MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần đọc kỹ các điều khoản trước khi giao kết hợp đồng. Ảnh S.T

Đừng vội, bởi “bút sa, gà chết”

LS Nguyễn Thị Thúy Hường LDO | 18/12/2017 07:21
Người phụ nữ tuổi trung niên vẻ đầy vội vã bước vào văn phòng luật sư đề nghị được tư vấn.

Chị kể, mới đây được mời tham dự buổi giới thiệu sản phẩm của một Cty cung cấp các căn hộ nghỉ dưỡng tại một tỉnh miền Trung và choáng ngợp trước viễn cảnh được giới thiệu là chị và gia đình mỗi năm có thể nghỉ dưỡng ở địa điểm sang trọng trong vòng một tuần và kéo dài tới mấy chục năm. Nếu không muốn nghỉ tại đây thì chị có thể sang nhượng cho người khác tiêu chuẩn nghỉ dưỡng tại căn hộ này và Cty sẽ hỗ trợ. 

Choáng ngợp vì lợi nhuận

Theo tư vấn của nhân viên Cty, số tiền chị có thể thu về được lên tới 200 triệu đồng cho mỗi một đợt chị và gia đình không có nhu cầu nghỉ dưỡng. Chị nhẩm tính, nếu bỏ ra khoảng 500 triệu và không có nhu cầu nghỉ dưỡng thì chỉ cần sang nhượng tiêu chuẩn trên vài năm là thu hồi lại vốn, còn lại sẽ được nghỉ dưỡng miễn phí hoặc tiếp tục thu lời số tiền không nhỏ. Thấy quá triển vọng, chị cũng muốn sở hữu ngay một căn hộ nghỉ dưỡng, nhưng lại không có đủ tiền. Biết hoàn cảnh, nhân viên đó thuyết phục chị cứ nộp trước số tiền đã có, còn thiếu bao nhiêu, Cty sẽ hỗ trợ chị vay tiền ngân hàng với lãi suất 0%.

Vui mừng trước đề nghị quá hấp dẫn, chị quyết định rút hết tiền tiết kiệm và vay thêm của người thân, nộp cho Cty 100 triệu đồng. Cty đưa liền cho chị biên nhận 100 triệu này là một phần của số tiền đặt cọc. Theo Cty quy định thì 80% số tiền mua căn hộ nghỉ dưỡng được xem như số tiền đặt cọc. Còn 20% còn lại khách hàng sẽ thanh toán nốt khi căn hộ được xây xong và bàn giao cho khách hàng.

Đồng thời, Cty còn đưa cho chị hợp đồng mẫu để ký tên, với rất nhiều điều khoản, quy định đủ kiểu, đọc hoa cả mắt. Lúc đó cũng đã muộn, nên chị ký tên vào 3 bản hợp đồng theo hướng dẫn của nhân viên Cty và được hẹn một tuần sau Cty sẽ giao lại cho chị một bản có đóng dấu và ký tên của người có thẩm quyền.

Sau phút hào hứng, chị về nhà nghĩ lại mới thấy mình vội vàng nộp tiền và ký vào hợp đồng khi chưa đọc kỹ các điều khoản. Cty hứa sẽ hỗ trợ sang nhượng kỳ nghỉ dưỡng hàng năm cho người khác lên đến 200 triệu đồng/tuần, nhưng ai đảm bảo điều đó chắc chắn xảy ra? Rồi khoản tiền chị phải vay ngân hàng để trả nốt tiền mua căn hộ, dù lãi suất 0%, nhưng chị không có khả năng trả tiền đã vay của ngân hàng…

Đọc kỹ hợp đồng trước khi ký

Lắng nghe chị trình bày, luật sư phân tích, điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đặt cọc như sau: 1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy nếu như chị từ chối mua căn hộ thì sẽ mất số tiền đã đặt cọc. Chưa hết, hợp đồng còn quy định ngay cả khi khách hàng chưa đặt đủ số tiền đặt cọc mà ngưng hợp đồng, thì Cty có quyền đòi khách hàng phải nộp nốt số tiền còn thiếu. Rõ ràng quá bất lợi cho khách hàng. Khi nghe luật sư phân tích điều khoản đặt cọc chị than trời và tự trách mình sao dại dột nộp tiền và giao kết hợp đồng quá nhiều bất lợi như vậy.

Cũng may cho chị là hợp đồng mới chỉ có một mình chị ký và phía Cty chưa đóng dấu và người có thẩm quyền của Cty chưa ký tên. Ngoài ra, biên nhận thu tiền của Cty được lập rất sơ sài và chỉ có chữ ký của người ở bộ phận kinh doanh, chứ không có chữ ký của người có thẩm quyền của Cty. Như vậy Hợp đồng mua căn hộ mà chị đã ký chưa phát sinh hiệu lực. Do vậy, luật sư tư vấn cho chị là cần phải thông báo ngay với Cty về việc chị không tiếp tục giao kết hợp đồng và yêu cầu hoàn lại cho chị 100 triệu đã nộp.

Cũng xin nói thêm về hợp đồng mẫu mà Cty đã soạn sẵn với rất nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng. Và không phải cứ đưa nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng là Cty có cơ hội thắng thế. Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015 quy định khi hợp đồng mẫu có điều khoản không rõ ràng thì khi giải thích điều khoản đó, bên soạn hợp đồng, tức là bên Cty phải chịu bất lợi.

Cụ thể: 1. Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra. Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng. Trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. 3. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nghe luật sư phân tích, chị cứ tự trách sao lại dễ dãi và cả tin khi ký một hợp đồng có quá nhiều bất lợi cho mình. “Lần sau tôi sẽ cẩn thận hơn trong giao kết bất cứ hợp đồng nào. Dù hợp đồng có dài, phức tạp thì tôi cũng phải đọc cho kỹ. Nếu không hiểu thì tôi sẽ nhờ luật sư giải thích, hỗ trợ cho tôi chứ dứt khoát không ký vội vàng vì “bút sa, gà chết”, chị nói với thái độ vui vẻ hơn trước khi ra về.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn