MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo vệ rừng Ia Mơr ở chốt số 1. Ảnh T.T

20 bảo vệ giữ gần 14.000ha rừng nghèo ở biên giới Ia Mơr

THANH TUẤN LDO | 10/06/2022 06:30

Gia Lai – 20 bảo vệ rừng chịu đựng khó khăn, thiếu thốn để bảo vệ 14.000ha rừng nghèo ở xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai. Trong đó, có gần 4.700ha đất có rừng đang trình lên Quốc hội xem xét có được phép chuyển đổi mục đích sang đất nông nghiệp - làm vùng tưới cho đại công trình thủy lợi Ia Mơr có vốn đầu tư 3.000 tỉ.  

20 bảo vệ canh giữ 14.000ha rừng

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, rừng biên giới Ia Mơr chủ yếu là rừng nghèo với cây khộp, cây dầu, kơ nia… giá trị kinh tế không cao. Từ khi có thông tin toàn bộ 12.500ha đất rừng của Ia Mơr sẽ được chuyển đổi qua đất nông nghiệp để trồng lúa, mì, nông nghiệp công nghệ cao thì công tác giữ rừng càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Người dân địa phương lấn đất, chiếm đất, xâm hại rừng liên tục xảy ra. Làm ngày sợ bị cơ quan chức năng phát hiện, một số đối tượng chuyển qua phá rừng ban đêm, tiến hành canh tác, sản xuất cây lúa ngay trên đất rừng.

Rừng ngã xuống thì cây lúa mau chóng mọc lên trên đất. Ảnh T.T

“Vì rừng nghèo nên giá trị cây gỗ không cao, người dân phá rừng chủ yếu để chiếm đất làm nông nghiệp. Trong khi lực lượng bảo vệ rừng của xã chỉ vỏn vẹn 20 người chia làm 4 tổ chốt. Điều kiện khó khăn, thiếu thốn, chế độ lương bổng thấp nên việc giữ rừng Ia Mơr gặp vô vàn khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi xảy ra tranh chấp đất với người dân”, ông Tuấn Anh nói.

Chốt bảo vệ rừng số 1, do UBND xã Ia Mơr quản lý có 5 bảo vệ. Gọi là chốt nhưng thực tế là chiếc lán tạm bợ với vài tấm gỗ tạp dựng lên giữa rừng khộp nắng cháy khô khốc. Anh Trần Quốc Châu – nhân viên bảo vệ rừng Ia Mơr cho biết, tuy là bảo vệ rừng nhưng các nhân viên không có chuyên môn nghiệp vụ khi trấn áp lâm tặc vào xâm hại rừng. Họ không có công cụ hỗ trợ, trang bị để bảo vệ ngay cả bản thân mình khi chẳng may bị lâm tặc chống trả bằng dao, rựa, cưa xăng...

Rừng tự nhiên đang bị xâm hại dần. Ảnh T.T

“Rừng rộng mênh mông trong khi nhân viên bảo vệ quá ít, 14.000ha rừng với 20 bảo vệ canh giữ là nhiệm vụ khó khăn. Năm ngoái, khi nhắc nhở hai vợ chồng người địa phương không được chặt phá cây rừng thì nhóm bảo vệ rừng bị hành hung, gây thương tích nặng. Anh em bảo vệ đều ở các xã lân cận, khi đi xe máy dọc đường về thì bị lâm tặc chặn đường dọa đánh, dọa giết nếu ngăn cản họ lấn chiếm đất”, anh Châu cho hay.

Mong rừng nghèo mai này thành... rừng giàu

Hầu hết các bảo vệ rừng đều là nhân viên hợp đồng thời vụ ký kết với UBND xã Ia Mơr, với tiền công mỗi ngày đêm canh rừng 200.000 đồng. Hiện mỗi tháng bảo vệ rừng nhận lương được 6 triệu đồng, không có phụ cấp xăng xe, tiền cơm nước, sinh hoạt các nhân viên phải tự túc. Theo anh Châu, sau khi trừ chi phí công cán, tiền điện, nước, mỗi tháng chỉ còn dư được 1-2 triệu đồng, không đủ lo cuộc sống cho gia đình, nhiều bảo vệ đã xin nghỉ việc.

Một chốt bảo vệ rừng. Ảnh T.T

Xã Ia Mơr chịu trách nhiệm chính quản lý, bảo vệ gần 14.000ha rừng, trong khi đó Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr với lực lượng chuyên trách chỉ bảo vệ cho 10.000ha rừng trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, có ít nhất 5 vụ chống đối người thi hành công vụ do xảy ra tranh chấp đất rừng, ngăn chặn lâm tặc đối với nhân viên bảo vệ rừng của xã.

Một bảo vệ rừng kiểm tra lại thức ăn, vật dụng trong tủ lạnh đã hỏng. Ảnh T.T

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, do thiếu lực lượng nên ban ngày cán bộ xã làm việc hành chính, ban đêm được huy động để cùng mắc võng giữa rừng khộp hỗ trợ với các chốt bảo vệ rừng. Vì có những thời điểm việc xâm lấn đất rừng diễn ra rất nóng, với diện tích lên đến hàng chục ha rừng.

“Để bảo vệ màu xanh những cánh rừng biên giới, khôi phục từ rừng nghèo sang rừng giàu, mang lại lợi ích khi có thiên tai mưa lũ, cần thiết phải có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Chính quyền xã với nhân lực, vật lực hạn chế khó mà giữ rừng được”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, hồ chứa nước Ia Mơr (tại xã Ia Mơr) với tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng do Bộ Nông nghiệp PTNT làm chủ đầu tư, dự kiến tưới cho 12.500ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện có gần 4.700ha đất có rừng ở xã Ia Mơr cần phải chuyển mục đích sang đất nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và PTNT hiện đang lấy ý kiến của 2 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk để trình lên Chính phủ, Ủy Ban thường vụ Quốc hội xem xét, sau đó mới đi đến kết luận cuối cùng việc có được phép chuyển đổi mục đích đất rừng hay không. Như vậy, nếu chuyển đổi sang đất nông nghiệp thì đại công trình tiền tỉ sẽ có vùng tưới, nếu vẫn giữ rừng thì không tránh khỏi việc lãng phí do không sử dụng hết công năng của hồ chứa. Giữ rừng vì tương lai lâu dài hay chịu mất rừng để 3.000 tỉ đồng không rơi vào lãng phí, người dân vẫn mong một câu trả lời sau nhiều năm trời chờ đợi!        

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn