MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu thợ săn vang bóng một thời ở Phú Quốc - Nguyễn Xuân Bính với đàn chó Phú Quốc thuần chủng.

Chó Phú Quốc - từ Đảo đến Đồn

LỤC TÙNG LDO | 22/02/2018 06:25

Tinh khôn, trung thành hơn hẳn rất nhiều giống chó khác, chó Phú Quốc là người bạn thân thiết của người dân Đảo Ngọc và các chiến sĩ biên phòng.

Chó Phú Quốc - đặc sản của Phú Quốc

Tôi vào Google gõ cụm từ “Chó Phú Quốc”, chỉ trong 0,47 giây có 2.260.000 kết quả. Điều này cho thấy, giống chó gắn liền với địa danh huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thu hút sự chú ý, quan tâm của nhiều người với mức độ thật... “khủng”!

“Nếu hiểu khái niệm xoáy lưng chó chính là dãy lông ở trên lưng mọc ngược so với phần lông còn lại, thì chó Phú Quốc là 1 trong 3 giống chó xoáy lưng trên thế giới. Nhưng so với 2 người bạn còn lại là Thai Ridgebackdog (Thái Lan) và Rhodesian Ridgebackdog (Nam Phi), chó Phú Quốc có sự độc đáo riêng bởi sự đa dạng về loại hình xoáy” - ThS Nguyễn Văn Biện - cựu giảng viên khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ), người có nhiều năm nghiên cứu về chó Phú Quốc - chia sẻ với sự tự hào - “Qua nghiên cứu 614 cá thể trong đề tài nghiên cứu khoa học về chó Phú Quốc, kết hợp với thu thập kiến thức bản địa, chúng tôi nhận thấy, xoáy lưng trên loài chó này rất đa dạng về hình thể, như: Xoáy hình yên ngựa, hình mũi tên, hình chiếc lá, hình cây đàn...”.

Tuy nhiên, theo ThS Biện, do nhiều nguyên nhân, đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng về xuất xứ của chó Phú Quốc. Chính điều này đã tạo cớ cho nhiều người đồn đoán, xuyên tạc kiểu: Chó Phú Quốc có nguồn gốc ngoại lai. Những giả thuyết này thường mang đậm màu sắc dân gian với những câu chuyện truyền miệng, hoặc ghi chép mang tính cá nhân, thiếu chứng cứ khoa học và hoàn toàn khác biệt với thực tế trên Đảo Ngọc.

Sinh thời, chú Hai Phi, tức Phạm Văn Minh - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - người có gia đình nhiều đời sinh sống trên đảo Phú Quốc - có lần chia sẻ với tôi: “Theo ông bà truyền lại thì 5 đời trước đã thấy có chó Phú Quốc”. Điều này cho thấy, chó Phú Quốc đã được thuần hóa thành chó nhà từ hàng trăm năm trước nhờ những cư dân đầu tiên có mặt trên Đảo Ngọc.

Mặt khác, nhà nghiên cứu Trương Thanh Hùng - cựu Chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang, người dành nhiều thời gian nghiên cứu Phú Quốc - đã đưa ra chi tiết đắc địa để khẳng định: Chó Phú Quốc là đặc sản của Phú Quốc. “Qua tìm hiểu nhiều loài chó, chúng tôi chưa thấy loài nào có khả năng ăn cá biển sống như chó Phú Quốc. Chỉ riêng điều này đã nói lên “sự thật không thể chối cãi” chó Phú Quốc là đặc sản của Phú Quốc”- ông Hùng nhấn mạnh.

Như “huyền thoại” của đảo

Gần 20 năm gắn bó với đảo, có dịp tiếp cận với nhiều thế hệ người dân bản địa, tôi nhận ra rằng, giữa chó và người trên đảo Phú Quốc có mối quan hệ thân thiết rất đặc biệt. Không chỉ quấn quýt nhau trong đời sống ngày thường, với sự thông minh, trung thành vượt bậc của mình, chó Phú Quốc làm nên nhiều điều hữu ích đẹp như “huyền thoại”.

Là thợ săn “Vang bóng một thời” ở Phú Quốc, ông Huỳnh Văn Chín (SN 1953, Khu Tượng, xã Cửa Dương) cho biết: “Ngày trước, nhà nào cũng nuôi vài ba con chó để săn thú rừng và phòng ngừa rắn...”. Với bản tính tinh khôn, nhanh nhẹn, khéo léo và khả năng đánh hơi tuyệt vời, chó Phú Quốc cực kỳ giỏi trong việc đi săn. Với người đi săn chuyên nghiệp, chó Phú Quốc có thể săn được heo rừng, nai to lớn hơn nhiều lần. “Cái độc đáo ở đây là dù không được đào tạo, huấn luyện bài bản, nhưng chúng có kỹ năng săn mồi rất đa dạng và tinh khôn cực kỳ” - ông Nguyễn Xuân Bính (SN 1954, tay săn cự phách vùng Suối Cát, xã Cửa Dương) - cho biết thêm - “Không chỉ biết tìm ra vị trí hiểm yếu nhất của con mồi để tấn công nhanh, tiêu diệt gọn, chúng còn đa mưu, túc trí, phối hợp nhau để tấn công con mồi có trọng lượng to hơn gấp vài lần”.

Ông Bính kể, một lần gặp phải heo nanh (tức heo rừng già, có nanh) khoảng 50kg, đàn chó đã triển khai đội hình như đánh trận: 2 con đực to nhất đàn kè 2 bên má con mồi vừa cắn vừa sủa, 1 con chạy trước mặt sủa liên tục như để trấn áp tinh thần, con đầu đàn chỉ chạy bên ngoài, vừa đôn đốc 3 con chó giữ khoảng cách hợp lý, vừa dùng miệng cắn bỏ cây cỏ và tứ chi dọn chướng ngại vật xung quanh”.

Nhiều thợ săn chuyên nghiệp ở Phú Quốc còn khẳng định như định đóng cột: “Chó Phú Quốc rất trung thành, ngay cả khi tự săn được mồi, chúng cũng không bao giờ dám tự ý “ăn cơm trước kẻng”, mà chờ chủ cho mới dám ăn.

Tuy nhiên, theo nhiều người, sợi dây kết nối giữa người và chó Phú Quốc không chỉ ở chuyện “nhường cơm xẻ áo” mà còn gắn bó đến mức có thể hy sinh tính mạng để bảo vệ chủ. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, người Phú Quốc vẫn lưu truyền câu chuyện xả thân cứu chủ của con chó tên Chiến đã cứu ông Tư Bánh (thị trấn An Thới). Chuyện rằng, trong một lần dẫn chó đi săn ở rừng Vồ Đình, bất ngờ con rắn hổ mây to như bắp chân, dưới đám cỏ trước mặt giương đầu lên. Kinh nghiệm đi săn cho ông biết, con rắn sẵn sàng “ăn tươi nốt sống” người đã xâm phạm lãnh địa. Tháo chạy, nhưng nghe cây cỏ phía sau lưng bật lên tiếng, biết con mãn xà quyết đuổi theo, ông Bánh đã nghĩ đến tình hướng xấu nhất. Nhưng không. Có lẽ nhận ra sự nguy cấp của chủ, bất chấp sự to lớn của con mãng xà đang trên đỉnh cao hung hãn, con Chiến lấy thế rồi nhắm yết hầu con rắn mà cắn. Bị tấn công bất ngờ, con rắn hướng mục tiêu sang con Chiến. Nhờ đó mà ông Bánh thoát chế, nhưng con Chiến thì ra đi trước sự bộc phát quá mạnh của nọc rắn.

Khách nước ngoài thích thú với chó Phú Quốc được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo tồn Thanh Nga (Dương Tơ - Phú Quốc). Ảnh: LỤC TÙNG

“Người bạn” của Đồn Biên phòng

“Tuy chưa phải là chó nghiệp vụ theo quy định, nhưng nhiều đồn Biên phòng trên vùng biển Kiên Giang đã nuôi và gắn bó với chó Phú Quốc như “người bạn” thân thương với nhiều câu chuyện cảm động” - Đại tá Đặng Văn Thống - Chính ủy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang - chia sẻ với tôi. Thật vậy, tại các Đồn Biên phòng Thổ Châu, Gành Dầu, Xà Lực (Phú Quốc), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về chó Phú Quốc sống nghĩa tình với người lính quân hàm xanh.

Thiếu tá Dương Thanh Hoàng - Chính trị viên phó Đồn Gành Dầu - người có 20 năm gắn bó với đảo - đã làm tôi xúc động với câu chuyện chó Phú Quốc thích đi tuần tra. “Cách đây hơn chục năm, Đồn Gành Dầu có con Mực rất thích đi tuần” - Thiếu tá Hoàng cho biết - “Mỗi khi thấy lực lượng tuần tra chuẩn bị quân trang, quân khí đi tuần là nó chạy ra trước cổng chờ sẵn rồi dẫn đầu đoàn tuần tra”. Tuy nhiên, vì con Mực hay sủa mỗi khi phát hiện người lạ, nên để đảm bảo bí mật, sau đó chỉ huy đồn chỉ đạo “bảo mật” bằng cách cho tất cả súng vào bao rồi lặng lẽ vác ra đi. Thế nhưng, đi một hồi thì cũng thấy con Mực tháp tùng.

Còn Thượng tá Nguyễn Trí Đào - Chính vị viên Đồn Xà Lực (xã Bãi Thơm) - lại khiến cho tôi chỉ còn biết “đứng hình” với câu chuyện về trí khôn tuyệt vời của chó Phú Quốc. Khi công tác ở đồn Cửa Cạn, có “nàng” chó Phú Quốc cực kỳ thông thông minh như thể đọc được ý nghĩ con người - “Để tránh đi theo làm ảnh hưởng đến bí mật công tác, chỉ huy đồn chỉ đạo tìm mọi cách “che mắt” chó trước giờ xuất quân. Thế nhưng, đi được một lúc là đã thấy “cô nàng” đi theo. Sau đó, nghiên cứu lại mới biết “nàng” đã theo dõi cán bộ giữ kho quân giới, thấy đồng chí này mở cửa kho là nó ra trước cổng doanh trại chờ sẵn”.

Đặc biệt, trong lực lượng Bộ đội Biên phòng ở Phú Quốc còn lưu truyền những câu chuyện đầy cảm động về tình cảm của chó Phú Quốc đối với người lính Biên Phòng. Trung tá Danh Đồng - Chính trị viên phó Đồn Xà Lực - bồi hồi: “Ngày đầu ra đây nhận nhiệm vụ, tôi đã được con Vện dẫn về đồn”.

Chuyện là, tàu vừa cặp bến, thấy có con chó Phú Quốc ngoe nguẩy đuôi ra vẻ mừng rỡ rồi chạy về hướng đơn vị đóng quân. Thỉnh thoảng, nó ngừng lại để chờ vị khách áo lính quân hàm xanh. Đến khi nó dừng lại, anh Đồng cũng vừa đặt chân đến đồn. Thấy lạ, anh Đồng kể lại, đến lúc này anh em trong đồn mới “bật mí” đó là con Vện của đồn nhà mình, nó ra đón lính mới.

Mấy năm trước, con Vện già, bệnh rồi chết, để lại trong toàn đơn vị niềm xúc động mạnh. “Con Vện do Đồn trưởng Cao Như Sơn mang về nuôi, sau đó anh Sơn chuyển công tác. Vậy mà trước lúc lâm chung, con Vện cố sức tìm đến phòng làm việc của vị đồn trưởng năm xưa để trút hơi thở cuối cùng. Cả đơn vị xúc động, mang xác con Vện đi chôn”.

Câu chuyện của Thượng tá Đào truyền đến người nghe cảm xúc đầy tính nhân văn về nghĩa tình của loài chó đặc sản trên Đảo Ngọc. Bỗng dưng tôi thấy khóe mắt mình cay cay...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn