MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh CTV

Sự nuối tiếc muộn màng

LS Nguyễn Thị Thúy Hường LDO | 14/05/2017 11:28
Những ai quen biết An đều đánh giá An là người hiền lành, tốt bụng và chăm chỉ. Ba An mất sớm khi An mới 5 tuổi và cô em gái mới có 3 tuổi. Mẹ An khi ấy còn rất trẻ, nhưng vì thương con nên bà không đi bước nữa dù có khá nhiều người ngỏ ý yêu thương và muốn cùng bà chăm nuôi hai con nhỏ. Sau khi bố mất, mẹ con An dọn về ở cùng với ông bà ngoại.

Thua quá, làm liều

Ông bà ngoại cũng chỉ có một mình mẹ An là con, nên tất cả tình thương và sự quan tâm của ông bà cũng đều dành hết cho mấy mẹ con An. Sau một thời gian bị bệnh, bà ngoại An mất, căn nhà rộng bây giờ chỉ còn ông ngoại và 3 mẹ con An. Trong rất nhiều các câu chuyện của gia đình, ông ngoại vẫn thường hay nói An là cháu trai duy nhất của ông, nên phải cố gắng trở thành trụ cột gia đình và thường nói căn nhà này trước sau thì cũng thuộc về An. Mặc dù giấy tờ nhà vẫn thuộc sở hữu của ông ngoại, nhưng mọi người đã hình thành nếp nghĩ sẽ thuộc về An.

Dù cuộc sống có nhiều vất vả, nhưng ông ngoại và mẹ An vẫn cố gắng để cho An và em gái được học hành đến nơi, đến chốn và hi vọng có được công việc tốt sau này. Không phụ lòng ông ngoại và mẹ, anh em An học hành giỏi giang, thường xuyên nhận được học bổng. Khi thi đại học, An chọn chuyên ngành kế toán, còn em gái chọn ngành sư phạm. Sau khi ra trường, An làm kế toán cho một vài công ty, còn em gái thì hài lòng với việc dạy học của mình.

Sau một thời gian đi làm, An nuôi ý định làm giàu và quyết định hùn hạp kinh doanh với một vài người bạn. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng có thể làm kinh doanh tốt được. Vốn chưa quen kinh doanh, nhiều lần An nhập những lô hàng theo lời gợi ý của bạn với giá cao, dẫn đến không bán được hoặc phải bán với giá thấp hơn. Vì thế, hoạt động kinh doanh của An ngày một thua lỗ.

Càng muốn gỡ gạc, vẫy vùng, An lại càng lún sâu trong đống nợ nần. Dẫu vậy, An không dám chia sẻ với gia đình, vì sợ mọi người lo lắng, thất vọng về mình. Để có vốn hoạt động tiếp, An vay mượn một vài nơi với lãi suất cao, và cuối cùng rơi vào cảnh nợ nần. Trong lúc tuyệt vọng, An nghe bạn nói có một lô hàng được bán giá rất hời, nhưng chủ lô hàng yêu cầu người mua phải trả tiền liền, nếu có tiền nhập lô hàng này rồi bán đi thì An có thể trả hết được nợ nần. An mừng lắm và muốn nhập lô hàng ngay, nhưng ngặt nỗi chẳng biết vay tiền ai khi chủ nợ cũ còn đang đòi ráo riết.

Qua người quen, An được giới thiệu đến ông Tính. Ông Tính đồng ý cho An vay 1 tỷ đồng với điều kiện phải có giấy tờ nhà thế chấp. Nhà ư? An chẳng có căn nào, chỉ có căn nhà mà ông ngoại hay nói sẽ cho An mà mấy ông cháu, mẹ con đang ở. Tuy nhiên, căn nhà này lại vẫn đứng tên ông ngoại. Bây giờ mà nói ông ngoại đứng tên trên hợp đồng thế chấp nhà để vay tiền thì lộ hết việc kinh doanh thua lỗ, nợ nần của An. Đây là điều An không muốn và chỉ muốn lúc nào ông ngoại, mẹ và em gái cũng tin tưởng, tự hào về An. Nhưng nếu không có giấy tờ nhà thì An không thể vay tiền được. Nghĩ tới nghĩ lui, An quyết định thuê người làm giả giấy tờ nhà. Vẫn là căn nhà ấy, vẫn địa chỉ ấy, vẫn diện tích ấy, vẫn số hiệu ấy nhưng chỉ khác là người đứng tên chủ sở hữu căn nhà bây giờ là An. Với ý nghĩ đơn giản là sau khi vay được tiền, An sẽ nhập được hàng với giá rẻ, bán ngay kiếm lời, rồi chuộc lại giấy tờ nhà. Tổng thời gian thực hiện trong vòng một tháng đổ lại.

Giá như…

Kế hoạch tưởng chừng rất hoàn hảo ấy lại chẳng suôn sẻ chút nào, chỉ triển khai được đến khi An nhập xong hàng. Còn khúc sau, bán hàng thu tiền vốn và lời về thì lại khác xa. Chật vật mãi, An cũng không thể bán được hàng. Đợi mãi không thấy An trả được tiền, ông Tính gặp và thông báo sẽ kiện ra toà án. Khất lần, khất nữa, nhưng vẫn không trả được, An mới đành thú nhận với ông là giấy tờ nhà đã thế chấp cho ông Tính là giấy tờ giả. Quá tức vì bị lừa gạt, ông Tính quyết định tố cáo An đến cơ quan công an. Với hành vi làm giả giấy tờ, cơ quan công an điều tra đã khởi tố An về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được quy định ở Điều 267 Bộ luật Hình sự.

Theo đó: 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Sau khi An bị công an khởi tố, ông ngoại, mẹ và em gái mới biết chuyện. Đây quả thực là một cú sốc rất lớn cho gia đình. Ông ngoại và mẹ An tìm gặp ông Tính và cam kết trả nợ thay và mong ông Tính làm đơn bãi nại cho An. Rất tiếc, hành vi của An cấu thành tội phạm hình sự và đã bị cơ quan công an điều tra ra quyết định khởi tố. Dù ông Tính có làm đơn bãi nại và gia đình An có trả hết nợ cho con, cháu thì hành vi làm giả giấy tờ của An vẫn bị pháp luật xử lý, việc bãi nại chỉ là tình tiết để xem xét giảm nhẹ. Có rất nhiều sự nuối tiếc khi tôi được nghe kể câu chuyện và nhờ tư vấn cho gia đình An. Giá như An đừng ham kinh doanh một cách mù quáng khi khả năng của mình còn hạn chế. Giá như An báo ngay với gia đình khi việc làm ăn bị thua lỗ. Giá như An đừng tin bạn bè một cách mù quáng. Giá như An không làm giả giấy tờ nhà để vay tiền. Em gái của An đã thốt lên khi nói chuyện với luật sư để tư vấn: “Anh ấy làm kế toán thì giỏi, nhưng anh ấy làm kinh doanh tệ lắm vì anh ấy quá tin người, luật sư ạ!”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn