MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân có quyền đăng ký tài sản riêng ngay cả trong quá trình vợ chồng chung sống với nhau. Ảnh minh họa

“Đắng lòng” khi mẹ muốn kiện con

Đức Long LDO | 23/04/2017 11:00
Vô phúc đáo tụng đình”! Người xưa đã đúc kết như thế khi nói về những khó khăn, cực khổ khi chẳng may có việc phải liên quan đến kiện tụng. Càng “đắng lòng” hơn khi những người trong một vụ kiện lại là thân thích với nhau, thậm chí trong đó mẹ phải đi kiện con. Điểm “sáng” duy nhất trong vụ việc dưới đây, đó là mẹ kiện đòi tài sản của con, để cuối cùng cũng là cho con tài sản đó vào lúc thích hợp.

Chứng minh nguồn gốc hình thành tài sản

Chị là người phụ nữ sang trọng và lịch thiệp. Từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng đến quần áo, vật dụng, cách trang điểm của chị “nói” lên điều đó. Chị đến văn phòng nhờ luật sư tư vấn trong vụ kiện đòi tài sản nhờ đứng tên mua hộ là hai mảnh đất và một căn nhà, ước tính trị giá trên 10 tỉ đồng. Theo lời kể, chị là Việt kiều ở Mỹ, có gửi tiền nhờ một người đàn ông gần 30 tuổi ở trong nước đứng tên mua giùm nhà và đất. Nay chị muốn lấy lại, nhưng người đó nói đó là tài sản được đăng ký hợp pháp dưới tên anh ta, nên không đồng ý trả. Đồng thời, anh ta còn muốn coi tài sản này là tài sản chung với một người phụ nữ khác, nên chị phải kiện để ngăn chặn.

Tôi hỏi vậy khi mua nhà, đất chị có thỏa thuận gì với người bán không thì chị trả lời đều có trực tiếp đi cùng người đàn ông đó để thỏa thuận với người bán. Sau khi đã thống nhất về giá mua bán, chị đồng ý để nhờ người đàn ông đó đứng tên giùm vì pháp luật lúc đó chưa cho phép người nước ngoài được đứng tên sở hữu nhà và sử dụng đất. Hiện nay, chị đã lấy được ý kiến xác nhận của hai chủ đất còn đang ở bên cạnh. Riêng người bán nhà thì đã đi đâu không rõ, chị vẫn đang tiếp tục đi tìm kiếm người này để xác nhận về việc chị là người trực tiếp thỏa thuận mua bán nhà.

Tôi hỏi tiếp, vậy những lần gửi tiền cho người đàn ông đó có gì làm bằng chứng không thì chị cho biết, có lần gửi tiền qua ngân hàng ở nước ngoài về và có lần nhờ người mang giùm về và đều có thể xác nhận được. Tôi hỏi tiếp, vậy trong thời gian trông giữ, bảo quản nhà, đất người đàn ông đó có những việc làm gì để tôn tạo, làm tăng thêm giá trị của nhà đất không, thì chị trả lời là có. Tôi nói với chị, như vậy, về cơ bản đã có những chứng cứ thuận lợi để chứng minh chị là người chủ sở hữu thực sự của những tài sản đó và có thể đòi lại được.

Nhưng theo Án lệ số 02/2016/AL đã được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố, thì chị sẽ phải trả một phần giá trị tăng lên do công sức của người trông giữ, bảo quản đó. Chị bỗng thốt lên: “Có đòi lại được, rồi tôi cũng cho hết cháu mà. Đó là con trai tôi, nên cuối cùng thì tôi cũng cho cháu chứ cho ai luật sư, nhưng chưa phải bây giờ. Mà cũng tại con tôi tin người quá nên tôi phải bảo vệ cháu”.

Chỉ cần đăng ký tài sản riêng trước khi hôn nhân

Rồi chị kể, mình từng có cuộc hôn nhân đầu khá vất vả với người chồng phụ bạc. Sau khi chia tay nhau 10 năm, chị xuất cảnh theo người chồng sau sang Mỹ khi con trai chị đã lớn tuổi, nên phải ở lại với bà ngoại. Khi bà ngoại mất, con chị ở một mình. Những năm theo chồng ở xứ người, chị nhớ, thương con lắm, nhưng vì hoàn cảnh nên đành chịu. Xa con, thương con, chị cặm cụi làm việc và tích góp gửi tiền về cho con ăn học, có dư chút đỉnh thì dành mua nhà, đất phòng khi sau này chị có trở về sinh sống thì có nơi, có chốn để mẹ con cư trú.

Mấy lần về nước, con trai chị dẫn chị đi xem nhà, đất rồi mẹ con cùng quyết định mua, để con trai chị đứng tên. Niềm vui của chị tăng thêm khi có lần chị về nước, con trai dẫn người yêu về ra mắt mẹ. Thấy bạn gái của con xinh xắn, nhanh nhẹn, chị cũng mừng thầm vì ở nơi xa xôi, con trai chị cũng có người yêu thương, chăm sóc. Một buổi tối, chị được mấy người bạn rủ đi sinh nhật tại một quán Bar ở trung tâm thành phố. Trong lúc đang ngồi nói chuyện với bạn, chị bỗng giật mình khi thấy bạn gái của con mình đi cùng một người đàn ông khác, dáng vẻ rất thân mật đi vào.

“Đợi cho hai người ổn định chỗ ngồi, tôi làm bộ có việc đi ngang và cố tình gây sự chú ý cho cô gái. Khi cô gái ngước nhìn lên, tôi chờ đợi một ánh mắt bối rối, nhưng không luật sư ạ, đó là một cái nhìn như thách thức. Trong tôi bỗng như có điều gì sụp đổ. Tôi đi nhanh về lại bàn mình và từ lúc ấy, tôi không còn tâm trạng nào để vui sinh nhật bạn và cuối cùng phải xin phép về sớm”, chị kể.

Ngừng một chút, nhấp ngụm nước, chị kể tiếp: “Tôi về đến nhà, thấy con trai vẫn đang ngồi trên máy tính. Tôi có hỏi con thế bạn gái đâu không đi chơi mà để con ở nhà một mình, thì cháu trả lời bạn con nói đi đám cưới người cùng cơ quan nhưng muốn đi một mình để vui chơi với đồng nghiệp. Không muốn con biết ngay sự thật, tôi nhắc con cần tìm hiểu kỹ càng về bạn mình trước khi tiến tới hôn nhân.

Rồi sau đó, tôi âm thầm tìm hiểu về nhân thân của cô gái đó thì biết cô có lịch sử phức tạp hơn những điều con kể với tôi. Với tình thương của người mẹ, tôi đã nói rõ cho con biết, nhưng con tôi không nghe lời mà còn cương quyết nói sẽ cưới cô gái đó. Nếu cô ấy thực sự thương yêu con tôi, thì tôi cũng cho các cháu tất cả tài sản. Nhưng cái ánh mắt tôi gặp ở quán Bar đó cứ ám ảnh tôi và khiến tôi không thể an tâm. Thôi nói con không nghe, thì tôi phải tự bảo vệ tài sản của mình. Mà bảo vệ tài sản của mình thì cũng là bảo vệ con thôi luật sư ạ. Tôi sẽ cho cháu vào một lúc thích hợp”.

Tôi nói với chị, pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng và vợ chồng cũng có thể thỏa thuận tài sản riêng của mình là tài sản chung. Nhưng pháp luật cũng cho phép những người trước khi kết hôn có thể kê khai tài sản riêng. Thậm chí, dù đã là vợ chồng thì cũng vẫn có quyền có tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân.

Như vậy, trong trường hợp này, nếu chị thuyết phục được con trai đăng ký hai mảnh đất và ngôi nhà đó là tài sản riêng của anh ấy trước khi hôn nhân thì vừa không trái với pháp luật mà vừa bảo đảm được nếu có gì rủi ro trong cuộc hôn nhân thì chị cũng không bị mất tài sản, chứ không cần thiết phải đi kiện con. Bởi nếu kiện con thì sẽ phải qua một quá trình dài và trên hết, tình cảm mẹ, con có thể bị sứt mẻ. Chị cám ơn tôi rồi ra về. Trong thâm tâm, tôi chỉ mong muốn chị sẽ thuyết phục được con trai mình chứ không cần phải tiến hành vụ kiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn