MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xử lý ra sao việc bị cáo bỏ trốn trước giờ xét xử?

Việt Dũng LDO | 19/06/2020 15:19
Việc một bị cáo bỏ trốn trước khi phiên tòa diễn ra tại TAND quận Hà Đông (Hà Nội), theo quy định pháp luật, cơ quan tố tụng sẽ xử lý ra sao; hành vi có cấu thành tội phạm hình sự... được luật sư lý giải.

Ông Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, hành vi của bị cáo là người đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử. Bị cáo có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.

Khoản 1 Điều 290 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định: Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

Ngoài ra, hành vi bỏ trốn trên cũng được quy định tại Điều 9, Thông tư liên tịch của Viện KSND Tối cao hướng dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã.

Tại khoản 1 nêu: Trường hợp Viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố bị can và đã giao bản cáo trạng cho bị can nhưng chưa chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án mà nhận được thông tin về việc bị can bỏ trốn, thì Viện Kiểm sát vẫn chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án để thụ lý, xét xử và thông báo cho Tòa án biết việc bị can đã bỏ trốn để Tòa án yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.

Theo khoản 2, trường hợp nhận được thông báo của Viện Kiểm sát về việc bị can bỏ trốn sau khi đã được giao bản cáo trạng (không phân biệt hồ sơ vụ án đã được chuyển giao cho Tòa án hay chưa) cũng như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu bị can bỏ trốn thì Tòa án yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can và vẫn tiến hành các công việc theo thủ tục chung.

Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 Bộ luật Tố tụng hình sự mà việc truy nã bị can vẫn chưa có kết quả, thì Tòa án áp dụng Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Trường hợp đã mở phiên tòa mà bị cáo bỏ trốn, thì Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

Khi nhận được văn bản của Tòa án yêu cầu truy nã bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra ra ngay quyết định truy nã và gửi thông báo quyết định truy nã theo đúng quy định tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch này.

Nếu hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày có công văn yêu cầu mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả thì Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã phải thông báo cho Tòa án biết để Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người bị truy nã theo điểm a khoản 2 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can, bị cáo thì khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, Tòa án không phải yêu cầu Cơ quan điều tra tiếp tục ra quyết định truy nã mới.

Theo ông Long, căn cứ vào quy định trên thì khi bị cáo bỏ trốn ngay trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn