MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nên lập thành văn bản khi cho mượn tài sản. Ảnh ST

Cẩn trọng khi cho mượn tài sản

Nguyễn Thị Thúy Hường LDO | 22/10/2017 18:00
Năm năm trước, bà H nhận chuyển nhượng một mảnh đất ở một huyện ngoại thành. Trên mảnh đất vẫn có một nhà vệ sinh do ông N, chủ cũ của miếng đất xây. Hai bên thoả thuận khi chuyển nhượng mảnh đất này cho bà H, ông N sẽ phải dỡ bỏ nhà vệ sinh đó.

Mặc dù đã mua mảnh đất, nhưng do bà H chưa có nhu cầu sử dụng nên vẫn để trống. Thấy vậy ông N xin được tiếp tục sử dụng nhà vệ sinh cũ này và cam kết khi bà H có nhu cầu xây dựng trên mảnh đất này, ông sẽ trả lại phần đất và bà H đồng ý.

Mượn rồi không muốn trả

Gần đây, do muốn có thêm thu nhập nên bà H quyết định xây phòng trọ trên mảnh đất. Bà H yêu cầu ông N dỡ bỏ nhà vệ sinh để bà tiến hành xây dựng nhà trọ, nhưng ông N không chịu và kiếm nhiều lý do trì hoãn việc dỡ bỏ nhà vệ sinh.

Ông N còn tuyên bố nhà vệ sinh vẫn còn tồn tại, có nghĩa là phần đất đó vẫn thuộc về ông. Ông N ra điều kiện nếu bà H muốn ông dỡ bỏ nhà vệ sinh thì phải bồi thường cho ông 100 triệu để xây nhà vệ sinh mới trên phần đất của ông kế bên.

Bức xúc trước sự ngang ngược của ông N, bà H tuyên bố sẽ thuê thợ đập bỏ nhà vệ sinh của ông N. Ông N nói nếu bà H làm thế, ông quyết không để yên. Và bà H tìm đến luật sư để nhờ tư vấn.

Luật sư kiểm tra lại toàn bộ giấy tờ liên quan và thấy việc chuyển nhượng quyền sử dụng đẩt này được tiến hành theo đúng trình tự do pháp luật quy định, bà H đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình. Tổng diện tích đất mà bà H đứng tên chủ sử dụng gồm cả phần diện tích có nhà vệ sinh của ông N.

Luật sư hỏi giữa bà H và ông N có lập văn bản nào thể hiện việc bà H đồng ý cho ông N tiếp tục được sử dụng nhà vệ sinh trên phần đất đã chuyển nhượng không? Ngoài ra, có văn bản nào thể hiện ông N cam kết là sẽ đập bỏ nhà vệ sinh trên mảnh đất đó hay không? Bà H xác nhận do tin tưởng ông N là người đàng hoàng nên không yêu cầu làm văn bản.

Mặc dù giữa ông N và bà H không lập văn bản nào, nhưng hàng xóm xung quanh đều biết về việc cho mượn và sẵn sàng làm chứng. Như vậy, thực tế giữa bà H và ông N có thoả thuận với nhau một hợp đồng cho mượn đất.

Điều 494, 495 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về Hợp đồng mượn tài sản như sau: Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Tất cả những tài sản không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản.

Không được tự ý cho người khác mượn lại tài sản

Điều 496 Bộ luật Dân sự 2015 cũng xác định rõ 5 nghĩa vụ mà bên mượn tài sản phải tuân thủ, đó là: Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.

Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được. Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn. Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.

Tương ứng với nghĩa vụ của bên mượn tài sản là quyền của bên cho mượn tài sản. Quyền của bên cho mượn tài sản được quy định tại Điều 499 Bộ luật Dân sự 2015, gồm: Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý.

Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.

Nên lập văn bản khi cho mượn tài sản

Căn cứ vào các quy định trên, ông N là bên mượn tài sản, phải có nghĩa vụ trả lại phần đất của bà H là có cơ sở. Việc ông N yêu cầu bà H bồi thường cho ông 100 triệu để đập bỏ nhà vệ sinh cũ và xây nhà vệ sinh mới là không hợp lý.

Vậy bà H cần phải làm gì để có thể đòi lại phần đất này? Bà H cần gửi đơn xin hoà giải tranh chấp đất đai gửi đến UBND cấp xã nơi có phần đất để được hoà giải tranh chấp đất đai với ông N. Nếu bà H và ông N không hoà giải được, thì sau khi có biên bản hoà giải không thành của UBND xã, bà H có quyền khởi kiện đến TAND cấp huyện nơi có phần đất, để yêu cầu TAND tuyên buộc ông N phải tháo dỡ nhà vệ sinh nằm trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà H.

Để củng cố thêm các căn cứ và lập luận cho yêu cầu của mình, bà H có thể nhờ những người hàng xóm làm giấy xác nhận về sự việc ông N có mượn một phần đất của bà H để tiếp tục sử dụng nhà vệ sinh trên đó. Trong trường hợp bà H có nhu cầu sử dụng phần đất này, ông N phải có nghĩa vụ trả lại ngay.

Thông qua câu chuyện này, mọi người có thể rút ra kinh nghiệm khi cho người khác mượn tài sản, cần lập văn bản và xác định cụ thể thời gian cho mượn để tránh tình trạng bên mượn không muốn trả lại tài sản cho bên cho mượn. Khi xác định rõ về thời gian cho mượn, cả bên mượn là bên cho mượn đều có ý thức hơn với tài sản cho mượn và các bên cũng chủ động hơn về việc sử dụng tài sản đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn