MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu không có di chúc, phải chia tài sản thừa kế theo pháp luật. Ảnh Minh họa

"Bà ấy tệ lắm, mà sao lại được chia nhà của tôi”?

Nguyễn Thị Thúy Hường LDO | 19/03/2017 08:21
Ông Tám ngồi thẫn thờ nhìn di ảnh của người con gái mà nước mắt lưng tròng. Có ai ngờ, đứa con gái mà ông hết mực thương yêu, chăm bẵm từ khi lọt lòng mẹ, trải qua bao biến cố, vất vả, mới ngoài hai mươi tuổi đã rời bỏ ông để về với cát bụi.
Người đàn ông bất hạnh
25 năm trước, ông kết hôn với bà Tám sau mấy năm tìm hiểu. Cưới vợ xong, ông Tám không nề hà bất cứ công việc gì để có tiền chăm lo cho gia đình nhỏ, nhất là khi bà Tám mang thai con gái. Ở quê cuộc sống khó khăn nên vợ chồng ông bàn bạc, quyết tâm lên Sài Gòn lập nghiệp. Trình độ hạn chế, nên ông Tám phải làm công việc tay chân, không việc nào mà ông không trải qua, từ phụ hồ, bốc xếp, lơ xe, chạy xe ôm, phụ quán ăn …
Ông Tám cứ cần mẫn chăm chỉ làm việc chỉ mong có đủ tiền nuôi vợ nuôi con. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, gia đình ông vẫn phải ở trọ, nhưng ông tin rằng nếu chăm chỉ làm việc thì từ từ cũng sẽ mua được căn nhà nho nhỏ ở vùng ven. Ấy vậy mà, chẳng ai học được chữ ngờ! Vì thương vợ nên ông không cho bà Tám đi làm, bà chỉ cần ở nhà chăm con gái nhỏ là được.
Trong lúc ông Tám ngày đêm quay cuồng với việc mưu sinh thì bà Tám lại có người đàn ông khác. Người đó chẳng đâu xa lạ, mà là người tài xế lúc trước làm chung khi ông Tám còn làm lơ xe. Những lúc ông Tám bận rộn đi làm, người tài xế đó lại đến nhà tán tỉnh bà Tám. Khi sự việc vỡ lở, ông Tám dù rất buồn và giận, nhưng vì thương con gái bé bỏng chưa đầy năm, nên vẫn mong muốn duy trì cuộc hôn nhân. Thế nhưng bà Tám dứt khoát đòi ly hôn để đi theo tiếng gọi của tình yêu.
Thuyết phục không được, nên ông đành để bà Tám bước ra khỏi cuộc đời mình. Ông đồng ý ly hôn với điều kiện bà Tám phải để lại đứa con gái nhỏ cho ông nuôi. Bà Tám cũng đồng ý vì với bà, giờ chỉ còn tình yêu với người đàn ông mới là trên hết. Ly hôn xong, ông Tám và con gái nhỏ vẫn ở lại căn nhà mà ông thuê, còn bà Tám dọn đồ đi theo người đàn ông ấy.
Kể từ đó trở đi, trái tim ông Tám đóng băng. Nỗi đau bị phụ tình cộng với tình thương quá lớn dành cho cô con gái duy nhất khiến ông Tám không chấp nhận bất cứ người đàn bà nào bước vào cuộc đời của cha con ông. Khổ cực trăm bề, nhưng ông Tám vẫn không hề than vãn, kêu ca. Ngày ngày, ông Tám chỉ biết làm việc, tối về thì chăm sóc, vui đùa cùng cô con gái. Nhờ làm việc chăm chỉ, nên ông Tám dành dụm mua được căn nhà nho nhỏ ở một quận ở vùng ven.
Khi con gái 18 tuổi, ông Tám quyết định tặng cho căn nhà đó cho con. Bù lại, cô con gái ngày một xinh đẹp và rất có hiếu với cha. Cô vẫn thường nói ba hãy tìm cho mình một người phụ nữ để cuộc sống đỡ cô quạnh, nhưng ông Tám vẫn một mực chối từ, vì chẳng thiết tha đến hạnh phúc hôn nhân nữa. Vậy mà ông trời thiệt trêu ngươi. Cô con gái xinh đẹp mới hơn hai mươi tuổi đã bị qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Trời đất như sụp đổ dưới chân ông Tám. Niềm hy vọng duy nhất trong cuộc đời của ông Tám không còn nữa. Ông thẫn thờ, lặng câm trong nỗi đau quá cùng cực!
Phải tuân theo pháp luật
Trong đám tang cô con gái, bà Tám trở về. Đám ma xong, bà Tám nói căn nhà đứng tên cô con gái và nên phải chia phần cho bà. Bất ngờ trước sự tham lam của người vợ cũ, ông Tám tức quá hét lên và đuổi bà Tám ra khỏi nhà. Trong một lần đi tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng ven, sau buổi tư vấn, ông Tám gặp tôi và hỏi có phải chia căn nhà cho bà Tám không.
Tôi nói với ông, mặc dù căn nhà do ông Tám tự dành dụm tiền để mua, nhưng đã tặng cho cô con gái khi 18 tuổi và thủ tục đã hoàn tất theo luật định. Như vậy cô con gái là chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà và có quyền định đoạt với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Nếu cô con gái có để lại di chúc, thì tài sản sẽ được chia theo ý chí của người đã chết. Nhưng điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau: “1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; b) Con thành niên mà không có khả năng lao động. 2. Quy định tại khoản 1 điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1, Điều 621 của Bộ luật này”. Như vậy, ngay cả trong trường hợp cô con gái để lại di chúc chỉ cho ông Tám được hưởng trọn căn nhà sau khi cô ấy qua đời, thì mẹ của cô ấy (bà Tám) vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật.
Ông Tám trình bày cô con gái không để lại di chúc. Như vậy, căn nhà lúc này sẽ được phân chia theo pháp luật. Ông Tám và bà Tám đều là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cô con gái theo như quy định ở Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” và những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.
Do cô con gái chưa lập gia đình và chưa có con nên hàng thừa kế thứ nhất của cô ấy chỉ có ông Tám và bà Tám. Vậy là căn nhà sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, theo đó ông Tám được 1/2 căn nhà và bà Tám cũng được ½ căn nhà. Sau khi nghe tư vấn luật, ông Tám thẫn thờ và thốt lên: “Bà ấy tệ lắm mà sao lại được chia nhà của tôi?”. Tôi cũng không biết phải nói với ông Tám thế nào, bởi pháp luật là thế, đôi khi nó vô tình và lạnh lùng. Còn nghĩa vụ của mỗi chúng ta là phải tuân theo pháp luật.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn