MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi thay đồi công việc, tiền lương của NLĐ có thể thay đổi theo. Ảnh: Nam Dương

Con chết sau sinh, mẹ hưởng chế độ thai sản thế nào?

Nam Dương LDO | 03/04/2017 06:34
Trong tuần qua, Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi liên quan đến chế độ thai sản, chế độ thôi việc… Báo Lao Động trích đăng và trả lời.

Được nghỉ tối đa 50 ngày nếu thai chết lưu

Bạn đọc số 0914715XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559, hỏi: Tôi đang mang thai, nhưng tình hình thai nhi không tốt. Nếu thai chết lưu thì tôi được hưởng chế độ gì? Trường hợp sinh con mà con chết, tôi được hưởng chế độ thai sản (CĐTS) thế nào?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 34 Luật BHXH 2014 quy định: 1. Lao động nữ (LĐN) sinh con được nghỉ việc hưởng CĐTS trước và sau khi sinh con là 6 tháng. 2. Trường hợp LĐN sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. 3. Thời gian nghỉ hưởng CĐTS trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 2 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 4 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 2 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng CĐTS không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này...

Điều 10, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH hướng dẫn thời gian hưởng chế độ thai sản như sau: Trong thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng CĐTS trước khi sinh mà thai chết lưu, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 31 của Luật BHXH thì ngoài CĐTS đối với thời gian nghỉ việc hưởng CĐTS trước khi sinh, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ quy định tại Điều 33 của Luật BHXH (thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý) tính từ thời điểm thai chết lưu. Cụ thể, 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên. Thời gian nghỉ việc hưởng CĐTS quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Như vậy, lao động nữ ngoài việc được hưởng CĐTS cho đến khi thai chết lưu, còn được nghỉ việc hưởng CĐTS theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng tối đa không quá 50 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Trường hợp lao động nữ nghỉ hưởng CĐTS trước khi sinh, sau khi sinh con mà con bị chết, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 31 của Luật BHXH, thì ngoài CĐTS đối với thời gian nghỉ hưởng CĐTS trước khi sinh, lao động nữ được hưởng chế độ quy định tại khoản 3, Điều 34 của Luật BHXH.

 

Thay đổi công việc, trả lương thấp hơn có đúng?

Bạn đọc số 0967147XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559, hỏi: Tiền lương danh nghĩa khác với tiền lương cơ bản thế nào? Tôi đang làm nhiệm vụ quản lý hưởng lương danh nghĩa 7 triệu đồng/tháng. Cty chuyển qua làm bộ phận khác chỉ được nhận tiền lương danh nghĩa 5,4 triệu có đúng?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Trong pháp luật lao động không có khái niệm tiền lương danh nghĩa và lương cơ bản, mà chỉ có khái niệm tiền lương cơ sở và tiền lương tối thiểu vùng. Tiền lương cơ sở dùng làm cơ sở để tính các chế độ về BHXH. Tiền lương tối thiểu vùng dùng để làm căn cứ cho các DN trả lương cho NLĐ. Điều 90 BLLĐ quy định: Tiền lương là khoản tiền mà NSDLĐ trả cho NLĐ để thực hiện công việc theo thỏa thuận… Tiền lương trả cho NLĐ căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc. Do đó, nếu bạn đã đồng ý chuyển công việc thì việc thay đổi tiền lương là bình thường.

 

Cho em mượn CMND đóng BHXH, giờ trả tiền thế nào?

Bạn đọc số 0126 7149XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559, hỏi: Tôi cho em mình mượn CMND đi làm đóng BHXH được 2 năm 2 tháng từ năm 2015 đến nay. Nay tôi tiếp tục lấy sổ BHXH mang tên và CMND của tôi đi làm có được không. Tôi phải trả cho em tôi số tiền đã đóng BHXH 2 năm 2 tháng là bao nhiêu?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Về nguyên tắc việc bạn cho em mình mượn hồ sơ nhân thân để đi làm và tham gia BHXH như trên là sai. Do đó, cách đúng nhất là em bạn nên làm thủ tục điều chỉnh nhân thân với tên, CMND thật của mình cho quá trình đã đóng BHXH 2 năm, 2 tháng đó rồi tiếp tục tham gia BHXH hoặc chờ nhận BHXH một lần khi đủ điều kiện.

Tuy nhiên, thực tế sổ BHXH hiện đang mang tên, CMND của bạn, nên nếu bạn đi làm và đóng tiếp BHXH vào sổ đó sẽ không có vướng mắc gì về thủ tục pháp lý, trừ trường hợp em bạn khiếu nại.

Về thanh toán tiền BHXH đã đóng cho em bạn có hai cách. Một là tính tổng số tiền em bạn đã đóng BHXH trong 2 năm 2 tháng đó để trả lại. Cách thứ hai tính theo chế độ BHXH một lần. Do em bạn bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2015, nên mỗi năm đã tham gia BHXH được tính là 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Số tháng lẻ (2 tháng) làm tròn thành 6 tháng. Như vậy, tổng cộng số tiền mà bạn sẽ phải trả cho em bạn là 5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

 

Không được trả trợ cấp thôi việc phải làm sao?

Bạn đọc số 0948819XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559, hỏi: Tôi làm việc liên tục cho công ty từ tháng 6.2006 đến tháng 6.2012 mới được ký HĐLĐ và tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tháng 2.2017, tôi nghỉ việc, Cty trả sổ BHXH, trong đó có ghi thời gian tham gia BHXH được 5 năm (từ 2012 trở đi). Quyết định nghỉ việc của tôi cũng ghi rõ thời gian làm việc từ năm 2006. Hằng tháng, công ty trả lương cho tôi qua ngân hàng. Tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc (TCTV) không? Cách tính thế nào?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Pháp luật về lao động quy định khi NLĐ làm việc cho NSDLĐ thì hai bên phải ký kết HĐLĐ, trừ trường hợp công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói. Ngoài ra, pháp luật về BHXH quy định nếu NLĐ có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên thì NSDLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ. Riêng với chế độ BHTN thì NLĐ phải có HĐLĐ từ đủ 12 tháng trở lên mới thuộc đối tượng tham gia BHTN, và chỉ bắt đầu từ ngày 1.1.2009 trở đi. Do đó, nếu bạn đã làm việc liên tục cho công ty từ tháng 6.2006 mà đến tháng 6.2012 công ty mới ký HĐLĐ và tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho bạn là sai.

Điều 48 BLLĐ quy định: Khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả TCTV cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính TCTV là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia BHTN theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả TCTV. Tiền lương để tính TCTV là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc.

Căn cứ vào các quy định trên, công ty của bạn có trách nhiệm trả TCTV cho bạn thời gian từ tháng 6.2006 đến tháng 5.2012, mỗi năm một nửa tháng lương, ngoài ra công ty cũng phải truy đóng BHXH cho bạn trong thời gian này. Riêng với BHTN thì phải truy đóng cho thời gian từ 1.1.2009 đến tháng 5.2012. Trường hợp công ty không chi trả TCTV và truy đóng BHXH cho bạn, bạn có thể khởi kiện công ty ra TAND cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở để được bảo đảm quyền lợi. Trong trường hợp này, quyết định thôi việc, bẳng sao kê tiền lương công ty trả cho bạn hằng tháng sẽ là những chứng cứ chứng minh cho thời gian bạn đã làm việc thực tế cho công ty.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn