MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NLĐ được hưởng lương ít nhất bằng 300% nếu phải đi làm trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Ảnh: Nam Dương

Trả lương làm ca ngày Giỗ tổ Hùng Vương thế nào?

Nam Dương LDO | 07/04/2017 11:18
Chúng tôi sẽ phải trả lương cho NLĐ làm ca trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương thế nào? Công ty tôi muốn đối thoại với NLĐ thì căn cứ vào đâu? Không đóng BHXH tự nguyện nữa có được nhận BHXH một lần không? Trên đây là một số câu hỏi mà Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được trong tuần qua.

Hưởng lương ít nhất bằng 300%

Bạn đọc số 0913603XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559, hỏi: Sắp tới vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương (ngày 6.4, tức ngày 10.3 âm lịch), nhưng do điều kiện sản xuất, công ty tôi vẫn phải bố trí người đi làm việc, trong đó có những người phải làm ca đêm từ 22 giờ ngày 5.4 đến 6 giờ ngày 6.4. Cách tính lương như thế nào? Trong trường hợp công ty yêu cầu NLĐ đi làm ngày 6.4 nhưng sau đó bố trí cho họ nghỉ bù vào ngày khác, thì có phải trả thêm lương hay không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 97 BLLĐ thì NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày. Như vậy, nếu NLĐ hưởng lương ngày mà đi làm việc trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương thì sẽ được hưởng đến 4 ngày lương (một ngày lương có sẵn trong lương tháng và 3 ngày lương làm thêm giờ).

Đối với trường hợp NLĐ phải làm ca từ 22 giờ ngày 5.4 đến 6 giờ ngày 6.4 thì việc trả lương làm thêm tính thế nào? Trường hợp này, tại công văn số 3210/LĐTBXH-LĐTL do Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương Bộ LĐTBXH Tống Thị Minh ký ngày 12.8.2015, hướng dẫn như sau: Trường hợp NLĐ đi làm vào ca làm việc có thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày lễ, Tết thì từ 0 giờ đến 6 giờ của ngày lễ, Tết, NLĐ được trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định tại điều 97 BLLĐ 2012. Do đó, để tính được tiền lương làm thêm này, trước hết cần xác định tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 104 BLLĐ (điểm d, khoản 1, điều 4, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH). Do thời gian làm từ 0 đến 6 giờ ngày Giỗ tổ Hùng Vương được xác định là giờ làm việc ban đêm, nên cách tính tiền lương những giờ này theo quy định tại điều 8, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH.

Về trường hợp công ty bố trí cho NLĐ nghỉ bù ngày khác thì vẫn phải trả thêm tiền chênh lệch cho NLĐ không, thì hiện nay pháp luật lao động không quy định. Tuy nhiên, tại Điều 61 BLLĐ sửa đổi, bổ sung năm 2002 có quy định “… nếu NLĐ được nghỉ bù những giờ làm thêm, thì NSDLĐ chỉ phải trả phần tiền chênh lệch so với tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm của ngày làm việc bình thường”. Bạn nên tham khảo các quy định này để có cách trả lương phù hợp với NLĐ phải làm ca trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương.

Đóng BHXH 9 tháng vẫn không được hưởng chế độ thai sản

Bạn đọc số 01298697XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559, hỏi: Đến khi nghỉ việc vào tháng 5.2016, vợ tôi đóng BHXH được 9 tháng. Từ đó đến nay, vợ tôi không tham gia BHXH ở đâu nữa. Dự kiến tháng 4.2017, vợ tôi sẽ sinh con, khi đó có được hưởng chế độ thai sản không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 31 Luật BHXH quy định lao động nữ đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ thai sản. Nếu tháng 4.2017 vợ bạn sinh con, tính ngược lại tháng 4.2016, trong vòng thời gian đó nếu vợ bạn đóng BHXH đủ 6 tháng thì được hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, tháng 5.2016 vợ bạn đã nghỉ việc và từ đó không tham gia BHXH ở đâu nữa, như vậy vợ bạn mới tham gia BHXH được 2 tháng (tháng 4 và 5.2016). Do đó, vợ bạn không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Đối thoại với NLĐ theo quy định nào?

Bạn đọc số 0473075XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559, hỏi: Cơ quan tôi muốn đối thoại với NLĐ thì thực hiện theo quy định nào của pháp luật lao động?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 63 BLLĐ 2012 quy định về mục đích, hình thức đối thoại tại nơi làm việc như sau: 1. Đối thoại tại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa NSDLĐ và NLĐ để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc. 2. Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa NLĐ và NSDLĐ hoặc giữa đại diện tập thể lao động với NSDLĐ, bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. 3. NSDLĐ, NLĐ có nghĩa vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của Chính phủ.

Để cụ thể hoá khoản 3, điều 63 BLLĐ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2013/NĐ-CP về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Theo đó, việc đối thoại tại nơi làm việc gồm một số nội dung cơ bản như: Nội dung đối thoại tại nơi làm việc về tình hình sản xuất, kinh doanh của NSDSLĐ; Việc thực hiện HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; Điều kiện làm việc; Yêu cầu của NLĐ, tập thể lao động đối với NSDLĐ và ngược lại; Nội dung khác mà hai bên quan tâm. Việc đối thoại này có thể tiến hành định kỳ 3 tháng một lần hoặc bất thường theo yêu cầu của một bên. Ngoài ra còn có nội dung NLĐ tham gia góp ý, NLĐ tham gia giám sát... Bạn có thể tham khảo thêm nội dung tại Nghị định 60/2013/NĐ-CP để thực hiện.

Đóng BHXH tự nguyện, nhận BHXH một lần thế nào?

Bạn đọc số 01294526XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559, hỏi: Tôi đóng BHXH tự nguyện được 8 tháng. Bây giờ tôi không muốn đóng nữa thì có được hưởng BHXH một lần không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 77 Luật BHXH quy định về BHXH một lần với người tham gia BHXH tự nguyện như sau: 2. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. 3. Mức hưởng BHXH một lần của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c, khoản 1 điều này (người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế). Như vậy, nếu không thuộc đối tượng được nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện thì sẽ được nhận được BHXH một lần bằng số tiền đã đóng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn