MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Làm thêm từ quá 200 - 300 giờ, NSDLĐ phải thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Ảnh: N.D

Làm thêm quá 200 giờ/năm chỉ cần NLĐ đồng ý là đủ?

Nam Dương LDO | 24/12/2017 15:00

Trong tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi liên quan đến chế độ trợ cấp thôi việc, làm thêm giờ, nghỉ việc không lý do có bị kỷ luật... Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Làm thêm, phải thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động

Bạn đọc số 02837423XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Việc làm thêm quá 200 giờ/năm chỉ cần có sự đồng ý của NLĐ thì có đủ không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 106 BLLĐ 2012 quy định về làm thêm giờ như sau: NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: a) Được sự đồng ý của NLĐ; b) Bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm; c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để NLĐ được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của BLLĐ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động: 1. Số giờ làm thêm trong ngày được quy định như sau: a) Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; b) Không quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần. 2. Việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm được quy định như sau: a) Các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn. b) Khi tổ chức làm thêm giờ, NSDLĐ phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) quản lý nhà nước về lao động tại địa phương. Như vậy, việc làm thêm quá 200 giờ đến 300 giờ/năm, ngoài việc đồng ý của NLĐ còn phụ thuộc vào công việc cụ thể và NSDLĐ phải thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tại địa phương.

Nghỉ khi chưa được sự đồng ý của hiệu trưởng có bị kỷ luật?

Bạn đọc số 0909026XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi là giáo viên mầm non. Ngày 29.11 tôi có nhắn tin vào điện thoại di động của Hiệu trưởng để xin nghỉ việc giải quyết chuyện gia đình. Dù chưa được Hiệu trưởng đồng ý tôi vẫn nghỉ việc đến 8.12 mới quay trở lại làm việc, nhưng không được nhà trường cho vào làm. Nhà trường yêu cầu tôi viết đơn xin nghỉ việc, như vậy có đúng không? Tôi không viết đơn thì có bị kỷ luật không?

Văn phòng Tư vấn Pháp luật Báo Lao Động trả lời: Về nguyên tắc, NLĐ muốn nghỉ phép thì phải thông báo cho NSDLĐ biết và phải có sự đồng ý của NDSDLĐ mới coi là hợp pháp. Do chưa có sự đồng ý của hiệu trưởng mà bạn đã nghỉ phép nên không được tính là thời gian nghỉ phép. Theo quy định tại khoản 3, điều 126 BLLĐ, thì trường hợp NLĐ tự ý bỏ việc cộng dồn 5 ngày trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng thì NSDLĐ có quyền kỷ luật sa thải NLĐ. Nếu bạn nghỉ việc có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động thì nên chứng minh cho nhà trường biết. Trường hợp bạn không có lý do chính đáng, nhà trường có quyền xử lý kỷ luật sa thải bạn. Khi đó bạn sẽ không được trợ cấp thôi việc (nếu đủ điều kiện). Do đó, việc nhà trường đề nghị bạn viết đơn xin thôi việc để chấm dứt HĐLĐ theo thỏa thuận giữa hai bên. Khi chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp này bạn sẽ được nhận trợ cấp thôi việc (nếu đủ điều kiện) và đi đăng ký thất nghiệp và nhận trợ cấp thất nghiệp (nếu đủ điều kiện).

Chưa bỏ chế độ trợ cấp thôi việc

Bạn đọc số 0979234XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi làm việc cho Cty được 12 năm. Nghe nói từ năm 2018 không còn chế độ trợ cấp thôi việc (TCTV) nữa đúng không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 48 BLLĐ 2012 quy định: 1. Khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này (trừ trường hợp NLĐ nghỉ việc để nghỉ hưu và bị kỷ luật sa thải thì sẽ không được hưởng TCTV – PV) thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả TCTV cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. 2. Thời gian làm việc để tính TCTV là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia BHTN theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả TCTV. 3. Tiền lương để tính TCTV là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc. Đến nay chưa có thông tin gì về việc chấm dứt chế độ TCTV theo quy định của BLLĐ 2012. Do đó, bạn vẫn được hưởng TCTV nếu đủ điều kiện theo quy định đã dẫn trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn