MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Báo chí làm Hội An sống lại từ phố cũ điêu tàn

Ghi chép của Thanh Hải LDO | 20/06/2016 20:47
Những năm đầu thập niên 90, Hội An là một phố cũ, với những ngôi nhà gỗ xuống cấp, xập xệ và bị quên lãng. Thanh niên, trai tráng tứ tán đi tìm kế sinh nhai. Phố cũ chỉ còn người già buồn tẻ. Nhưng giờ đây, Hội An đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, một địa chỉ du lịch không thể thiếu trên bản đồ thế giới. Người có công lớn là Anh hùng Lao động- Nguyễn Sự. Nhưng ông Sự lại cho rằng, Hội An đã “sống lại” được, thành di sản thế giới là nhờ vào truyền thông…


 

Anh hùng Lao Động Nguyễn Sự

Những bài học đầu tiên khi tôi làm chủ tịch!

 Chính báo chí đã giúp tôi, giúp những người quản lý nhận ra giá trị Hội An. Đến bây giờ, khi không còn làm quản lý nữa, ông Sự vẫn nhận định như vậy. Ông kể, năm 1994, khi tôi lên làm chủ tịch, Hội An chỉ là phố cũ (năm 1999 mới được công nhận di sản văn hóa thế giới). Tôi chưa nhận ra được cái đẹp, cái giá trị thực của Hội An. Ngay khi anh em Trung tâm bảo tồn di tích đề nghị Chính quyền chi tiền để nghiên cứu nhà cổ, trong lòng tôi còn nghi ngờ “hay là anh em “sử chuyện” ra để kiếm chát, ăn tiêu đây?”.

 Cũng thời điểm đó, báo chí có nhiều bài viết về Hội An. Nhất là hàng loạt tản văn của anh Vĩnh Quyền trên Lao Động, những bài viết của Lê Đức Dục trên Tuổi trẻ... Tôi thấy Hội An “phố rêu” trong mắt mấy thằng cha nội ni răng mà nó lung linh, mượt mà ri. Thật tình, lúc đó tôi chưa có điều kiện tiếp cận đến các hồ sơ, tài liệu về Hội An. Vì vậy chính các bài báo này đã làm mình chững lại, thay đổi suy nghĩ… còn dốt của mình.

 Khi tôi lên làm chủ tịch mới 2 tháng, Nguyễn Trung Hiếu (báo Lao Động) đã “đánh tôi” 1 bài về Hội An lộn xộn. Lúc đó tôi bực mình lắm. Tôi nghĩ, Hội An lâu nay vẫn nhếch nhát, lộn xộn, chừ mình lên làm Chủ tịch cũng vậy, thấy có gì đâu mà họ chửi. Nhưng khi đi quanh phố cổ, tôi kiểm nghiệm lại, họ đã viết đúng. Họ đã góp ý để mình có điều kiện “sắp xếp” lại một Hội An ngăn nắp hơn, gọn sạch hơn.

 Chính những bài báo khen – chê đó đã giúp tôi tìm hiểu kỹ hơn chính mảnh đất quê hương mình, giúp tôi ngày càng phát hiện Hội An đẹp lắm, quý giá lắm. Sau này, mọi bài viết về Hội An tôi hết sức tỉnh táo. Ngay cả những bài báo khen cũng phải cân nhắc, chưa chắc họ đã khen đúng, không chủ quan khi được khen. Tôi không nóng giận, không sân si khi bị chê.

Từ đó tôi nhận ra vai trò truyền thông rất quan trọng trong công việc của mình. Báo chí đã phản ánh thực tế - dù đó chỉ là suy nghĩ cá nhân của tác giả, nhưng mỗi suy nghĩ đều đánh động được nhiều thứ khi lên công luận. Những đánh động chính xác, làm thay đổi nhận thức anh lãnh đạo. Báo chí như cái thắng, là sự cảnh báo. Khi báo chí lên tiếng, dù khen hay chê đều là cái thắng để khiến người lãnh đạo, quản lý phải “giật mình”, khựng lại. Họ đã tạo ra cho mình cơ hội để có thể nhìn lại, kiểm nghiệm, xem xét, và điều chỉnh kịp thời.

Như Trần Tuấn (báo Tiền Phong) viết Hàm Cá Mập năm 1996 - đến hôm nay tôi còn phải cảm ơn Trần Tuấn. Lúc đó, An Hội là vùng đầm lầy, bồi lấp nhếch nhát, xấu và rác. Tôi cho xây dựng nhà hàng ở đó là muốn họ làm cho đẹp đẽ, sạch hơn. Nhưng ông Trần Tuấn viết “có 1 hàm cá mập ở Hội An” đăng trên Tiền Phong. Đọc xong, tôi cả giận. Nhưng tôi bình tĩnh, đi ra, đứng bên bờ sông này nhìn qua,  mới giật mình, anh em viết đúng quá. Hội An vốn hình thành là 1 cảng thị - một cảng thị phải có đôi bờ sông, những cồn bãi. Mà đây là 1 trong những cồn bãi gần nhất.  Nhưng lúc đó tôi đâu đã ngộ ra được, vì đấy là vùng phát triển tự do. Nhưng sau bài báo,  tôi về cho đập bỏ nhà hàng, đền bù 170 triệu đồng. Lúc đó 170 triệu to lắm, đau lắm. Ngay đó, Hội An cũng quyết định đưa nơi này vào trở thành khu vực bảo vệ đến bây giờ.

Truyền thông chỉ trở thành quyền năng đối với sự thật

Dù cho rằng, việc “sử dụng” truyền thông để làm sống lại Hội An, nhưng ông Nguyễn Sự vẫn nhận rõ, rằng truyền thông là con dao hai lưỡi. Nếu như anh chỉ lợi dụng nó, không đối xử CHÂN tình (không chỉ là THÂN tình) thì anh sẽ lãnh hậu quả. Nếu nói mà không làm, không thật lòng thì chính truyền thông sẽ giết chết mình. Không ai có thể diễn suốt cả cuộc đời, mọi điều không chân thật sẽ bị lộ diện, bị mất niềm tin và phản ứng tiêu cực trở lại.

 

Ông Nguyễn Sự - người đội mũ tai bèo- trên đỉnh lũ 1999 

Ông Sự chia sẻ, phải ứng xử với truyền thông, với nhà báo một cách sòng phẳng và minh bạch. Khi làm lãnh đạo, mình phải cầu thị và tôn trọng tính minh bạch. Anh viết đúng – sai tôi đều cảm ơn. Không phải xả giao khách sáo, mà vì họ đã cung cấp thông tin cho mình. Tôi cũng nghiệm ra rằng, đừng đặt báo chí lên trên mình và cũng không đứng trên anh em. Tôn trọng nhau để cùng làm việc. Chính điều đó tạo cảm hứng cho báo chí, anh em thấy lãnh đạo địa phương đấy bình đẳng với mình. Vì vậy họ chơi với Hội An họ rất thích, đàng hoàng, sòng phẳng và rất có trách nhiệm khi viết một bài báo.

Báo chí không chỉ có những bài báo khen mà còn hiến kế cho mình nhiều. Anh em đi nhiều, thấy nhiều, tích lũy được nhiều điều. Họ biết cái tốt, cái hay ở những địa phương khác, khi ngồi với mình, nói chuyện với mình,  thậm chí viết trên bài báo, họ chỉ cho mình biết cái nên làm, cái không nên làm. Trong hàng chục cái kế họ mách nước, có 1 cái hiến kế hay, mình chọn được đã có thể vực dậy cả địa phương mình rồi.

Với người dân, khi đọc báo, họ nhận ra giá trị ngay trong chính ngôi nhà cổ mình ở. Sự chân thành, đôn hậu, thân thiện trong tính cách người Hội An trong các ngôi nhà cổ là vàng, là kim cương mà lâu nay họ không thấy. Truyền thông cũng mang đến bạn bè bốn phương, trong và ngoài nước biết về đến vùng đất, người dân của Hội An. Qua truyền thông, họ sẽ đến Hội An hiểu thêm biết thêm về Hội An.

 

Ông Nguyễn Sự và nhà báo Trần Tuấn (báo Tiền Phong) 

Một năm đầu tôi làm Chỉ tịch, Hội An chỉ  có vài chục người nước ngoài đến, và cũng chỉ để nghiên cứu. Chừ, hơn 2 triệu lượt du khách quốc tế đến Hội An mỗi năm. Vai trò Truyền thông rất lớn, rất quan trọng, mang Hội An ra thế giới, mang đến cho du khách.

Báo chí cho chúng tôi, cho Hội An nhiều lắm. Không chỉ cho những kế sách, cách làm hay, mà cho Hội An cả bánh mì, mì tôm, tôn lợp cho nhân dân mỗi mùa lũ, mang hình ảnh Hội An ra cả thế giới.

Tôi nhớ năm 2011, khi xảy ra thảm họa động đất miền Đông Nhật Bản. Một trận động đất mạnh 9,3 đô rích-te (MW), ngày 11 tháng 3 năm 2011, đã làm làm hàng ngàn người chết, mất tích, hàng vạn người rơi cảnh màn trời chiếu đất. Đúng dịp ấy, Hội An đang có sự kiện hợp xướng quốc tế với cả chục quốc giá trên thế giới đến dự. Đúng dịp ấy, Hội An cũng tổ chức sự kiện “đêm rằm phố cổ”. Tôi chợt nghĩ mình nên thể hiện tình cảm của người dân Hội An- một vùng đất mà người Nhật đã từng sống tại đây- để chia sẻ với đồng bào Nhật. Hơn nữa đây là vấn đề nhân loại. Chỉ trong buổi chiều, chúng tôi quyết định tổ chức thả hoa đăng để người dân toàn phố cổ Hội An, du khách và hơn chục đoàn khách quốc tế đến với lễ hội hợp xướng quốc tế bày tỏ tình cảm của mình với nhân dân Nhật Bản.

 

 Hội An có được ngày hôm nay là nhờ phân lớn công lao của truyền thông

Khi tổ chức, chính mình là người trong cuộc tôi rất xúc động. Các kênh tuyền hình CNN, NKH, Truyền hình Việt Nam đưa hình ảnh xúc động ấy ra toàn thế giới. Chính truyền thông đã làm nên điều này. Mình làm từ tấm lòng, không ai báo cáo (mà nếu phải báo cáo thì cũng chỉ đến UBND tỉnh Quảng Nam thôi). Nhưng truyền thông, người ta đã mang mang tấm lòng tấm của người Hội An đối với sự kiện chấn động thế giới này ra với quốc tế. Để thế giới hiểu thêm đất nước, con người VN nói chung, Người Hội An nói riêng. Việt Nam- một đất nước đã xảy ra chiến tranh triền miên, cũng chết chóc tang thương, cũng thiên tai dồn dập, nhưng chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các bạn Nhật, với bất cứ nhân dân nào trên thế giới này khi gặp hoạn nạn. Đấy là dân tộc nhân văn.

Một tháng sau, khi tôi qua Nhật, gặp chủ tịch cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – Jica tiếp tôi. Điều đầu tiên chào tôi, ông đã cảm ơn nhân dân Hội An vì những chia sẻ khi Nhật bị sóng thần động đất. Điều thứ hai ông nói, Chùa Cầu- Hội An đang bị ô nhiễm, Jica xin được tài trợ 5 tỷ đồng để khắc phục. Và đến bây giờ, sự ủng hộ đấy đã lên con số 220 tỷ đồng Việt Nam để giúp Hội An làm sạch môi trường. Nhưng cái được không chỉ là con số hàng trăm tỷ. Tất cả những điều Hội An được như ngày hôm nay, tất nhiên là do nhiều yếu tố, nhiều chính sách, nhưng phải nói rằng truyền thông – báo chí đã mang lại cho chúng tôi – cho Hội An tất cả.

Thanh Hải

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn