MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người được thừa kế không được từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Không được từ chối thừa kế để trốn nợ

LS Nguyễn Thị Thúy Hường LDO | 08/01/2018 07:00

Ông T và ông N vốn là bạn lâu năm từ hồi còn độc thân. Cả hai rất hợp tính nên thường xuyên giúp đỡ qua lại với nhau. Khi cả hai lập gia đình rồi thì hai người không còn gặp nhau mỗi ngày như trước, nhưng vẫn thường đến chơi tâm sự và đỡ đần cho nhau. Ông T có đầu óc kinh doanh nhạy bén nên sớm thành công, kinh tế cũng khá giả, còn ông N thì vốn tính an phận, không dám mạo hiểm, nên hài lòng với việc làm chủ một cơ sở sản xuất nhỏ tại nhà.

Dễ vay, khó trả

Ông N có người con trai tên S tính tình nhanh nhẹn và có khát vọng làm giàu. S cứ thuyết phục cha cần phải mở rộng quy mô sản xuất để có thể làm giàu nhanh. Nhưng muốn mở rộng sản xuất thì phải cần vốn, nên S đề nghị ông N liên hệ với ông T để vay tiền. Khi ông N ngỏ lời vay tiền 500 triệu đồng, ông T cho vay ngay. Cảm động trước lòng tốt của bạn, ông N chủ động viết một giấy vay tiền gửi lại cho ông T để làm tin, dù ông T nói rằng không cần phải làm giấy tờ gì cả. Ngoài ra, trước đó ông T cũng có cho S vay 400 triệu vì S nói cần vốn để làm ăn.

Sau khi có tiền, ông N mở rộng quy mô sản xuất thành công ty theo gợi ý của con trai, việc kinh doanh cũng ngày một tốt lên. Ông N rất vui và hào hứng khi chứng kiến cảnh đó. Ông cũng thường xuyên cảm ơn ông T và hứa khi nào công ty ổn định thì sẽ trích tiền ra trả lại cho ông T. Tuy nhiên khi chưa kịp trả tiền vay cho ông T thì ông N đột ngột qua đời. Do ông N mất mà không để lại di chúc nên di sản do ông N để lại sẽ được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của ông N gồm vợ ông và hai người con của ông là S và em gái của S. Tài sản của ông N để lại gồm hai căn nhà mà và vợ chồng ông cùng đứng tên. Ngoài ra còn có công ty mà ông làm chủ.

Sau khi ông N mất một thời gian, ông T có trao đổi với S về 2 khoản nợ: một là khoản vay 500 triệu mà ông N vay của ông và một khoản vay 400 triệu mà S vay trực tiếp của ông. Ông T đề nghị S trả lại các khoản vay này, do hiện giờ ông T đang cần tiền để lo cho gia đình. Nhưng S từ chối và nói rằng khoản vay 500 triệu là do ông N vay của ông T, nay ông N đã qua đời, nên coi như khoản nợ này được xí xoá. Còn khoản vay 400 triệu đồng thì hiện giờ S không có tiền nên chưa thể trả lại cho ông T được. Bực mình trước thái độ vô lý và ngang ngược của S, ông T nói rằng dù là ông N vay, nhưng ông N mất đi có để lại di sản cho vợ con, thì những người này phải có nghĩa vụ trả nợ. Ngoài ra, S được thừa hưởng phần thừa kế từ cha, thì không thể nói là không có tiền để trả nợ. S nói rằng do thương mẹ và em gái nên muốn nhường phần thừa kế này lại cho hai người, nhưng thực tế, S sợ khi có tiền rồi lại phải trả nợ và vẫn là người chi phối và nắm quyền quản lý kinh tế trong gia đình.

Không tự nguyện trả nợ có thể bị khởi kiện

Ông T tìm đến luật sư để hỏi rõ xem ông có thể đòi được các khoản nợ không? Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, cụ thể như sau: 1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại. 3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Như vậy, những người hưởng thừa kế của ông, tức là vợ con ông N có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do ông N để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Ngoài ra, S cũng không thể từ chối nhận di sản do ông N để lại để không phải trả 400 triệu đã vay của ông T. Bởi lẽ, Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: “1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. 2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. 3.

Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”. Nếu có bằng chứng chứng minh S lập văn bản từ chối nhận di sản để trốn tránh việc trả nợ cho ông T thì về việc từ chối nhận di sản của S bị vô hiệu. Nếu như S cùng mẹ và em gái cố tình không tự nguyện trả nợ, ông T có thể khởi kiện họ ra Toà án. Đối với khoản vay 500 triệu, thì S, mẹ và em gái của S phải có nghĩa vụ cùng trả nợ; còn khoản vay 400 triệu thì S phải có nghĩa vụ trả nợ riêng. Ông T ra về trong lòng không vui, và nói: "Tiền bạc mất đi thì còn có thể làm ra, chứ tình cảm đã mất đi thì thật khó lấy lại. Khi ông N mất, tôi đã thấy mất mát rất nhiều. Còn bây giờ, tôi dường như thấy mất tất cả".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn