ nhận hàng và số điện thoại là có thể mua từ dây lưng, ví da, mũ... đến các công cụ hỗ trợ như dùi cui (roi điện) và còng tay với cả hình ảnh và clip hướng dẫn sử dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Đức Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo Điều 33 Nghị định 120/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về quản lý quân trang, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cành tùng, biển tên quân nhân, biểu tượng quân binh chủng, mũ kêpi, mũ dã chiến, lễ phục, quân phục thường dùng, quân phục dã chiến, quân phục nghiệp vụ và các loại quân trang khác.

Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi buôn bán trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cành tùng, biển tên quân nhân, biểu tượng quân binh chủng, mũ kêpi, mũ dã chiến, lễ phục, quân phục thường dùng, quân phục dã chiến, quân phục nghiệp vụ và các loại quân trang khác...

Căn cứ khoản 27 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP quy định sửa đổi bổ sung Điều 33 Nghị định 120/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về quản lý quân trang:

Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cành tùng, biển tên quân nhân, biểu tượng quân binh chủng, mũ kêpi, mũ dã chiến, lễ phục, quân phục thường dùng, quân phục dã chiến, quân phục nghiệp vụ...

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi trao đổi phiên hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, biển tên quân nhân, biểu tượng quân binh chủng, mũ dã chiến, lệ phục, quân phục thường dùng, quân phục dã chiến, quân phục nghiệp vụ, trang phục, sao mũ, phù hiệu của dân quân tự vệ và các loại quân trang khác

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với hành vi buôn bán trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, biển tên quân nhân, biểu tượng quân binh chủng, trang phục, phù hiệu của dân quân tự vệ và các loại quân trang khác là hàng phạm pháp có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50 triệu đồng.

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn