MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người sử dụng lao động không được tự ý chuyển NLĐ làm việc khác trừ trường hợp quy định tại Điều 31 BLLĐ. Ảnh: Nam Dương

Hợp đồng lao động vô hiệu, xử lý ra sao?

Nam Dương LDO | 02/05/2017 06:10
Cty cho rằng, HĐLĐ đã ký với NLĐ không đúng thẩm quyền nên yêu cầu NLĐ phải thôi việc có đúng pháp luật? Tôi đi làm, có đóng BHXH đầy đủ thì có phải đi nghĩa vụ quân sự? Không được ký HĐLĐ, Cty lại yêu cầu chuyển bộ phận khác, chức danh thấp hơn được không.Trên đây là một số câu hỏi chính mà bạn đọc gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động trong tuần qua.

Không ký HĐLĐ, Cty chuyển qua bộ phận khác có đúng?

Bạn đọc số 0903859XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi làm việc cho một Cty tàu biển của nước ngoài tại Việt Nam được 7 tháng nhưng Cty không ký HĐLĐ. Khi tôi đề nghị Cty phải ký HĐLĐ thì Cty chuyển tôi làm công việc với chức danh thấp hơn. Cty làm vậy có đúng?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 18 BLLĐ 2012 quy định về nghĩa vụ giao kết HĐLĐ như sau: Trước khi nhận NLĐ vào làm việc, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ phải trực tiếp giao kết HĐLĐ. Điều 16 BLLĐ 2012 quy định: HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 2 bản, NLĐ giữ 1 bản, NSDLĐ giữ 1 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này (giao kết bằng lời nói đối với HĐLĐ dưới 3 tháng).

Điều 31 BLLĐ quy định: 1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, NSDLĐ được quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của NLĐ. 2. Khi tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ, NSDLĐ phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 3 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của NLĐ. 3. NLĐ làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Do đó, việc bạn đã làm việc cho Cty được 7 tháng mà Cty không ký HĐLĐ và giao cho bạn một bản là sai. Nếu không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 31 BLLĐ thì Cty không được quyền chuyển bạn làm công việc khác nếu như không có thoả thuận của bạn. Bạn có thể khiếu nại đến Phòng LĐTBXH hoặc khởi kiện Cty ra toà để được bảo đảm quyền lợi.

 

HĐLĐ vô hiệu, hai bên ký lại

Bạn đọc có địa chỉ email myfriendXXX@.com, hỏi: Tôi có người bạn làm việc ở một công ty, có ký HĐLĐ 3 năm. Nhưng sau đó 1 năm thì Cty thông báo kết thúc HĐLĐ với lý do là hợp đồng bị vô hiệu hoá vì người ký HĐLĐ không có thẩm quyền. Cty đó buộc bạn tôi thôi việc có đúng không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Thứ nhất, buộc thôi việc là thuật ngữ để chỉ một hình thức kỷ luật và chỉ áp dụng với công chức, viên chức, không áp dụng với NLĐ.

Thứ hai, điểm b, khoản 1, Điều 50 BLLĐ 2012 quy định HĐLĐ vô hiệu toàn bộ khi người ký kết không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, để HĐLĐ này thực sự vô hiệu thì cần được tuyên bố bởi Thanh tra lao động hoặc Tòa án như quy định tại Điều 51 BLLĐ 2012.

Khoản 2, Điều 52 BLLĐ 2012, quy định: Khi HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì xử lý như sau: a) Trong trường hợp do ký sai thẩm quyền quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 50 của Bộ luật này thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động hướng dẫn các bên ký lại; b) Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật. Khoản 1, Điều 11, Nghị định 44/2013/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể về xử lý HDLĐ vô hiệu toàn bộ như sau: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu toàn bộ do người ký kết HĐLĐ không đúng thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính có trách nhiệm hướng dẫn các bên ký lại HĐLĐ.

Như vậy, trường hợp của bạn nêu, hai bên sẽ phải ký lại HĐLĐ theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Việc Cty chấm dứt quan hệ lao động với NLĐ trong trường hợp này là chưa đúng với quy định của pháp luật

 

Đã đi làm, đóng BHXH có phải đi nghĩa vụ quân sự không?

Bạn đọc số 01686167XXX, gọi đến số 0961.360.559, hỏi: Tôi đi làm ở Cty có tham gia BHXH đầy đủ thì có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: 1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. 2. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này. 3. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

4. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình: a) Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực; b) Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên; c) Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị; d) Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định; đ) Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: 1. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không được đăng ký nghĩa vụ quân sự: a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích; b) Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; c) Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. 2. Khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này, công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định về đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự: Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.

Do đó, nếu bạn không thuộc đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc được miễn hay đã hoàn hành nghĩa vụ quân sự thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn