MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo cơ quan kiểm tra thì chỉ có khoảng dưới 30m3 gỗ hương “trà trộn” trong lô gỗ trắc nhập khẩu trên 600m3, nhưng toàn bộ lô gỗ trắc đã bị tịch thu, đem bán. Ảnh: P.V

Yêu cầu các cơ quan tố tụng tôn trọng sự giám sát

LÂM CHÍ CÔNG LDO | 13/09/2019 10:51

Ngày 12.9, ngay sau khi có thông tin Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh - cựu Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an - về tội “Ra quyết định trái pháp luật” trong vụ án bán gỗ trắc tang vật, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị đã nêu rõ quan điểm đồng tình và đánh giá cao sự quyết tâm “đánh án” của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị thông tin, tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội mới đây, vụ án gỗ trắc nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Đen Sa Vẳn (Lào) - Lao Bảo (Việt Nam) liên quan đến doanh nhân Trương Huy Liệu và 3 cán bộ hải quan ở Quảng Trị và Đà Nẵng là bị can đã được Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề cập với quan điểm rõ ràng. Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp - “Báo cáo của Chính phủ có đề cập đến việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phòng chống oan sai có nội dung đảm bảo sự tuân thủ của các cơ quan tiến hành tố tụng theo đúng quy định của pháp luật; và có một ý cuối cùng nói rằng Ủy ban Tư pháp, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chịu trách nhiệm thực hiện giám sát các việc này”. Từ đó, ông Nguyễn Bá Sơn đặt câu hỏi: Có hành vi vi phạm tố tụng thì có bắt buộc phải khôi phục quy trình tố tụng đó hay không?

Trong vụ án Trương Huy Liệu và Nguyễn Thị Dung, tại điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền trưng cầu giám định và việc trưng cầu giám định tuân thủ theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Khoản 4 Điều 2 của Luật Giám định tư pháp thì quy định rằng tổ chức giám định, người giám định tư pháp là người có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ giám định tư pháp theo trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng”. Cũng tại khoản 2 Điều 24 quy định những tổ chức giám định, người giám định không thuộc phạm vi này hoặc không đủ năng lực chuyên môn thì buộc phải từ chối. “Trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định một tổ chức giám định không có chức năng giám định tư pháp. Kết quả là đưa ra hai bản giám định. Như vậy sai phạm này có nghiêm trọng hay không khi mà buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải sử dụng kết luận giám định vốn dĩ vi phạm quy định tố tụng?” - đại biểu Sơn nói. “Chúng tôi rất mong các cơ quan tố tụng tôn trọng sự giám sát của các Ủy ban của Quốc hội” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nói.

Về vụ án kéo dài 8 năm chưa kết thúc này, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã thực hiện chức năng giám sát tại các phiên xử diễn ra tại Đà Nẵng. Sau các phiên xử, cơ quan này đã có văn bản gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và các cơ quan trung ương khẳng định rằng đây là vụ án oan sai; không có tội phạm buôn lậu và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng như tòa án đã tuyên. Mặc dù vậy, tại phiên xử phúc thẩm mới đây nhất, ngày 26.7.2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên không chấp nhận kháng cáo kêu oan; đồng thời tuyên tăng hình phạt tù giam đối với bị cáo Trương Huy Liệu (Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) từ 1 năm 16 ngày của án sơ thẩm lên 7 năm tù giam, và Trần Thị Dung (Giám đốc Công ty Ngọc Hưng, vợ của Trương Huy Liệu) từ 9 tháng tù cho hưởng án treo lên 3 năm tù cho hưởng án treo cùng về tội buôn lậu. Hội đồng xét xử đã không trả lời được câu hỏi lớn nhất của vụ án: Không có tang vật là gỗ trắc nhập khẩu hợp pháp qua cửa khẩu thì căn cứ vào đâu để kết luận trong đó có “trà trộn” gỗ giáng hương (có giá trị thấp hơn nhiều lần gỗ trắc)?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn