MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các thiên thần bé mỉm cười sau hiểm họa biến thành... rác thải y tế!

Tâm Am và Ninh Vũ LDO | 15/07/2018 14:45
Cánh cửa căn phòng phẫu thuật lạnh toát đóng lại, nhiều người khóc ngất lên, ngất xuống vì phải phá bỏ giọt máu của mình. Những cảm xúc giằng xé trong tâm trí họ. Nhưng sau đó ít ai còn để ý và bận tâm “liệu rằng giọt máu của mình sẽ đi về đâu”? 

Có những cháu được bố mẹ đưa về chôn cất, khâm liệm tử tế, nhưng đại đa số các cháu bị bỏ mặc cho người ta thả vào bồn cầu và giật nước, hoặc cho vào túi nilon và trở thành “rác thải y tế”. Những cháu may mắn hơn thì được đưa về một “nơi ở” mới, nơi đó có lẽ các cháu có thể cởi bỏ được oán hận mà khóc, mà cười.

12 vạn sinh linh bị tước đoạt quyền làm người

Chúng tôi tìm về khu nghĩa trang hài nhi được coi là địa chỉ chôn cất của 12 vạn sinh linh bé nhỏ bị phá bỏ ngay từ trong bụng mẹ. Đây cũng là khu nghĩa trang hài nhi thuộc loại lớn nhất miền Bắc thuộc thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Bà Nhiệm (người ngồi) và những người tử tế khác đã nhiều năm và kỳ công giúp các "thiên thần bé" được mỉm cười trên cõi vân du, thay vì cho vào bồn cầu giật nước hay thả vào thùng rác y tế! Ảnh: Hoàng Ninh 

Nằm giữa một vùng quê yên ả và thanh bình, nơi đây là “một cõi đi về” của những đứa trẻ bị chính mẹ mình tước đoạt quyền làm người. Mười hai vạn sinh linh được chôn cất là 12 vạn câu chuyện khác nhau. Có những bé chỉ là giọt máu cho đến những bé đã thành hình người.

Hơn mười một năm, kể từ thời điểm khu nghĩa trang bắt đầu xây dựng, quy mô của nghĩa trang được mở rộng và số lượng trẻ về đây cũng ngày một nhiều hơn. Nhiều đến mức người thôn Đồi Cốc ngại trả lời báo chí vì điều này có gì để mà tự hào. Họ chỉ thấy đau vì cứ cách hai tuần họ sẽ đưa các cháu về đây, tắm rửa, khâm liệm cẩn thận, bỏ vào những chiếc tiểu đã chuẩn bị sẵn, giơ tay tạm biệt trước khi tiễn các cháu về thế giới khác.

Gọi là họ vì bản thân chúng tôi cũng không biết họ là ai, họ có bao nhiêu người. Chỉ biết họ làm việc vì cái tâm, vì sự thương xót đối với những thân phận cũng là một kiếp người. Họ chẳng mưu cầu sự nổi tiếng hay tiền tài, lời cảm ơn từ công việc này.

Trong số họ có bà Nguyễn Thị Nhiệm là người đã hiến tặng toàn bộ khu đất của nhà mình, mười một năm cùng chồng lang bạt khắp các bệnh viên công, tư, phòng khám chui tại Hà Nội để đi “xin” những thai nhi bị phá bỏ mang về chôn cất.

Những ngôi mộ được xây bằng gạch, đá do người dân quyên góp, sơn màu trắng. Nhiều ngôi mộ có bia khắc tên nhưng hầu hết là những ngôi mộ không tên. Mỗi ngôi mộ là nơi chôn cất của 50 cháu. Các cháu được tắm rửa sạch sẽ và được chôn cất trong những chiếc tiểu với nhiều kích cỡ khác nhau. Cháu lớn thì cho vào tiểu lớn, cháu nhỏ thì cho vào tiểu nhỏ. Những cháu mới chỉ là giọt máu đỏ hỏn thì được cho vào những túi nilon. Cứ như thế tiểu bé xếp dưới, tiểu lớn xếp trên. Người ta quen gọi: “Anh chị thì xếp ở trên, các em thì xếp ở dưới, giống như cõi trần vậy”.

Nhiều dịp, cũng có những nhà sư, linh mục đến đọc kinh, niệm Phật để siêu thoát cho các linh hồn. Bằng một niềm tin tâm linh, người ta cho rằng mỗi sinh linh bé nhỏ đều trải qua nhiều kiếp mới tu được thành người. Các cháu đều rất chờ đợi và mong muốn ngày được sinh ra, được sống giữa cõi đời.

Chính vì thế những sinh linh bị bỏ rơi đều mang trong mình một niềm “oán giận”. Những linh hồn này: “Đều rất khổ sở, tồn tại với một niềm oán hận vô cùng lớn. Có những đứa đã thành hình người, pháp lực rất mạnh. Thậm chí có cháu đã được 8 tháng rưỡi. Đây là một tội lỗi rất lớn của con người” - bà Nhiệm chua xót.

Tại Đồi Cốc hôm đó, chúng tôi chứng kiến những cảnh tượng không thể đau lòng hơn. Các tình nguyện viên cẩn thận và chua xót đưa các em từ trong chiếc tủ lạnh để giữ các em không bị phân hủy bởi thời tiết, vi khuẩn. Cứ một đứa bé được đưa ra là những giọt nước mắt lại rơi.

Đứa chưa thành hình người đỏ hỏn chỉ là giọt máu, đứa mũi cao, miệng nhỏ, nếu được sống thì đẹp trai phải biết, đứa thì là bé gái chỉ vài tháng nữa là được ra đời. Nhưng tất cả các cháu đều không có cơ hội nhìn thấy ánh mặt trời dù chỉ một lần. Các cháu được tắm rửa và khâm niệm, chôn cất trong một “đám ma tập thể”. Cách hai tuần người ta làm một đám ma như thế. Đến nay đã mười một năm và con số đã lên đến 12 vạn sinh linh.

Mười hai vạn là con số tương đương với 1/3 dân số của một quận mà nhóm PV đang sinh sống ở Hà Nội. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ các em may mắn được đưa về nơi đây. Ngoài thế giới tàn nhẫn kia, còn hàng vạn, hàng triệu các sinh linh bé nhỏ khác đã kết thúc sinh mệnh ngắn ngủi của mình ở một nơi nào đó, có thể là bãi rác, bồn cầu…

Những người có tâm phải bật khóc khi chứng kiến hàng chục hài nhi vô tội bị chối bỏ một cách vô cùng thảm sầu.

Các cháu được đưa về đây sẽ có một cuộc đời tử tế. Bà Nhiệm cũng như nhiều tình nguyện viên vẫn tin rằng có một thế giới tâm linh tồn tại song song với thế giới này: “Chúng cũng như những đứa trẻ bình thường, biết vui, biết buồn, cũng biết nghịch ngợm nhưng lòng thì chất chứa nhiều oán hận. Tôi chỉ mong sao tất cả các cháu có thể siêu thoát và đầu thai sớm cho đỡ khổ” - bà Nhiệm tâm sự.

Mười một năm khóc cười với "các con"

Một nhóm tình nguyện viên có già có trẻ có trai có gái đang thực hiện những nghi lễ cuối cùng trước khi đưa các cháu trở về đất mẹ. Họ chuyền tay nhau những hình hài bé nhỏ đã mặc bộ quần áo mới, chào các cháu lần cuối trước khi nắp chiếc tiểu đóng lại. Ánh sáng mặt trời hẹp dần rồi tắt hẳn trong không gian chật hẹp. Trong “ký ức” cuối cùng của các cháu, những người ở bên cạnh, khóc vì các cháu, đau vì các cháu lại là những người người xa lạ.

 Cảnh quy tập các giọt máu bị chối bỏ, hình ảnh những bé thơ chưa thấy ánh sáng mặt trời ấy có thể khiến bất cứ ai cũng phải bật khóc vì thương cảm. Nhưng người ta còn bật khóc vì sự tử tế và chu đáo của những tình nguyện viên như thế này. Ảnh: Hoàng Ninh

Hồi tưởng về quãng thời gian những ngày đầu tiên đi quy tập và chôn cất hài nhi, bà Nhiệm tâm sự: “Khi chứng kiến cảnh nạo phá thai, tôi đã không kìm được lòng. Những đứa bé cũng là sinh linh, cũng có khao khát được làm người. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, mình cần phải chôn cất các cháu dù không được tươm tất nhưng cũng không để người ta vứt các cháu ra bãi rác. Những ngày đầu, nhiều người cũng bàn tán, dị nghị nhưng đến nay hơn 10 năm, người ta hiểu công việc của tôi thì nhiều người cũng tìm đến giúp đỡ”.

Nhìn khu nghĩa trang hài nhi rộng và khang trang ai cũng nghĩ đây là một công trình do các tổ chức cộng đồng hay cơ quan chức năng xây dựng nhưng thực tế khu nghĩa trang này do người dân nơi đây hoàn thành. Chỉ là những người nông dân hiền lành, chất phác nhưng họ đã thay xã hội làm một công trình ý nghĩa như trên.

Nguyễn Văn Toản, còn rất trẻ, anh tâm sự: “Khi tôi bắt đầu làm công việc này, bố tôi đã cấm cản vì nghĩ rằng đây là chuyện không bình thường nhưng tôi thấy đây là một việc có ý nghĩa. Khi tiếp xúc và thu lượm các cháu mới thấy đau lòng dường nào”.

Trong số những người có mặt tại nghĩa trang hài nhi thôn Đồi Cốc ngày hôm đó, chị Hằng đi thăm đứa con của mình. Chị tâm sự: Cháu bé trai và ngoan lắm nhưng lúc mang thai bé chị không biết nên đã uống thuốc cảm. Bác sĩ bảo phải bỏ cháu nếu không sinh ra bị dị tật. “Thật may cũng có một nơi các con có thể cười, khóc vui đùa, chị khóc nấc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn