MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ 1.1.2018, NLĐ có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.Ảnh: N.D

Thời gian tập sự của giáo viên thế nào?

Nam Dương LDO | 25/03/2018 15:21

Thời gian nghỉ hè, tôi không được tính là tập sự có đúng không? Mẹ tôi 80 tuổi mà chết có được hỗ trợ mai táng phí? Cty không đóng BHXH cho chúng tôi, giờ phải làm sao? Trên đây là một số câu hỏi chính mà Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được trong tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Muốn làm viên chức, phải tập sự

Bạn đọc có email hanhtho1984@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động hỏi: Tôi được xét đậu viên chức tháng 8 năm 2011 bằng cao đẳng. Tính thời gian thử việc là 12 tháng (từ tháng 8.2011 đến 8.2012). Trong thời gian thử việc thì cơ quan trừ thời gian nghỉ hè không tính. Trong thời gian tập sự tôi đã nghỉ thai sản nên trừ tiếp 4 tháng thai sản năm 2011. Đến tháng 3.2013 thì tôi mới được tính hết thời gian tập sự và được nhận lương bậc hệ hệ số 2,01. Như vậy có đúng không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Sau khi được xét tuyển vào viên chức, bạn phải có thời gian tập sự (không phải thử việc) theo quy định tại điều 20, Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức về chế độ tập sự: 1. Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 điều 27 Luật Viên chức. 3. Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ BHXH và thời gian ốm đau từ 3 ngày trở lên, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự. Quy định này sau này được cụ thể hoá thêm tại khoản 2, 3, Thông tư 05/2016/TT-BGDĐT như sau: Điều 2. Thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên 1. Để được bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng. 2. Để được bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng. 3. Để được bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng. 4. Để được bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng. 5. Để được bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp giảng viên, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 12 tháng. Điều 3. Những trường hợp đặc biệt về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên: Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ BHXH, thời gian nghỉ ốm đau từ 3 ngày trở lên, thời gian nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật của người trúng tuyển không được tính vào thời gian tập sự. Thời gian tiếp tục tập sự được thực hiện ngay sau khi người trúng tuyển đã hết thời gian nghỉ sinh con theo chế độ BHXH; đã hết thời gian nghỉ ốm; hết thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

80 tuổi chết, có được hỗ trợ mai táng phí?

Bạn đọc có email hanhtho1984@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động hỏi: Mẹ em sinh năm 1938 và mất ngày 14.1.2018. Mẹ em có được hưởng tiền mai tang phí không? Nếu có là bao nhiêu?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điểm c, khoản 1, điều 11 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định về hỗ trợ chi phí mai táng 1. Những đối tượng sau đây khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất BHXH hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác. 2. Mức hỗ trợ chi phí mai táng đối với đối tượng quy định tại khoản 1 điều này bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1 điều này được hỗ trợ chi phí mai táng với các mức khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cao nhất.

Mục 4 Công văn 745/HTQTCT-HT năm 2016 quy định về việc đăng ký thay đổi, bổ sung hộ tịch như sau: “Trường hợp yêu cầu bổ sung ngày, tháng sinh cho người chưa có hồ sơ, giấy tờ cá nhân thì cơ quan đăng ký hộ tịch vận dụng quy định tại khoản 4 điều 27 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 và khoản 2 điều 22 Thông tư số 15/2015/TT-BTP để xác định ngày, tháng sinh, cụ thể như sau: Nếu không xác định được ngày sinh thì ghi ngày đầu tiên của tháng sinh; nếu không xác định được ngày, tháng sinh thì ghi ngày 1 tháng 1 của năm sinh”.

Do mẹ bạn không được ngày tháng sinh, nên theo nguyên tắc chung mẹ bạn được xác định ngày sinh là 1.1.1938. Khi mất ngày 14.1.2018, mẹ bạn được coi là đủ 80 tuổi. Tuy nhiên, mẹ bạn có được hưởng chi phí mai táng hay không, còn phụ thuộc vào mẹ bạn có đang được hưởng trợ cấp tuất BHXH hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác hay không.

Không được đóng BHXH, phải làm sao?

Bạn đọc có số điện thoại 0913569XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Cty tôi đã cổ phần hoá. Nhưng từ hơn một năm nay, giám đốc lấy lý do không có tiền nên không đóng BHXH cho chúng tôi. Chúng tôi phải làm sao?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 1, điều 2 Luật BHXH 2014 quy định: NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: a) Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; b) Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (áp dụng từ 1.1.2018).

Điều 88 Luật BHXH 2014 quy định 1. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được quy định như sau: a) Trong trường hợp NSDLĐ gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc NLĐ và NSDLĐ không có khả năng đóng BHXH thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng; b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, NSDLĐ và NLĐ tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3, điều 122 của luật này.

Nếu Cty của bạn thật sự khó khăn, thì cũng chỉ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất không quá 12 tháng mà vẫn phải đóng vào các quỹ ôm đau, thai sản, tai nạn lao động. Nếu công ty không đóng BHXH cho các bạn quá một năm, thì các bạn có thể làm đơn yêu cầu Phòng LĐTBXH, LĐLĐ cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở can thiệp, bảo vệ quyền lợi hoặc khởi kiện công ty ra toà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn