MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phá rừng và tang vật được lực lượng chức năng thu giữ ở trụ sở xã Quảng Tâm và Kiểm lâm Tuy Đức.

Anh Chủ tịch phải lòng rừng

LÃNG QUÂN - VŨ NINH LDO | 12/05/2018 15:00
Phó Hạt trưởng kiểm lâm Tuy Đức (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) “khoe” với chúng tôi ngắn gọn: “Anh Trí là ông Chủ tịch xã có nhiệt thành đặc biệt trong chống lâm tặc, bảo vệ rừng trên địa bàn. 

Các vụ anh bắt giữ, bàn giao cho chúng tôi xử lý có ý nghĩa giáo dục lớn với bà con sở tại. Tháng 12 năm 2017, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức trao giấy khen đặc biệt cho anh Nguyễn Thành Trí, vì các “Thành tích xuất sắc trong việc truy bắt tội phạm”.

“Nhà báo họ báo tin và giám sát vụ này đấy!”

Nhà nước đã có quy định, rừng bị phá trên địa bàn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước tiên. Ở Đắk Nông, UBND tỉnh có Quyết định 44/2016, thực hiện nghiêm về việc sẽ kỷ luật khiển trách hoặc cách chức đối các Chủ tịch xã, phường. Anh Nguyễn Thành Trí - Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) - cũng từng bị khiển trách vì tình trạng mất rừng trên địa bàn...

Song, điều lạ lùng ở đây là anh Trí dường như không để ý đến các phiền phức, ái ngại có thể có từ việc lăn xả vào cuộc chiến giữ rừng. Anh có khi đi rừng cả tháng. Có khi trắng đêm mật phục bắt lâm tặc. Nhà báo vào thăm miền đất đỏ đường ổ voi ổ gà cách tỉnh lỵ 50km, chả cần hỏi nguồn cơn, anh Chủ tịch xã người gốc Huế cứ hồn nhiên kể chuyện.

“Hôm qua, lúc nhà báo gọi, trời tối mịt mù, tôi vẫn ở rừng. Tôi không dám cho các anh đi theo, vì nguy hiểm lắm. Đây, chiến lợi phẩm của đêm qua, là một cái xe công nông độ chế như quái vật. Trông thế này mà nó có giá 150 triệu đồng đấy nhé. Có tời kéo gỗ, có thiết bị tự cứu mình khi bị sa lầy lúc vào rừng già ăn trộm gỗ”. Chúng tôi nhìn xuống sân nhà Ủy ban, đúng là kềnh càng một cỗ xe mà từ đầu đến đuôi của nó ngâm tẩm dầu mỡ đen kịt.

Hiện trường vẫn giữ nguyên. Công an xã đang lấy lời khai của các đối tượng. Chủ tịch Trí nhấn mạnh, giọng Huế ngọt mà đanh thép: “Phải ghi rõ số lượng gỗ, yêu cầu họ ký vào. Tránh việc “người tiếp nhận hồ sơ” làm giảm số lượng gỗ tang vật, để rồi xử lý hành chính như phủi bụi. Nhiều vụ bị can thiệp vì “chỗ thân tình”, tôi bảo: Anh ơi, không làm khác được đâu. Vụ này nhà báo họ thông tin cho em. Giờ ta làm “lệch hồ sơ”, anh em họ viết lên báo là “chết với họ” đấy”.

Nói rồi, như một nhà báo chuyên nghiệp, anh Trí mở chiếc điện thoại Samsung đã nứt vỡ do đi rừng ra cho xem ảnh. Toàn những cảnh chi tiết, nét đanh và video quay rất chuyên nghiệp.

“Đây là vụ chúng tôi đuổi, nó phi xe máy cày càng chở gỗ lớn xuống khe sâu, bùn đất ngập lút. Đây là các xe máy chở toàn những súc dài to đến mức không ai tin là chúng chở nổi. Đây là vụ chúng tôi phải vồ con rắn tấn công mình giữa đêm. Hình rắn to đùng, kinh không?

Hôm đó, Chủ tịch và Trưởng Công an xã thức trắng, chạy bộ để truy bắt nhóm 7 tên trộm xe máy xuyên quốc gia. Nó trộm cắp nhập lậu bán buôn xe máy từ Bình Phước sang tận Campuchia. Tôi đi bắt lâm tặc. Tôi gọi công an xã tóm một thằng, định thu chìa khóa xe của nó, thì mới phát hiện ổ khóa không có chìa. Tôi hô to: “Xe ăn trộm, anh em ơi”. Chúng tôi mật phục, rình cả đêm, huy động bà con đem thang gỗ, thang tre xếp ra đường chặn chúng nó. Nó sợ quá vứt bỏ xe gian, chạy xuống suối, vào rừng. Bắt được 3 xe máy.

Một nhóm bỏ xe trong bụi rậm, chạy bộ theo bờ suối rậm rịt. Chúng tôi đuổi, hôm ấy sương mùi giăng kín, truy lùng từ 2 đến 6h sáng thì thu được hai mũ bảo hiểm, hai khẩu trang và thấy nhiều tàn thuốc lá. Chúng tôi báo công an huyện. Một thằng thoát khỏi vòng vây của chúng tôi, ra Bình Phước chơi game online trắng một ngày đêm nữa mới bị bắt nốt, chính tại quán NET luôn. Hai thằng nữa giờ vẫn ẩn hiện ở miền Tây Nam Bộ và Campuchia...”.

Nói đến đâu, có ảnh và video kèm theo đến đấy, anh Trí cũng không quên mời nhà báo kết bạn Zalo rồi gửi luôn các ảnh liên quan. Cứ tồng tộc kể chuyện, anh Trí hồn nhiên đưa chúng tôi vào một thế giới của tình yêu thiên nhiên, sự xót cay dành cho những kẻ bất chấp mọi đạo lý và luật pháp để xẻ thịt “bà Mẹ Rừng”.

Cuộc điện thoại “ảo”: Bố đây, con yên tâm, bố về ngay!

Hỏi: “Anh sợ bị trả thù không? Đi rừng cả tháng, ai làm nhiệm vụ Chủ tịch xã cho đây?”, anh Trí bảo, “tôi về đây làm Chủ tịch UBND xã 3 năm rồi. Làm ngon, chứ có gì đâu. Có nguồn tin thì tranh thủ đêm hôm xách xe máy, đi bộ vào rừng điều tra, mật phục, xử lý. Thỉnh thoảng tôi mua tặng “đặc tình” của mình vài cái thẻ cào điện thoại, gọi là “nuôi nguồn tin quý”. Đi rừng vất vả nhưng cũng thích lắm. Thiên nhiên trong lành, lúc đói, anh em mở cơm nắm, lấy ít đồ nhậu mang từ nhà, mở vài lon bia giải khát. Như đi píc-níc cuối tuần ấy mà!”.

Chủ tịch Trí và chiếc xe chở gỗ lậu bị lâm tặc lao thẳng xuống bùn lầy trên núi cao

Dù cố “êm dịu hóa” tình trạng đi, nhưng Chủ tịch Trí vẫn không thôi day dứt và chưa bao giờ thấy cuộc chiến bảo vệ rừng bớt hiểm nguy và bộn bề trăn trở. Ba năm trước lúc anh Trí về nhậm chức ở xã miền rừng heo hút này, tình trạng phá rừng kinh hoàng. “Đỉnh điểm là khi lâm trường caosu Tuy Đức “trả lại” cho địa phương hàng nghìn hecta rừng.

Lúc ấy, nhà nhà phá rừng. Đêm ngày, xe độ chế chở gỗ quá tải, rồi tiếng cưa máy gào rít đinh tai nhức óc. Với hệ thống chốt của kiểm lâm và chủ rừng, thì không một que củi nào lọt ra ngoài được. Vậy mà gỗ vẫn cứ đi ra ầm ầm. Tại sao?”, anh Trí quay lại như chất vấn chúng tôi. Dầu mệt mỏi như đánh nhau với cối xay gió, anh Trí và đồng đội vẫn đều đặn xông lên. Xã không quản lý một miếng rừng nào.

Hơn 2.100ha rừng của Quảng Tâm, Nhà nước giao cho 8 chủ rừng. Nhưng anh Trí thấy mình và cán bộ xã phải có trách nhiệm đi bắt lâm tặc, khi kiểm lâm xử lý nghiêm, sẽ lòi ra tội ác của các chủ rừng trước nạn phá rừng tàn nhẫn.

“Bây giờ chúng nó “theo dõi ngược” tinh vi lắm. Vừa rồi, tôi bắt một vụ phá rừng do Điểu Tr cầm đầu. Biết nó theo dõi mình, tôi mới đặt điện thoại hẹn giờ. Đang ngồi thì chuông kêu ầm ỹ. Tôi nói rất to: “Bố về ngay, con yên tâm, rồi rồi!”. Tôi lấy xe máy đi, nhà tôi rất xa trụ sở xã. Đi rồi, tôi đến một địa điểm bí mật, ăn tối. Vài tiếng sau, tôi bí mật tắt máy xe, vào lại xã. Tôi không ở phòng Chủ tịch.

Mà xuống phòng xã đội ngồi trong bóng tối. Đến 2 giờ sáng, chúng tôi nhất tề ra quân. Gặp một cái xe cảo (xe công nông tự chế chuyên dụng để tời gỗ), chúng tôi bắt giữ luôn. Giao cho anh Trung. Anh áp tải cậu này về ủy ban, nhớ “tịch thu” điện thoại để một góc cho nó không báo tin được vào cho đồng bọn trong rừng.

Đi tiếp gặp Điểu C, cậu này đang “cú vọ” cho bọn trong rừng. Tôi bảo anh Việt, công an canh chừng hắn. Tôi và hai anh Trưởng Công an hai xã bèn đánh lạc hướng. Chia làm hai ngả, phục ở đường mòn và cả đường chính. Cuối cùng không một hành vi hủy hoại rừng nào lọt lưới”.

Trên bàn làm việc của anh Trí có cuốn sách của Larry Berman, vị giáo sư giảng dạy báo chí nổi tiếng người Mỹ, tác giả cuốn “X6 - điệp viên hoàn hảo”, viết về viên tướng tình báo huyền thoại mà quá nhiều người đã hâm mộ - Phạm Xuân Ẩn. Và anh Trí dường như đi bắt lâm tặc bằng trái tim nóng và sự mưu trí của... một điệp viên có hạng. “Tôi có hai cái số điện thoại, số của ông Chủ tịch xã, số của... người “mua” tin từ dân lành. Có gì nóng, bà con gọi cho tôi ngay. Số “bắt lâm tặc” này, chính cán bộ cấp trên của tôi cũng không biết đâu!”.

Anh Trí phân tích: Ban bảo vệ rừng ở xã có 44 người, mỗi năm được Nhà nước cấp vẻn vẹn 100 triệu đồng tiền “lương”, thử hỏi họ sống kiểu gì! Không lẽ vì thế mà thúc thủ, để rừng thun thún chạy về phía hư vô? Trong khi đó, những Chủ tịch xã lăn xả bảo vệ rừng như anh Trí, càng mê “X6” Phạm Xuân Ẩn, càng đi rừng bắt được nhiều gỗ của gian tế, thì số vụ và số diện tích mất rừng bị “lộ sáng” càng lớn. “Thành tích” sẽ khiến cấp trên cảm giác rằng, tình trạng phá rừng trên xã nhà thêm trầm trọng. Sao lại bất công thế nhỉ? Cứ như thế này, thì cán bộ cơ sở sẽ tìm cách giấu nhẹm việc rừng bị tàn sát cho xong.

Hóa ra, rừng mất vì sự đốn mạt và tha hóa thì đã đành. Rừng lại còn bị xẻ thịt bởi nhiều bất cập đến mức đôi lúc người tử tế và cả nghĩ phải tự hỏi, chúng ta có thật sự muốn giữ rừng một cách hiệu quả nhất hay không?

Chia tay Chủ tịch Trí, chúng tôi vẫn chưa rời địa bàn Đắk Nông, thì nghe anh thông báo tin buồn, có mấy người “đi làm gỗ” bằng xe cảo gây tai nạn, một người trong số đó đã chết rất thảm. “Nếu hôm trước tôi bắt được họ, thì họ đã không chết uổng”, giọng anh tiếc nuối. Quả là, theo đúng nghĩa đen, cuộc chiến vẫn bỏng rát ngay đêm trước chúng tôi đến và cả đêm sau khi chúng tôi ra về.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn