MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NLĐ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 1giờ/ngày. Ảnh: NAM DƯƠNG

Có được nghỉ 1giờ/ngày khi nuôi con dưới 12 tháng tuổi?

Nam Dương LDO | 09/03/2018 06:37

Trong tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi của bạn đọc liên quan đến quyền lợi của lao động nữ khi nghỉ hưu, khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, điều chỉnh lương của NLĐ khi sắp xếp lại thang, bảng lương của công ty... Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Nữ nghỉ hưu năm 2018, hưởng mức lương hưu thế nào?

Một số bạn đọc gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi về mức hưởng lương hưu của lao động nữ từ 2018 khi đủ tuổi nghỉ hưu và có 25 năm năm đóng BHXH?.

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 2, điều 56 Luật BHXH 2014 quy định: Từ ngày 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện quy định tại điều 54 của luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại điều 62 của luật này và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Như vậy, nếu các bạn có 25 năm đóng BHXH, và đủ tuổi nghỉ hưu đối với nữ (55 tuổi), thì mức lương hưu được hưởng sẽ là: 45% + (25 -15) x 2% = 65%.

Được nghỉ 1giờ/ngày khi nuôi con dưới 12 tháng

Bạn đọc có số điện thoại 0902559XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Chế độ lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 1 giờ/ngày còn áp dụng không? Công ty tôi lại không áp dụng quy định này.

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 5, điều 155 BLLĐ năm 2012 quy định: Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ”. Thời gian nghỉ này được hướng dẫn tại khoản 3, điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP như sau: “3. Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau: a) Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi; b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ”. Cho đến nay, chưa có quy định nào khác của háp luật về việc lao động nữ không được nghỉ 1 giờ/ngày mà vẫn hưởng nguyên lương trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nói cách khác, quy định trên hiện vẫn đang có hiệu lực. Nếu công ty của bạn không áp dụng quy định này là làm trái luật.

Đang đóng BHXH mà chết, thân nhân hưởng chế độ gì?

Bạn đọc có số điện thoại 01696044XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Người nhà tôi đóng BHXH được 4 năm mà chết thì được hưởng chế độ gì?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Do người chết mới đóng BHXH được 4 năm, và nếu không chết vì lý do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì thân nhân của họ không được hưởng trợ cấp hàng tháng mà chỉ được nhận trợ cấp một lần theo quy định tại khoản 1, điều 69 Luật BHXH 2014. Khoản 1, điều 70 Luật BHXH 2014 quy định: Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của NLĐ đang tham gia BHXH hoặc NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi; mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Ngoài ra, người lo mai táng cho người đã chết còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở theo quy định tại điều 66 Luật BHXH.

Giảm lương, phải thoả thuận với NLĐ

Bạn đọc có số điện thoại 01638399XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Cơ quan tôi dự định thay đổi quy chế tiền lương, trong đó có giảm lương của tôi. Cơ quan có phải thoả thuận với tôi không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 93 BLLĐ 2012 quy định về xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động như sau: 1. Trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định, NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong HĐLĐ và trả lương cho NLĐ. 2. Khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động NSDLĐ phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của NLĐ trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của NSDLĐ.

Điều 35 BLLĐ 2012 quy định: 1: Trong quá trình thực hiện HĐLĐ, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung HĐLĐ thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. 2. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung HĐLĐ được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới. 3. Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung HĐLĐ thì tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết.

Như vậy, công ty của bạn có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương đúng với quy định của pháp luật. Nhưng nếu có thay đổi tiền lương thì cần phải thoả thuận với NLĐ theo quy định tại điều 35 BLLĐ 2012, vì tiền lương là một trong những nội dung chính của HĐLĐ.

53 tuổi, có nên tham gia BHXH tự nguyện?

Bạn đọc có số điện thoại 0917605XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi năm nay 53 tuổi, có tham gia BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu sau này không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Bạn có thể tham gia BHXH tự nguyện bất cứ khi nào, không phụ thuộc vào độ tuổi. Tuy nhiên, xin lưu ý, theo quy định tại điều 73 Luật BHXH 2014, để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng khi tham gia BHXH tự nguyện, thì phải đạt độ tuổi 60 với nam, 55 với nữ và có ít nhất 20 năm đóng BHXH. Nếu bây giờ bạn mới bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện, thì bạn phải đóng BHXH cho đến khi có đủ 10 năm (năm bạn 63 tuổi), sau đó đóng một lần cho 10 năm còn thiếu để hưởng lương hưu hàng tháng ngay.

Bạn nên cân nhắc về điều kiện sức khoẻ, tuổi tác, thu nhập của mình. Nếu quyết tâm đóng BHXH tự nguyện thì bạn cần liên hệ với UBND phường, xã hay bưu cục gần nơi cư trú để được hướng dẫn thêm về mức đóng, phương thức đóng và mức hưởng lương hưu sau này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn