MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ly hôn để lại gánh nặng cho cả vợ chồng và xã hội.

Muốn nuôi con phải trả tiền tháng cho mẹ

Nguyễn Th. Thúy Hường LDO | 12/11/2017 12:53
Sau khi cuộc hôn nhân đầu tan vỡ sau 25 năm chung sống, ông Đoàn trở thành người đàn ông độc thân ở tuổi ngoài 50.

Quá ngán cảnh cuộc sống gia đình nên ông Đoàn không muốn kết hôn thêm lần nữa, nhưng vẫn muốn có một người phụ nữ bên cạnh để chia sẻ buồn vui. Trong một lần đi chơi cùng với bạn, ông Đoàn tình cờ quen với Ngọc, một cô gái trẻ trung xinh xắn mới 26 tuổi, là nhân viên tiếp thị cho một công ty chuyên sản xuất bia.

Si mê trước vẻ trẻ trung, xinh đẹp của Ngọc, nên dù hơn cô 30 tuổi, ông Đoàn vẫn quyết tâm theo đuổi cô. 

“Vắt chanh bỏ vỏ”

Thoạt đầu Ngọc cự tuyệt, nhưng sau một thời gian được ông Đoàn theo đuổi, chiều chuộng, Ngọc đồng ý về chung sống cùng ông. Dù rất si mê Ngọc, nhưng ông Đoàn vẫn không muốn làm đăng ký kết hôn, vì ông rất sợ cảnh phải kéo nhau ra toà ly hôn lần nữa.

Là một phụ nữ trẻ phóng khoáng, Ngọc cũng không câu nệ chuyện phải làm đám cưới hay đăng ký kết hôn, mà chỉ cần ông Đoàn yêu thương, chiều chuộng là đủ. Đối với cô việc đăng ký kết hôn chỉ thêm phần trói buộc mà thôi.

Dù không đăng ký kết hôn nhưng ông Đoàn vẫn rất yêu thương và chiều chuộng Ngọc. Ông còn giao hẳn thẻ ATM của ông cho cô để tiêu xài. Còn Ngọc vẫn duy trì công việc của mình.

Sau một thời gian chung sống, Ngọc mang thai và sinh một cậu con trai giống ông Đoàn như đúc khiến ông rất vui mừng. Để có tiền lo cho vợ con, ông Đoàn nhận lịch làm việc nhiều hơn, mỗi khi về nhà ông đều dành trọn thời gian cho Ngọc và cậu con trai.

Từ khi có con, Ngọc không đi làm nữa, hàng ngày chỉ đi tập thể dục, làm đẹp và sắm sửa. “Gái một con trông mòn con mắt”, chuyện gì đến sẽ đến, Ngọc có người khác và cảm thấy cuộc sống chung với ông Đoàn trở nên tẻ nhạt và không còn muốn tiếp tục cuộc sống chung với người đàn ông hơn mình cả 30 tuổi nữa.

Trong thời gian chung sống với ông Đoàn, Ngọc đã rất nhiều lần rút tiền từ thẻ ATM của ông đưa cho để thanh toán cho việc mua căn hộ khác đứng tên mình và không cho ông Đoàn biết. Khi việc mua căn hộ hoàn tất, Ngọc tuyên bố chia tay ông Đoàn.

Ngỡ ngàng trước việc chia tay đột ngột của Ngọc, ông Đoàn gặng hỏi lý do thì nhận được câu trả lời phũ phàng: Không còn yêu ông Đoàn. Ngọc còn trẻ, mà ông Đoàn thì lớn tuổi, nên việc sống chung không còn hoà hợp. Ngọc muốn có cuộc sống riêng của mình.

Dù rất đau khổ, nhưng ông Đoàn phải chấp nhận và chỉ muốn được nuôi cậu con trai giờ đã hơn 3 tuổi. Ngọc đồng ý giao con cho ông Đoàn nuôi, với điều kiện mỗi tháng ông phải chu cấp cho cô 12 triệu đồng và phải trả theo từng năm.

Bất bình trước sự tham lam và bạc bẽo của Ngọc, ông Đoàn tìm đến luật sư để hỏi có quyền yêu cầu cô trả lại tiền mua căn hộ hay không và ông có quyền nuôi con mà không cần trợ cấp cho Ngọc không?

Không phải trợ cấp hàng tháng

Lắng nghe câu chuyện của ông, luật sư cho biết, do Ngọc và ông Đoàn không đăng lý kết hôn, nên theo quy định tại khoản 1, điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết điều 15 và điều 16 của luật này.

Đối với quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được quy định tại điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như sau: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.

Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn: “Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.

Như vậy cần khẳng định quan hệ giữa ông Đoàn và Ngọc không phải là quan hệ vợ chồng. Tài sản của ông Đoàn và Ngọc phát sinh trong thời kỳ sống chung trước tiên phải do hai bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì mới giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thực tế ông Đoàn đưa cho Ngọc thẻ ATM của ông và cho phép Ngọc muốn mua gì thì mua. Có nghĩa là ông Đoàn đồng ý cho Ngọc dùng tiền của ông để mua sắm không giới hạn. Do vậy, ông Đoàn rất khó có cơ sở để yêu cầu Ngọc hoàn lại số tiền mua căn hộ. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp ông Đoàn có căn cứ chứng minh rằng ông chỉ cho phép Ngọc được dùng tiền của ông để mua sắm và chi tiêu những khoản chi phục vụ cuộc sống chung của hai người, chứ không cho phép Ngọc dùng tiền để mua căn hộ hay những tài sản khác làm của riêng Ngọc, thì có thể khởi kiện để yêu cầu Ngọc phải hoàn trả số tiền đã mua căn hộ.

Về việc Ngọc yêu cầu ông Đoàn mỗi tháng trợ cấp cho cô 12 triệu đồng mới được quyền nuôi dưỡng con chung là không có căn cứ pháp lý và ông Đoàn hoàn toàn có quyền từ chối yêu cầu này.

Mặc dù ông Đoàn và Ngọc không phải là vợ chồng, nhưng ông vẫn có quyền yêu cầu Toà án giao quyền nuôi con chung cho ông. Tuy nhiên, để có được quyền nuôi cháu bé thì ông Đoàn phải chứng minh được cháu bé ở với ông sẽ tốt hơn ở với mẹ như ông có điều kiện vật chất tốt hơn, có thời gian dành cho cháu bé, cháu bé quyến luyến ông nhiều hơn… Trên cơ sở xem xét đến quyền lợi tốt nhất cho đứa trẻ, toà án sẽ phán quyết quyền nuôi con thuộc về cha hay mẹ của đứa trẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn