MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu

70 năm Quốc khánh 2.9: Gặp người kể chuyện Bác Hồ hay nhất xứ Nghệ

Hưng Thơ - Quang Đại LDO | 27/08/2015 08:42
Với chục đầu sách, hàng trăm buổi nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu (Nghệ An) được mệnh danh là “Người kể chuyện Bác Hồ hay nhất xứ Nghệ”. Đã qua tuổi 81, nhưng nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu vẫn nói linh hoạt, say sưa, quên cả thời gian khi nhắc đến đề tài Bác Hồ.

Việc chọn người

“Tôi đến với việc nghiên cứu về Bác Hồ  trong tình huống “việc chọn người”. Thời tôi học phổ thông, hình tượng Hồ Chí Minh đã có sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với thế hệ chúng tôi.

Tốt nghiệp cấp ba năm 1957, sau khóa đào tạo sư phạm ngắn hạn, tôi được phân công về làm công tác giáo dục ở huyện Quốc Oai (Sơn Tây, Hà Tây cũ), rồi được cử đi học Trường Đại học Sư phạm I. Nhưng khi nộp hồ sơ, do đam mê nghiên cứu, tôi đã thi vào Trường Đại học Tổng hợp, khoa Sử, cùng khóa với nhà thơ Lê Anh Xuân.

Tốt nghiệp, tôi về công tác tại Bộ Văn hóa. Ngay sau khi Bác Hồ qua đời, tôi được cử về Nghệ An với nhiệm vụ xây dựng Khu di tích Kim Liên. Tôi đã gắn bó với Kim Liên, với thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đó”, ông Trần Minh Siêu nhớ lại.

Thời đó, tuy điều kiện vật chất còn thiếu thốn, nhưng ông cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi sống trên quê hương Bác Hồ, vùng địa linh - nhân kiệt, được tiếp xúc với một kho tàng sách vở, tư liệu phong phú về văn hóa, lịch sử, địa chí, được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người hiểu rõ về thân thế, sự nghiệp, gia cảnh Bác Hồ.

Bàn chân của nhà nghiên cứu trẻ in dấu trên những mảnh đất gắn bó với gia đình, tuổi thơ của Bác, từ làng Kim Liên – Hoàng Trù lên núi Chung, núi Động Tranh, rồi sang Đức Thọ, Hưng Nguyên... Với chiếc xe đạp cà tàng, hành trang là chiếc túi đựng sổ ghi chép, mo cơm, bi đông nước, mũ lá, ông rong ruổi khắp nơi để tìm tòi, nghiên cứu với quan điểm: “Nói có sách, mách có chứng”, “Trăm nghe không bằng một thấy”.

Ông gặp gỡ những người già, các nhân chứng lịch sử, tìm kiếm, nâng niu từng hiện vật, tư liệu dù nhỏ nhất, rồi đọc sách, tra cứu tài liệu... miệt mài quên cả thời gian. “Lúc đó tôi khỏe lắm, ăn không biết no, đi không biết mỏi. Bây giờ nghĩ lại không biết tại sao mình có thể làm được nhiều việc như vậy”, ông nói. 

Sau hơn 20 năm công tác tại Khu di tích Kim Liên, từ 1991 - 1999, ông được giao nhiệm vụ Trưởng Ban quản lý Di tích danh thắng tỉnh. Chuyện ông nghỉ hưu ở tuổi 65 cũng đặc biệt. Ông kể: “Năm tôi 60 tuổi, tỉnh ra thông báo nghỉ hưu, nhưng anh Hồ Hữu Thới là Giám đốc Sở Văn hóa lúc đó nói: Nhiều việc còn ngổn ngang, anh về thì ai làm cho, thôi anh cứ làm đi. Thế là tôi làm, đến năm 65 tuổi thì tôi nghỉ, vì quá nhiều tuổi rồi”.

Dẫn chúng tôi lên phòng làm việc trên gác hai, căn phòng rộng bốn bề chất kín sách, tài liệu nhưng vẫn gọn gàng, ngăn nắp, giới thiệu với khách, ông Siêu rút từ giá sách những cuốn do ông viết về Bác Hồ chất chứa tâm huyết cả một đời.

Gần nửa thế kỷ nghiên cứu về Bác Hồ, ông Trần Minh Siêu đã in 6 cuốn sách, viết hàng trăm bài trên các báo, tạp chí, hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài các cuốn sách đã in: “Những người thân trong gia đình Bác Hồ”, “Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên”, “Kim Liên trong lòng nhân dân và bầu bạn”, “Huyền thoại huyệt đạo bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh”, “Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan”, “Quê hương và gia thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu (ngoài cùng bìa phải) kể chuyện về Bác Hồ cho du khách tại khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) 

Hiện nay ông đã viết xong 3 cuốn chuẩn bị xuất bản là “Địa chí văn hóa xã Kim Liên”, “Nam Đàn địa linh nhân kiệt nhìn dưới góc độ văn hóa dân gian” và “Bà Hoàng Thị Loan người mẹ thiên tài Hồ Chí Minh”. Trong đó, cuốn sách “Những người thân trong gia đình Bác Hồ” (NXB Nghệ An, 2002) của ông đã được tái bản 34 lần, giành giải Nhất “Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An” năm 2010. 

Nhiều người thích nghe kể chuyện Bác Hồ

Một chuyện tình cờ đã khiến ông Trần Minh Siêu trở thành người kể chuyện Bác Hồ nổi tiếng ở xứ Nghệ. Thời điểm bắt đầu xây dựng, Khu di tích Kim Liên thiếu thốn đủ thứ. Để có gạch xây dựng các công trình, cơ quan cử ông ra Bộ Năng lượng ở Hà Nội để xin than về nung gạch.

Khăn gói ra Bộ Năng lượng, gặp người cán bộ phụ trách, biết Trần Minh Siêu ở Kim Liên ra, vị này hỏi han về chuyện quê Bác, ông vui vẻ kể. Câu chuyện  kéo dài, vị cán bộ mải mê ngồi nghe, sau thấy hay nên nhiều người trong cơ quan cùng đến nghe, đến hơn 2 tiếng đồng hồ. Ông Siêu mới giật mình: “Thôi tôi không kể nữa, mất thời gian làm việc của các anh”. “Thế nhưng các cán bộ đều nói anh kể chuyện về Bác Hồ chúng tôi rất thích, anh cứ kể tiếp. Vậy là tôi kể. Sau đó thì xin được 2 nghìn tấn than đem về”, ông Siêu cười sảng khoái. 

Từ đó, tiếng lành đồn xa, các cơ sở biết tiếng mời ông đi nói chuyện về Bác Hồ. Có ngày ông nói 3 ca; thời tuổi trẻ ông rất khỏe, nói chuyện cả ngày không mệt. Việc đã diễn ra nhiều năm, song cụ Lê Đức Thành, ở Hưng Nguyên còn nhớ như in: “Mỗi lần nghe có nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu đến nói chuyện về Bác Hồ, người kéo đến nghe chật kín hội trường, ai đến sau thì phải ngồi ngoài nghe qua loa, cả ngàn người im phăng phắc, khi diễn giả nói xong thì vỗ tay mãi không dứt, ra về thì bàn tán râm ran, vui lắm”. 

Tính ra ông đã đi nói chuyện hàng trăm buổi cho nhân dân, cán bộ các vùng miền. Lúc đó, thù lao chẳng có gì ngoài bữa cơm đạm bạc, chén nước chè nhưng ông rất vui và tự hào vì đã góp phần làm lan tỏa các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh đến với người dân. Từ đó, ông ngẫm ra một điều: Nhiều người dân Việt Nam  thích nghe kể chuyện Bác Hồ. 

Sức cảm hóa kỳ diệu
Ông Trần Minh Siêu đã đính chính một chi tiết liên quan đến chuyện Bác về thăm quê. Trước đây, nhiều bài báo viết về sự kiện Bác về thăm quê Kim Kiên lần thứ nhất diễn ra vào ngày 14.6.1957. Sau này, trong các chuyến điền dã, ông nghe các bà, các cụ kể lại rằng hôm đó đang đi chợ Vạc, nghe có Bác về quê nên vứt cả quang gánh để được nhìn thấy Bác.
 Ông Trần Minh Siêu có 6 đầu sách và hàng trăm bài báo viết về thân thế, sự nghiệp Bác Hồ

Tra cứu lịch năm 1957, ông thấy phiên chợ Vạc diễn ra vào ngày 16 dương lịch. Sau này, ông ra Hà Nội, được ông Vũ Kỳ sau khi giở nhật ký ra xem khẳng định là Bác về Vinh vào ngày 14, đi Hà Tĩnh ngày 15 và về Kim Liên vào ngày 16.9. Ngày 16 trùng vào Chủ nhật. Như vậy, Bác dành thời gian làm việc trong tuần cho việc chung, về thăm nhà là việc riêng nên Bác chọn ngày Chủ nhật. Điều này cho thấy phẩm chất chí công vô tư của Bác. 

Ông Đào Tam Tỉnh, nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An nói: “Các tác phẩm của Trần Minh Siêu tập trung phân tích mối quan hệ giữa quê hương – gia đình với sự nghiệp của Bác Hồ, những yếu tố văn hóa – lịch sử, truyền thống đã góp phần kiến tạo, hun đúc nên nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh. Trần Minh Siêu đã làm sáng tỏ mối quan hệ “địa linh – nhân kiệt” trong sự hình thành nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh”. 

Ông Trần Minh Siêu tâm niệm: “Những tác phẩm của tôi mới chỉ là hạt cát, dù tôi đã có hơn 45 năm nghiên cứu về Bác Hồ. Tôi nghĩ, việc tìm hiểu, nghiên cứu về Bác Hồ là công việc của nhiều người, nhiều thế hệ, mỗi người từ một góc nhìn khác nhau sẽ làm sáng tỏ, phong phú hơn về thân thế, sự nghiệp của Bác, đưa các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh đến với mọi người dân trong nước và bạn bè quốc tế”. 

Chia tay khách, ông Trần Minh Siêu vẫn còn bịn rịn, trăn trở về các việc cần làm để các giá trị văn hóa – tư tưởng Hồ Chí Minh có sức lan tỏa hơn nữa trong thời đại ngày nay, nhất là đối với giới trẻ. “Tôi già rồi, mong rằng các nhà nghiên cứu trẻ sẽ tiếp bước”, ông nhắn nhủ.

Ông tin rằng, với sức cảm hóa kỳ diệu, các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi trường tồn cùng văn hóa dân tộc, đồng hành cùng với các thế hệ người Việt. 



Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn