MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần cân nhắc kỹ về quy định của pháp luật và chứng cứ trước khi khởi kiện.

Không phải cứ nguyên đơn là thắng thế

LS Nguyễn Thị Thúy Hường LDO | 28/01/2018 14:46

Nhiều người quan niệm rằng, khi xảy ra tranh chấp, người khởi kiện (nguyên đơn) sẽ thắng thế, còn người bị kiện (bị đơn) thường yếu thế và dễ bị thua kiện. Nhưng thực tế lại không phải vậy. Việc thắng hay thua kiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chứ không phụ thuộc vào tư cách nguyên đơn hay bị đơn.

Giao hàng sớm hơn thỏa thuận

Chị A ký hợp đồng mua bán quần áo may sẵn với chị S. Vốn kinh doanh trong ngành hàng này đã lâu, nên chị A có lượng khách hàng khá ổn định, còn chị S mới gia nhập vào lĩnh vực này nên còn khá bỡ ngỡ. Trong hợp đồng quy định, vào ngày 15 hàng tháng, chị A sẽ giao quần áo tại cửa hàng của chị S. Thoả thuận là vậy, nhưng ngày 5 chị A đã giao hàng và đòi tiền. Chị S không chịu vì cho rằng hai bên đã thoả thuận ngày 15 mới giao hàng, bây giờ chị A giao sớm 10 ngày và đòi lấy tiền ngay thì chị S không có tiền để trả. Ngoài ra, do cửa hàng của chị S không rộng rãi lắm, nên nếu nhận hàng sớm sẽ rất lộn xộn. Hai bên lời qua tiếng lại, chị A quyết định ngưng hợp đồng và kiện chị S ra toà vì lý do không chịu lấy hàng đã đặt theo hợp đồng khiến chị bị thiệt hại hơn 300 triệu đồng, gồm toàn bộ lô hàng, chí phí vận chuyển, chi phí bồi thường cho bên thứ 3… và đinh ninh sẽ thắng kiện vì đã hoàn tất sớm nghĩa vụ theo hợp đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, chị A xuất trình hợp đồng mua bán giữa hai bên, phiếu xuất hàng và ý kiến từ chối nhận hàng của chị S với lý do hàng giao sớm hơn dự kiến 10 ngày. Còn chị S cho rằng mình không sai khi từ chối nhận hàng của chị A, nên không chấp nhận bất cứ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại nào. Ngoài ra, chị S còn phản tố, với lý do chị A ngưng hợp đồng đột ngột, không giao hàng vào ngày 15 hàng tháng như hợp đồng đã giao kết, khiến chị S bị thiệt hại vì không có hàng để bán. Chị S yêu cầu chị A phải bồi thường cho mình 100 triệu đồng.

Khoản 4 điều 72 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của bị đơn, trong đó có quyền: “Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn” và “đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn”. Khoản 1, điều 200, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn, như sau: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”. Khoản 5, điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự: “Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Căn cứ vào các quy định vừa nêu, cho thấy không phải cứ nguyên đơn là thắng thế còn bên bị đơn thì yếu thế. Bị đơn hoàn toàn có quyền đưa ra các tài liệu, chứng cứ và những lập luận để phản bác yêu cầu của nguyên đơn và có quyền đưa ra yêu cầu phản tố.

Là bị đơn, nhưng lại có lợi thế

Điều 37 Luật Thương mại 2005 quy định về thời hạn giao hàng như sau: “1. Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thoả thuận trong hợp đồng. 2. Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua. 3. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng”. Điều 38 Luật Thương mại 2005 quy định về giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận: “Trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thoả thuận khác”.

Như vậy, do chị A giao hàng trước thời điểm thoả thuận trong hợp đồng, nên chị S có quyền nhận hoặc không nhận hàng, trừ khi hai bên có thoả thuận khác. Kiểm tra lại hợp đồng và thực tế thì hai bên không có thoả thuận nào trong trường hợp chị A giao hàng sớm hơn dự kiến. Do vậy, việc chị S từ chối nhận hàng khi chị A giao sớm hơn dự kiến 10 ngày là có cơ sở. Chị A đã tiếp tục mắc sai lầm khi ngưng hợp đồng đột ngột và không tiếp tục giao hàng vào ngày 15 hàng tháng, dù thời hạn hợp đồng vẫn còn 8 tháng. Do chị S đưa ra yêu cầu phản tố có cơ sở và các bằng chứng kèm theo, nên chị S dù là bị đơn, nhưng lại có lợi thế trong vụ kiện này.

Từ vụ việc này cho thấy, khi quyết định kiện ai đó, thì người có ý định kiện cần kiểm tra kỹ các quy định của pháp luật, những tài liệu, chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là hợp lý. Bên bị kiện cũng có quyền đưa ra những luận điểm, tập hợp những tài liệu, chứng cứ để phản bác yêu cầu của nguyên đơn. Việc thắng thế hay thắng kiện không phụ thuộc vào vai trò của nguyên đơn hay bị đơn, mà dựa vào các căn cứ pháp lý kèm theo những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của các bên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn