MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ em người dân tộc thiểu số vùng sâu đến trường.

Cánh chim báo yên nơi đại ngàn

Khắc Dũng LDO | 10/10/2014 12:53
Dân làng Kim Panhon ví chim bling trên đỉnh núi mẹ Langbian là cánh chim báo yên, bay đến đâu thì ở đó có an bình hạnh phúc. Già làng Krajan Hà Đời ở buôn Kim Panhon dưới chân núi Langbian của người Cill, người Lạch, người Cơ ho... là một cánh chim báo yên như thế.

Chuyện xưa

Hay tin già làng Krajan Hà Đời là một trong hai đại biểu được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dịp Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng sắp đến, tôi phóng xe từ Đà Lạt vào Đạ Sar (Lạc Dương) để tìm gặp. Cùng chiều với chiếc xe máy của tôi có nhiều ôtô con. Có lẽ là mấy ông chủ đi thăm vườn. Bây giờ ở Đạ Sar có nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chủ nhân là người Đà Lạt - Lâm Đồng hoặc từ các tỉnh khác; cũng có những “ông chủ” là người dân tộc thiểu số tại địa phương. “Bây giờ, bà con dân tộc thiểu số mình vươn lên làm kinh tế với kỹ thuật nông nghiệp cao cũng đã nhiều, cũng mang lại hiệu quả cao” - ghé lại chỗ ông Kơsa Hà Tang, người dân tộc thiểu số đầu tiên cải tiến cỗ máy lặt bắp (tuốt ngô), ở ngay ngã ba Đạ Sar rẽ vào nhà già làng Hà Đời, tôi được thông tin như thế. Nhưng thôi, chuyện người dân tộc thiểu số Đạ Sar làm kinh tế giỏi xin được kể sau.

 

 Chân dung già làng Krajan Hà Đời.

Gặp lại nhau sau nhiều năm, thấy già làng Hà Đời tuổi gần bảy mươi nhưng vẫn mạnh mẽ và nhanh nhẹn. Sau cái bắt tay thật chặt, già chủ động nhắc chuyện cũ: “Hồi đó là năm 1992 phải không?”. Tôi gật đầu xác nhận bằng câu hỏi khác: “Hồi đó, già làng Hà Đời hình như vừa là Bí thư vừa là Chủ tịch xã Đạ Sar?”. Già cũng gật đầu: “Đúng rồi! Cơ chế lúc đó nó vậy. Mình làm đến hai nhiệm kỳ...”. Đó là lần gặp “lịch sử” năm 1992 khi tôi cùng một đồng nghiệp “công cán” ở Klong Klăn (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương) và gặp lũ rừng. Sau mấy lần trầm mình ở hai con suối biến thành biển nước Đưng Tvó và Đạ Sịr do lũ nguồn, tôi và đồng nghiệp cuối cùng cũng ra đến được trung tâm xã Đạ Sar. Nhưng ra đến đây, cả hai chúng tôi không còn đồng bạc nào trong túi. Lý do trước đó, chúng tôi ghé lại và xin ngủ nhờ qua đêm ở một lán trại đào đãi vàng giữa rừng. Đêm ấy, cả hai dốc đến đồng bạc cuối cùng cho một bữa tiệc không hẹn giữa rừng già để chia sẻ với nhóm “vàng tặc”. Đã thế chiếc cánh én cà tàng của tôi hồi đó ngốn xăng kinh khủng. Ra đến trung tâm xã Đạ Sar đã quá xế, tiền nhẵn, mì tôm mang theo trước đó cũng đã hết và xe cũng không còn một giọt xăng. Chúng tôi ghé lại quán nước bên đường với ý định “cắm” chiếc đồng hồ lấy hai tô mì tôm cho người và lít xăng cho xe. Bất ngờ Bí thư - Chủ tịch Krajan Hà Đời đi ngang qua. Thấy hai nhà báo với “bộ cánh” bê bết bùn đất từ đầu tới chân, ông ghé vào. Chúng tôi kể về chuyến đi vào Klong Klăn lúc trở ra bị lũ nguồn, chuyện già làng trong ấy - già Ha Ksiêng, phải huy động hơn hai mươi trai làng kéo cây rừng làm bè để đưa xe qua suối Đưng Tvó; phải bứt dây rừng cột xe “thả trôi” qua suối Đạ Sịr; phải ngủ nhờ trong lán trại của nhóm “vàng tặc” có người cầm đầu là “đại ca” Huyền... Dĩ nhiên, chúng tôi chỉ nói xa xa chuyện hai đứa đang “rỗng túi”, cả người lẫn xe đều đang “đói”. Nghe xong, già làng Hà Đời cười hiền rồi bảo chủ quán: “Làm cho hai tô mì tôm thật to, đổ thêm bình xăng cho hai nhà báo này nhé...”. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau chứ không mở miệng nói lời cảm ơn được. Và, “món nợ” ấy cho đến giờ, tôi và đồng nghiệp vẫn chưa “trả” được. Lần này gặp lại già làng Krajan Hà Đời, tôi nhắc lại. Nghe xong, ông cũng chỉ cười hiền...

Cánh chim Bling của đại ngàn Langbian

Già làng Krajan Hà Đời kể: “Bố mình mất khi mình mới bốn tuổi. Khi mình lên tuổi thứ bảy thì mẹ mình mất. Người ta có bố có mẹ mà còn khổ thì huống chi mình mất cả bố lẫn mẹ. Mình phải bươn chải kiếm sống từ nhỏ. Năm lên 15 hay 16 gì đó, mình ra Đà Lạt làm thuê cho ông Pareur, chủ hai trang trại chăn nuôi bò và cừu ở hồ Tuyền Lâm và Chi Lăng. Được cái là mình trẻ khỏe và năng nổ nên được ông chủ cử làm trưởng nhóm những người làm thuê. Nghe nói, ông ấy là cháu của ông Yersin - người tìm ra Đà Lạt. Những năm làm ở đó, mình vừa làm, vừa tự học...”. Đến ngày giải phóng, lúc này, Krajan Hà Đời đã là chàng thanh niên 30 tuổi. Về lại buôn Kim Panhon, ông tham gia nhiều việc trong xã. Sau đó, ông làm công an thôn, thư ký văn phòng UBND xã, rồi phó chủ tịch xã, rồi vừa là Chủ tịch UBND xã và vừa là Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar. “Đến năm 2001 thì mình nghỉ hưu. Nhưng cũng không “thoát” hẳn chuyện của xã. Mình phải đảm trách vị trí Chủ tịch Hội Người cao tuổi Đạ Sar từ đó đến giờ” - già làng Hà Đời nói.

 

 Ruộng lúa của người DTTS Đạ Sar

Bà con trong các thôn buôn của xã Đạ Sar bảo rằng không đợi đến lúc Krajan Hà Đời được bà con tín nhiệm bầu làm già làng mới làm công việc của một già làng mà trước đó, nhất là từ hồi sau giải phóng, ông đã làm công việc của một già làng rồi. Chuyện với tôi, già làng Hà Đời thường hay nhắc đến những người nguyên là lãnh đạo cao cấp của tỉnh Lâm Đồng như các ông Tám Cảnh (Nguyễn Xuân Du), ông Chế Đặng, ông Bảy Minh (Nguyễn Ánh Minh)... Ông bảo: “Các ông ấy bảo mình là phải vận động cho được bà con trong thôn buôn làm cái cây công nghiệp càphê thì mới cải thiện được cuộc sống, mới có thể làm giàu như người Kinh được. Hồi ấy, bà con người Cill, người Lạch, người Cơ ho... chỉ biết trỉa bắp trỉa lúa trên cái nương cái rẫy thôi chứ không biết cây càphê là gì đâu. Nhưng rồi vận động mãi cũng được. Mà, mình phải làm gương trước đã. Thấy, bà con mới tin, mới làm theo”. Vậy là bắt đầu từ mình, già làng Hà Đời làm cây công nghiệp càphê; không chỉ mình ông làm mà ông còn dạy cho những người con gái con trai của ông vừa làm thứ “cây lạ” này và vừa phải đi học. Đến giờ, con cái của ông đều thành đạt (hầu hết là giáo viên) và đều có cuộc sống ổn định bằng vườn cây công nghiệp. 

Rồi nữa, để chắc hơn, già làng Hà Đời còn vận động những người cao tuổi trong xã làm gương trước để cháu con noi theo; vận động những “đầu mối” của xã như bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội phụ nữ... cùng làm gương. Từ đó, bà con trong buôn noi theo. Đến giờ, khi nói người dân tộc thiểu số ở Đạ Sar làm kinh tế giỏi bằng vườn cây công nghiệp cà phê, bằng trồng rau công nghệ cao thì đó không còn là chuyện lạ. 

 

Một góc làng Kim Panhon (xã Đạ Sar) hôm nay 

Như ông Kơsa Ha Tang mà tôi vừa nhắc ở trên, không chỉ là người có công sáng chế máy tuốt bắp mà còn được biết đến với tư cách là một nông dân trồng hoa cúc cao cấp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở Đạ Sar còn có chị Ka Uyên (thôn 5) khá nổi tiếng với 5 sào đất trỉa bắp trước đây nay chuyển sang trồng hoa và rau cao cấp cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Rồi nữa, với chuyện tin học, già làng Krajan Hà Đời động viên lớp con cháu: “Cái tin học nó ích lợi lắm. Chuyện của cả thế giới này nó nằm ở trong cái máy tính ấy đấy. Cố mà học!”. Cũng nhờ đó mà đến giờ, chuyện tin học ở vùng dân tộc thiểu số Đạ Sar không còn là chuyện lạ đối với lớp trẻ. 

Già làng Krajan Hà Đời tâm sự: “Trong mọi chuyện, mình là già làng thì phải làm gương để dân làng nghe và làm theo. Ví như chuyện vận động bà con không nghe theo luận điệu của kẻ xấu chẳng hạn, trước tiên, mình phải phân tích cho những người con, người cháu trong gia đình của mình, trong dòng họ của mình; vận động những người cao tuổi trong thôn buôn về từng gia đình, từng dòng họ nói chuyện cho bà con thân thích của họ trước...”.

Tôi ngước nhìn lên bức tường gỗ trong ngôi nhà riêng khá khang trang của ông ở trung tâm xã Đạ Sar với rất nhiều những giấy khen, bằng khen đủ các cấp. “Thật khó mà chép hết vào sổ tay!” - tôi nghĩ. Bởi vậy, trước khi chia tay ông, tôi chúc mừng sớm: “Lần đại hội mặt trận cấp tỉnh tới đây, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, chúc già làng vui và mãi là cánh chim bling của núi mẹ Langbian!”.

Già làng Krajan Hà Đời đáp lại bằng nụ cười hiền...

Thứ sáu, 10.10.2014

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn