MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cha mẹ chết không để lại di chúc thì tài sản thừa kế được chia theo pháp luật. Ảnh S.T

Buồn lòng với tranh chấp trong gia đình

Đức Long LDO | 28/08/2017 13:30

Công việc của luật sư phải tiếp xúc với nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời éo le, có khi bất hạnh. Một trong những éo le đó là bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trong những vụ tranh chấp tài sản thừa kế. Bởi lẽ, nguyên đơn, bị đơn trong những vụ án này là người ruột thịt với nhau, đã có thời gian họ từng được chung sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Những vụ án như thế, dù thắng, dù thua thì cái mất mát lớn nhất chính là tình máu mủ ruột thịt đã không còn.

Tranh chấp sau khi cha mẹ chết

Người thanh niên mảnh khảnh bước vào văn phòng luật sư dáng vẻ rụt rè, ánh mắt như cầu cứu. Tôi không hỏi ngay “bạn cần giúp đỡ gì” như mọi khi, mà nói chuyện bâng quơ, bởi kinh nghiệm cho thấy, với người không mạnh mẽ, nếu đi thẳng vào câu chuyện, có khi họ sẽ không trình bày được vấn đề một cách rõ ràng, khúc chiết.

Sau một lúc, anh bắt đầu kể về câu chuyện của mình. Anh tên T và người anh trai của mình đã có một thời gian chung sống vui vẻ, hạnh phúc khi cả hai cùng độc thân và cha mẹ còn sống. Anh em rất thương nhau. Người anh thì khoẻ mạnh và giỏi giang hơn nên có công việc và tiền lương cũng khá.

Còn anh T thì khi sinh ra đã không được khoẻ mạnh như anh trai của mình, nên học hành cũng bình thường. Thi không đậu đại học, anh T đi làm công nhân ở một Cty gần nhà. Cuộc sống chỉ bắt đầu thay đổi khi người anh lấy vợ, và chị dâu về sống chung với gia đình. Khi còn sống, cha mẹ anh T cũng thường nói, anh em rồi sẽ “kiến giả nhất phận”, nên thường giục giã anh T cưới vợ để các cụ yên tâm.

Anh T cũng không phải không muốn lập gia đình, nhưng vài mối tình đi qua mà chưa chọn được ý trung nhân. Thêm nữa, đồng lương công nhân ba cọc, ba đồng, nhìn cảnh bạn bè lập gia đình xong, sinh con đẻ cái nheo nhóc, khiến anh có phần ngần ngại. Khi cha mẹ anh T mất đi, tài sản để lại cho các con chẳng có gì giá trị, ngoài ngôi nhà đã cũ trên mảnh đất rộng hơn 200m2.

Các cụ cũng chẳng để lại di chúc ngoài việc nhắn nhủ anh em hãy yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và mong ước anh sớm cưới vợ. Hơn hai năm sau ngày bố mẹ anh mất, một hôm anh trai gọi anh T ra nói chuyện riêng, mong muốn sẽ bỏ tiền ra để xây nhà trên đất cha mẹ để lại và nói sẽ cho anh T một phòng để ở, chừng nào lấy vợ, ra riêng rồi tính.

Thấy anh trai nói có lý mà mình cũng chẳng có tích luỹ gì, nên T đồng ý. Thời gian đầu cũng không có gì đáng nói, nhưng rồi ở lâu cũng sinh chuyện, chị dâu cứ nói gần, nói xa ám chỉ việc anh chẳng đóng góp gì bỗng nhiên được ở trong ngồi nhà cao ráo, mát mẻ…

Cũng có lần, anh T đã nói với anh trai sẽ ra ngoài thuê nhà để sống cho thoải mái, nhưng anh trai can, khuyên bảo anh T cứ ở đây, khi nào lấy vợ hãy tính tiếp. Cuộc sống bằng mặt, không bằng lòng thật là khó chịu, nên trong một lần không kìm chế được lòng mình, anh T đã nói anh trai chia tài sản để anh ra ngoài ở.

Người chị dâu bỗng như một “bà phán” kể tội anh, khi cha mẹ còn sống cũng chẳng đóng góp được gì, mọi việc trong nhà đều do chồng chị lo toan. Nhà này vợ chồng chị bỏ tiền ra xây, cúng giỗ cha mẹ cũng vợ chồng người anh lo, nên tài sản cha mẹ để lại vợ chồng người anh phải được hưởng hết. Người chị dâu còn “nói mát”, đã cho anh T ở nhờ là tốt rồi lại còn đòi hỏi, mau mau mà dọn ra khỏi nhà, đừng chờ phải “mời” đi.

Anh trai anh T lại ủng hộ vợ. Không chịu đựng được, anh T đành phải dọn ra ngoài thuê nhà để sinh sống. Bực mình với cách cư xử của vợ chồng người anh, nghe bạn bè nói anh cũng được hưởng tài sản của cha mẹ, anh T khởi kiện người anh ra toà án quận B.T nơi gia đình người anh đang ở. Khi toà án đang thụ lý vụ việc, trong một lần đến toà, người anh của anh T không may bị tai nạn giao thông và chết.

“Người chị dâu được thể càng trút hết tội lên đầu tôi. Chị nói vì tôi đi kiện mà anh trai tôi bị chết và khăng khăng sẽ không trả bất cứ tài sản nào. Bây giờ tôi rối quá, không biết làm sao, nhờ luật sư giúp đỡ”, anh T nói với vẻ đau khổ.

Một trăm cái lý, không bằng một tí cái tình

Do không phải lần đầu tiếp xúc với những vụ án chia di sản thừa kế, nên tôi cũng biết tâm trạng của những người trong vụ việc. Có nhiều vụ, những người trong cuộc quyết “ăn thua đủ”, vì họ cho rằng tình thương yêu bị phản bội, nên chẳng còn gì phải nói với nhau ngoài pháp luật.

Nhưng cũng có người, giá trị tài sản thừa kế không phải là điều họ nhắm tới, mà điều họ cần nhất là sự công bằng, bởi sâu xa trong họ có một dòng máu chung vẫn chảy. Vì cha mẹ anh T không để lại di chúc, nên di sản của ông bà sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại điều 650 Bộ luật Dân sự 2015.

Tôi hỏi anh T còn anh em nào không? Khi cha mẹ anh chết thì ông bà nội ngoại anh còn sống không? thì anh T cho biết cho mẹ anh chỉ có hai anh em, cũng không có con riêng. Cả ông bà nội, ngoại của anh đều chết trước khi bố mẹ anh lần lượt qua đời. Như vậy, ở đây, chỉ có anh T và anh trai của anh sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.

Về nguyên tắc, anh T và anh trai mỗi người sẽ được hưởng một phần bằng nhau từ di sản cha mẹ anh để lại là quyền sử dụng hơn 200 m2 đất và quyền sở hữu ngôi nhà. Tuy nhiên, do anh T và gia đình anh trai đã thoả thuận để anh trai anh xây nhà trên phần đất cha mẹ anh để lại, nên bây giờ, cách tốt nhất là anh T và chị dâu anh phải ngồi lại với nhau, để tính toán giá trị tài sản của căn nhà và đất do cha mẹ anh để lại.

Sau đó, chị dâu của anh T sẽ trả cho anh T một khoản tiền tương ứng với ½ giá trị tài sản của cha mẹ anh để lại và ở lại trong ngôi nhà đó, như thế là hợp lý.

Sau khi cân nhắc một hồi, anh T nói như trải lòng: “Chắc tôi cũng chỉ lấy một ít thôi, vì dù sao hai cháu con anh tôi vẫn còn nhỏ. Một trăm cái lý, không bằng một tí cái tình, phải không luật sư. Điều tôi mong muốn ở đây là chị dâu tôi đừng tưởng mình có quyền tất cả”. Anh T chào tôi và ra về. Tôi nhìn theo và mong anh cùng người chị dâu sẽ thoả thuận được, để tránh cho những người đã mất thêm đau lòng ở nơi chín suối. 

(Ghi theo lời kể của LS.Trần Phi Đại, Đoàn Luật sư TPHCM)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn