MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cảnh hỗn loạn tại trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: TRẦN LƯU

72 giờ ở BOT Cai Lậy

TRẦN LƯU LDO | 04/12/2017 06:33

BOT thu phí, các tài xế liền gây áp lực để xả trạm. Cuộc “rượt đuổi” thu - xả kéo dài liên tục những ngày qua. Từ cánh tài xế, nhân viên thu phí, bảo vệ, người dân… và cả cánh nhà báo đều bị cuốn mình trong “điểm nóng” BOT Cai Lậy…

Điệp khúc thu - xả

Trạm thu phí BOT Cai Lậy giờ đã “nổi như cồn”. Từ khi nó xuất hiện được cho là “nhầm chỗ”, không ít người đã thuộc lòng luôn những câu “nhạc chế”: “Đường Cai Lậy lồi ra cái bốt/ Tiền Giang Đông chia cắt Tiền Giang Tây”. Bức xúc của tài xế thì đã rõ, nhưng quan điểm của chủ đầu tư BOT Cai Lậy cũng rất rõ ràng: Không có chuyện dừng thu phí.

Vậy là một cuộc “rượt đuổi liên hồi” diễn ra.

Sau khi xả trạm vào khoảng 2h sáng 1.12, đến 23h30 cùng ngày, BOT Cai Lậy đã cho thu phí trở lại. Qua đến trưa hôm sau, trưa 2.12, “điểm nóng” lại bắt đầu nóng. Các tài xế bức xúc, dừng xe ngay trạm, không chịu di chuyển, khiến kẹt xe kéo dài gần một km. Nắng gắt, hàng trăm người dân vây quanh khu vực trạm, nhiều tài xế bực tức bóp còi inh ỏi. Trạm buộc phải xả cửa cho xe qua miễn phí.

Nhưng chỉ 10 phút sau, nhân viên thu phí trở lại cabin làm việc. Lúc này, một ôtô chạy từ Cao Lãnh về TPHCM, tưởng xả trạm nên cho xe vượt qua, bất ngờ, thanh barie hạ xuống, buộc tài xế phải thắng gấp, khiến một cụ già và trẻ em đang ngồi trên xe bị nhào về trước. Tài xế cùng người đi đường bức xúc cự cãi với nhân viên thu phí quyết liệt. Ở 2 làn đường đi Cần Thơ - TPHCM bên cạnh, tài xế cũng đỗ xe không chịu rời đi, phản đối thu phí và đặt trạm sai vị trí. Cạnh đó, những người dân và các tài xế khác đứng trên đường liên tục gây áp lực, những tiếng cự cãi, la hét làm náo động cả một đoạn đường, và BOT Cai Lậy lại xả trạm.

Cứ thế, đợi tình hình dịu xuống, BOT lại cho thu phí, và tài xế lại gây áp lực. Mỗi lần như vậy, BOT Cai Lậy lại “vỡ trận”. Chỉ từ trưa đến khuya ngày 2.12, BOT Cai Lậy đã hơn 10 lần xả trạm. Đến sang ngày 3.12, mặc cho dòng xe phía sau bóp còi inh ỏi, tài xế vẫn quyết “chôn chân” ngay trước barrie và kết quả là BOT Cai Lậy phải xả trạm.

Để kéo dài thời gian qua trạm, nhiều tài xế dừng xe để thắc mắc với nhân viên thu phí về việc mệnh giá trên vé bị gạch xóa và “dập” lên giá mới thấp hơn 30%. Không ít trong số đó không chấp nhận vé này và yêu cầu loại vé không gạch xoá giá. Cuộc tranh cãi dài bất tận. Điệp khúc đóng - xả trạm liên tục xảy ra tại BOT Cai Lậy khi nhà đầu tư và cánh tài xế “canh” nhau. Nếu như BOT Cai Lậy đóng barie thu phí khi quốc lộ 1 thông thoáng thì tài xế tìm cách gây kẹt xe sau đó vài phút.

“Xoáy” theo điểm nóng BOT, các nhân viên cũng phải căng mình trước áp lực của tài xế. Họ được quán triệt phải đếm từng tờ tiền lẻ, nhận bằng 2 tay, và không quên lễ phép chào với lời cám ơn khách đi đường, dù tài xế có lớn tiếng nạt nộ. Mỗi lần giao ca, đội nữ nhân viên thu phí luôn được hộ tống bởi các bảo vệ, nhằm đảm bảo an toàn.

Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát 113... đều không có mặt tại trạm, trái hẳn với việc an ninh thắt chặt ngày trạm thu trở lại. Ngay cả những lúc tài xế tập trung dừng xe, gây ùn ứ giao thông, cảnh sát giao thông cũng không xuất hiện để điều tiết.

Cách đó chừng 50m, một phần căn nhà của hộ dân được chủ đầu tư BOT thuê riêng cho nhà báo tác nghiệp. Chủ nhà bán cơm và nước giải khát, sẵn sàng phục vụ 24/24 với đủ các món ăn thêm. Mấy chục phóng viên từ các tờ báo tụ về, tạo thành một nơi “dã chiến truyền thông” trên điểm nóng BOT Cai Lậy. Khi những tiếng cự cãi hay tiếng hò reo mừng rỡ được xả trạm của tài xế vang lên là báo chí “chạy vắt giò lên cổ” để tác nghiệp.

BOT Cai Lậy thu phí chính thức từ 1.8. Không lâu sau đó, BOT Cai Lậy đã “thất thủ” khi cánh tài xế dùng tiền lẻ mua vé, gây áp lực ùn ứ giao thông; buộc trạm phải tạm dừng hoạt động hơn 3 tháng. Trong lần thu phí trở lại, BOT Cai Lậy đã chuẩn bị 2 điểm thu riêng tiền lẻ, nhưng vẫn “thất thủ” thêm 3 lần, vì tài xế dùng “tuyệt chiêu 25-1”, đưa tiền lẻ tổng mệnh giá 25.100đ yêu cầu trạm thối lại đúng 100đ.

Khi Cty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang - chủ đầu tư BOT Cai Lậy - chuẩn bị một lượng lớn tiền mệnh giá 100đ để ứng phó, thì số lượng tài xế trả tiền lẻ qua trạm lại không còn. Các lái xe như biết rằng, “tuyệt chiêu 25-1” đã bị “bắt bài”, và giờ họ “án binh bất động” để tìm “chiêu mới”.

Anh Huỳnh Bửu Long - người dân kinh doanh vận tải huyện Cai Lậy - cho biết: Việc trạm BOT bố trí thêm điểm dành riêng cho người sử dụng tiền mệnh giá nhỏ không khác nào kì thị, phân biệt khách hàng. Bởi, tất cả những người trả phí qua trạm gọi nôm na là “người sử dụng dịch vụ”, nếu sử dụng dịch vụ mà nhà đầu tư phân loại khách hàng, đưa người ta vào khu vực khác thì chẳng khác nào “kì thị” đối với những người này. Vấn đề mấu chốt của BOT Cai Lậy không phải nằm ở tiền lẻ mà là sự không đồng tình của người dân. Dù trạm BOT có mở điểm thu riêng hay huy động nhiều nguồn tiền lẻ, thì người dân vẫn sẽ dùng nhiều cách khác để né trạm.

Tài xế Trịnh Xuân Hiệp (38 tuổi) bức xúc: “QL1 là đường của dân, chúng tôi mua xe đã đóng thuế, rồi nộp phí bảo trì đường bộ; giờ không đi đường tránh Cai Lậy cũng phải mua vé, hỏi sao không bức xúc?”

Nóng hừng hực, lãnh đạo tỉnh vẫn im tiếng

Theo tìm hiểu của PV báo Lao Động: Ngày 30.8.2013, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản gửi Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 đoạn qua Cai Lậy. Tỉnh Tiền Giang cho biết, QL1 đoạn qua Cai Lậy thường xuyên ùn tắc, xảy ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện quy hoạch để trình Chính phủ thành lập thị xã Cai Lậy trên cơ sở nâng cấp từ thị trấn Cai Lậy. Vì vậy việc đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy là cần thiết, cấp bách và tỉnh “đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai dự án”.

Từ tháng 10.2013, Bộ GTVT có các văn bản gửi Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Tiền Giang về việc thống nhất vị trí trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án xây dựng 12 km đường tránh Cai Lậy theo hình thức BOT. Bộ GTVT đưa ra các phương án: Phương án 1: Đặt trạm thu phí trên QL1 (Km 1999+900 thuộc xã Phú An, Cai Lậy), đồng thời, việc xây dựng tuyến tránh sẽ kết hợp tăng cường mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước dọc QL1 đoạn qua Cai Lậy. Bộ GTVT cho rằng, phương án này sẽ đảm bảo hiệu quả tài chính cho dự án (thời gian thu phí khoảng 10 năm), lưu lượng xe được phân bổ cho cả 2 tuyến QL1 và tuyến tránh.

Phương án 2: Đặt trạm thu phí trên tuyến tránh. Phương án này có ưu điểm chỉ thu phí phương tiện lưu thông trên tuyến tránh nhưng sẽ không hạn chế được lượng xe đi trên QL1 qua Cai Lậy, đồng thời hiệu quả tài chính dự án rất thấp, thời gian thu phí trên 30 năm. Phương án này sẽ không thực hiện việc sửa chữa mặt đường, hệ thống thoát nước trên QL1 đoạn qua Cai Lậy…

Sau đó, Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản chấp thuận về vị trí đặt trạm thu phí trên QL1 ở Km 1999+900. Thế nhưng, khi việc đặt trạm thu phí tại Km 1999+900 gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, tỉnh Tiền Giang lại có công văn gửi Bộ GTVT cho rằng, địa phương đã phối hợp với nhà đầu tư khảo sát hiện trường và thống nhất di dời trạm thu phí đến vị trí mới tại Km 1999+300 QL1 (vị trí hiện hữu). Tại vị trí này, việc giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn, giảm chi phí đầu tư cho dự án.

Nhận được công văn này, Bộ GTVT có văn bản hỏi ý kiến Bộ Tài chính. Sau khi Bộ Tài chính có văn bản trả lời (vị trí trạm thu phí cụ thể do Bộ GTVT xem xét, quyết định), Bộ GTVT ban hành văn bản quyết định đặt trạm thu phí tại Km 1999+300 QL1.

Suốt 4 ngày (30.11-3.12.2017), trong khi BOT Cai Lậy đang “nóng hừng hực” thì lãnh đạo tỉnh Tiền Giang vẫn im tiếng. Nhiều phóng viên đã liên hệ, liên tục gọi điện thoại, nhắn tin cho lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, nhưng đều không được phản hồi.

Diễn biến ở BOT Cai Lậy hiện giờ như một cuộc đấu trí...

Khi tài xế “tung chiêu”, BOT “thất thủ”, liền cho xả trạm, rồi họp khẩn tìm cách đáp trả. Cách giải quyết của đơn vị quản lý luôn chạy theo đuôi sự việc, chỉ đi khắc phục hậu quả nhất thời, mà chưa bao giờ là phương án tối ưu cho một cuộc “khủng hoảng” mang tên BOT Cai Lậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn