MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những cảnh nhếch nhác không thể tưởng tượng nổi của chợ trung tâm thành phố tỉnh lỵ Cao Bằng.

Chợ Xanh và những gam màu tối

thanh tâm LDO | 26/11/2017 11:00
Sau hàng tháng trời liên tục nhận đơn thư bức xúc và những cuộc điện thoại kêu cứu khẩn thiết của những người phụ nữ dân tộc thiểu số già “buôn thúng bán bưng”, những tiểu thương nửa đời tất tả “buôn bán ở mom sông” với Chợ Xanh, thành phố Cao Bằng, chúng tôi đã lên tận nơi gặp họ. 

Các cuộc gặp phải tổ chức bí mật, bởi ngay cả cán bộ đương chức cũng như lương dân thở dài nói về cách hành xử kiểu “xã hội đen” của cánh người có lợi ích nhóm ở nơi này. 

Ai đã để cho Chợ Xanh làm héo úa cảnh quan bờ sông Bằng?

Cảm giác đầu tiên là sự choáng, choáng đến xót xa bởi sự nhếch nhác của một khu chợ vốn là “Công trình chào mừng thành phố Cao Bằng”. Dòng chữ đỏ đậm in trên nền trắng khổng lồ ốp dọc mái chợ ấy vẫn còn nguyên.

Đứng trên cầu sông Bằng lừng lững, ngắm con sông thơ mộng “câu lượn câu sly” giăng mắc, người ta như sờ thấy được khẩu hiệu “Công trình chào mừng...” hoành tráng ấy. Miền biên giới xa thương mến. Chợ tọa lạc đúng ngã ba suối Củn huyền thoại trong ngần hòa mình vào sông Bằng. 

Cảnh đẹp đến nao lòng từ trong lịch sử đến tận năm ngoái năm kia - tức là trước khi thành phố Cao Bằng cho phép cơi nới, lợp mái tôn xanh ốp viền xung quanh bờ kè phía ngoài sông Bằng, biến không gian tuyệt vời trở thành một cái chợ tạm. 

Xú uế, rác rưởi, thùng xốp ném ào xuống sông. Lòng đường ven sông nhớp nhúa, ki-ôt bọc dây thép giăng ô mắt cáo, lều bạt cụp xòe, cá mú tanh tưởi.

Những cảnh nhếch nhác không thể tưởng tượng nổi của chợ trung tâm thành phố tỉnh lỵ Cao Bằng.

Mới chỉ hơn một năm qua thảm cảnh mới diễn ra, tức là không phải tồn tại của một thời ấu trĩ. Tôi thật sự không hiểu các nhà quản lý nghĩ gì trong quyết định “khó tin nhưng có thật” này. Người ta cho dựng lều lán, lợp mái tôn xanh méo mó lụp xụp, bạ đâu cơi nơi xếp gạch đổ bê tông biến con đường ven sông thành chợ tạm, tạm như thế đến bao giờ?

Đường xuống sông cắt ra “bán” chỗ cho tiểu thương đầu nậu. Mái tôn dài dặc kèm theo hệ thống ki ốt nhếch nhác, chiều, sáng sớm hoặc tối bà con đi dạo chỉ thấy miên man là dây thép đan ô mắt cáo đùm túm cuốn lấy các đống hàng hóa bệ rạc xơ xác.

Rồi khóa lớn khóa bé, bạt nhỏ bạt to, cái cụp cái xòe. Đặc biệt là khu hàng cá hàng thịt, mỗi người vài miếng gỗ xếp gần nhau, khi bày hàng băm chặt giết mổ thì nước tanh tưởi chảy luôn ra đường, ra hành lang ven sông Bằng. 

Lý do quan trọng nhất: Mỗi “miếng bê tông” đó trị giá hàng trăm hoặc vài trăm triệu đồng theo tố cáo của bà con. Các giao dịch đó, đến giờ vẫn rất nóng. Số tiền khổng lồ đó được “bán trao tay” giữa các tiểu thương. Các “đầu nậu” bán chỗ ngồi này có phải là “cánh tay nối dài” của Ban quản lý (BQL) chợ như bà con tố cáo?

Có một điều chắc chắn, tiền đó không nộp cho kho bạc rồi được quản lý như cần phải có, điều này đã thể hiện rõ khi chúng tôi cho người “vào vai” mua chỗ ngồi như mua mớ tôm mớ cá. Đặc biệt vô lối là đến cả hệ thống bậc bê tông kéo dài từ đường nhựa qua bờ kè xuống mặt nước sông để dạo mát của bà con, cũng bị người ta “bắn” tôn xanh, tạo thành các ki ốt “bán và cho thuê” chỗ ngồi với giá cao ngất ngưởng.

Ai cũng phải bất bình. Xe rác xếp lúc lỉu ven chợ, những mái tôn bị cắt gọt đủ hình dạng vá víu được ốp lên để tận dụng từng xó xỉnh nhỏ nhất nhằm “bán chỗ”. Quả là, đứng trên cầu sông Bằng nhìn xuống, bất kỳ ai cũng thấy sự bát nháo không thể tin nổi, ở ngay tại nơi được xem là đô hội nhất tỉnh, cách UBND tỉnh vài trăm mét, nơi hội tụ nhiều góc nhìn đẹp nhất của “Thành phố bốn bờ sông”... Sao lại có thể như vậy? 

Chưa hiết, theo điều tra của chúng tôi, cũng như theo đơn tố cáo chính thức của bà con, cán bộ thuộc BQL chợ đã nhẫn tâm đẩy những người từng buôn bán đã nhiều năm ở khu vực Chợ Xanh “ra đường”. Để rồi các cuộc đầu cơ chỗ ngồi, bán chác hàng trăm triệu đồng kiểu “thổ phỉ” diễn ra rất phổ biến.

Một lãnh đạo cấp Sở của Cao Bằng, nơi hiểu rõ việc “cấp phép” cho “gia cố” Chợ Xanh như trên, đã thừa nhận: Việc cấp phép lập kiốt bít kín bờ kè dọc sông Bằng là có thật. Nhưng cấp phép trong bao lâu, nhân sự kiện gì, bao giờ thì phải tháo ra trả lại cảnh quan? - trong quy định quản lý vỉa hè và không gian đô thị đều có cả. Vậy, câu hỏi đặt ra là, người ta đã nghĩ gì khi đồng ý cho thực thi “dự án” làm rầu lòng lương dân đó? 

Dòng chữ Chào mừng Thành phố Cao Bằng vẫn còn nguyên trong khi ngôi chợ với các sự gia cố làm xấu mỹ quan thành phố và gây ức chế lớn trong cộng đồng tiểu thương.

“Bóc lột” người buôn bán nghèo đến tận cùng

Chúng tôi sẽ không quy kết điều gì, cho đến khi có một cuộc thanh kiểm tra, điều tra minh bạch những tố cáo của đông đảo tiểu thương.

Nhưng, một cán bộ xin giấu tên, người am hiểu “nằm trong chăn” với các hoạt động của khu vực Chợ Xanh Cao Bằng đã nhấn mạnh: Tôi phải gọi đó là sự bóc lột tiểu thương. Ông nói đại ý: Tôi không sợ, sợ thì tôi đã không trao đổi với nhà báo những gì tôi đã nói từ nãy đến giờ. Nhưng tôi còn đương chức ở chính cái thành phố này. Bà con kêu kiện đến mức tôi rất xót xa.

Vả lại, “họ” hay có các hành động “hăm dọa” (kiểu xã hội đen) với những người dám đứng lên tố cáo. Họ đã làm sai, làm vì lợi ích nhóm, làm không minh bạch. Tôi biết rõ, BQL trước đây của chợ, đã có thời họ đưa các chỗ ngồi ở Chợ Xanh ra đấu thầu công khai, bốc thăm, ai trúng thì đi nộp tiền ở kho bạc, có phiếu nộp tiền thì ký hợp đồng ngồi bán hàng theo đúng các quy định về an toàn, chống cháy nổ, đảm bảo môi trường cảnh quan sạch đẹp. Thế là xong. 

Nhưng, theo cán bộ trên, BQL chợ hiện nay đã “làm láo” nên mới xảy ra các chuyện ầm ĩ như lúc này. Vì sao họ làm như vậy, “là do các mánh để moi tiền” nó chi phối hành động. Xây dựng cái gì thì họ nói là thuê nhà thầu thi công, trả tiền đơn vị xây dựng 1 đồng thì họ nói là đã trả 10 đồng, tiểu thương nộp tiền vào.

Chỗ ngồi thì “bán” cho người có nhiều tiền hơn, rồi các người đó tiếp tục bán lại kiếm lời, tiểu thương hàng chục năm ngồi chỗ “đẹp” thì bị đẩy đi ra xó xỉnh, ra chỗ bãi rác, bãi gửi xe hoặc thậm chí không có chỗ “dung thân”. Người buôn bán nghèo phải lo tiền để thuê, mua lại chỗ ngồi từ tay những người “đầu cơ”.

Trong đơn kiến nghị của của bà Nguyễn Thị Quý, tổ 22, phường Sông Bằng, có đoạn: “Đây là lá đơn cuối cùng tôi kiến nghị, sau nhiều lần đơn thư không được hồi âm giải quyết”. Chúng tôi đã phỏng vấn nhiều tiểu thương, già có, trẻ có, nhưng chưa có dịp gặp bà Quý.

Tuy nhiên, dường như “lá đơn cuối cùng” của bà gửi kèm cả nước mắt và sự tủi cực cay đắng: “Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên tôi ra Chợ Xanh bán trái cây được 12 năm rồi, gần đây BQL chợ có lợp mái cho bờ kè và bán chỗ cho tiểu thương. Tôi có làm đơn mua nhưng được trả lời là hết chỗ, trong khi đó, những hộ khác vẫn mua được chỗ trong chợ và vẫn được cấp mỗi người 2-3 ô ở bờ kè.

Còn chỗ tôi đang ngồi, họ thu lại và bán cho người khác để họ mua đi bán lại kiếm lời. Hiện giờ tôi phải đi thuê chỗ ngồi để bán hàng với giá cắt cổ, nhưng vẫn không ổn định, nay họ đuổi, mai họ lại tăng giá. Tôi không biết làm gì để có thể lo được tiền nuôi gia đình bây giờ”.

Oái oăm không kém là số phận của tiểu thương Hà Thị Luyến, từ Thái Nguyên lên Cao Bằng kinh doanh đã 10 năm ở khu vực Chợ Xanh. Luyến gặp chúng tôi và khóc vì không còn con đường nào để “trụ lại” ở nơi mà mình đã quen sới làm ăn từ một thập niên trước.

Đơn kêu cứu của Luyến viết: “Hiện gia đình tôi quá khó khăn, vì chỗ ngồi của tôi ở khu vực bờ kè Chợ Xanh đã bị BQL chợ thu hồi và bán cho người khác. Họ cướp trắng chỗ kinh doanh của tôi. Giờ tôi phải đi thuê chỗ bán hàng với giá cao 3 triệu đồng/tháng, trong khi tôi vẫn phải đóng lệ phí cho BQL chợ mỗi ngày 10 nghìn đồng nữa. Nhiều hộ khác họ có tới 4-5 chỗ ngồi đứng tên nhiều người khác nhau. Tôi vì không có 30 triệu đồng đút lót cho ông (...) nên đành không có chỗ ngồi”.

Trong đơn, chị Luyến cho dùng cụm từ “tiểu thương nghèo”, “hết đường sinh sống” rồi khẳng định “còn rất nhiều người bị mất chỗ ngồi mà không biết kêu ai, họ viết rất nhiều đơn thư nhưng không được giải quyết”. Trong các cuộc gặp với chúng tôi, những người có đơn thư và cả những người không dám có đơn thư, đã cung cấp nhiều tài liệu đáng bất bình. Nhiều nội dung chưa kiểm chứng đầy đủ, chúng tôi chưa tiện trích dẫn ở đây. 

Cảnh bắn tôn, lập ki ốt bán chỗ ngồi, bít cả cầu thang lối đi xuống sông.

Chị Phạm Thị Thủy, số nhà 27, tổ 24, phường Hợp Giang, thì gặp hoàn cảnh éo le hơn nhiều. Gặp và trao đổi với chúng tôi nhiều lần, chị cho biết, mình kiến nghị thẳng thắn nên bị “trù dập”, “trả vố” bằng nhiều cách hết sức tinh vi. Đơn chị viết, đại ý: Tôi kinh doanh ở Chợ Xanh đã nhiều năm (...).

Gần đây, vì phải về quê lo ma chay cho bà mình, khi trở lên thì anh T., đội quản lý Chợ Xanh bảo là ô số 173 mà tôi kinh doanh đã bị thu hồi. Trước khi gặp anh ta, tôi không được một ai thông báo điều đó. Đến khi gặp Trưởng BQL, họ bảo cứ thuê tạm ở ngoài, bao giờ có chỗ hợp lý sẽ sắp xếp “bù” vào.

Trong khi nhiều người có đến 6 ô bán hàng (mang tên khác ngụy trang), thì BQL cứ “hứa hão” với chị Thủy sau khi thu hồi chỗ của chị. Cực chẳng đã, sau cả năm chờ đợi, chị Thủy kiến nghị, họ bảo: Chỗ nào trống thì ngồi. Vợ chồng chị Thủy đành phải dọn khu đất trống gần một bãi rác lớn để ngồi bán hàng tạm bợ. 

Chưa hết, đến tháng 11 năm 2016, BQL chợ lại dồn vợ chồng chị đi chỗ khác để lấy cái bãi mới dọn kia bán cho người khác. Cái người “thầu” lại chỗ của Thủy tất nhiên là để kiếm lời. “Vì không có 15 triệu đồng tiền bồi dưỡng (...)”, nên đơn cứ bị trả lời là “xếp sau nên chưa đến lượt”, khiến Thủy phải mua lại chỗ mình đã dọn dẹp sửa sang và đang ngồi bán hoa quả!

Thậm chí chị đang ngồi thì một tiểu thương khác cho biết, chỗ Thủy ngồi, BQL đã bán cho một tiểu thương khác (người này đứng ra mua từ BQL để “thầu lại”), người này ra giá với chị Thủy: Họ “bán lại cho Thủy” với giá 40 triệu đồng/suất. Và chị Thủy phải phải mua 2 suất mới đủ rộng để hai vợ chồng kinh doanh hoa quả. Chưa hết, đi vay tá hỏa khắp nơi đủ số tiền 80 triệu đồng, thì bỗng dưng “bà thầu” đánh tháo không bán nữa, lý do là có người khác trả giá cao hơn!

Với những tình tiết trên, nếu nó là sự thật thì quá ư tàn nhẫn và coi thường luật pháp. Đơn chị Thủy lại kèm theo tiếng thở dài: Mẹ ốm đau, nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, “tôi bị dồn đến bước đường cùng”, chỉ mong cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc. Chị đã bị “đuổi” khỏi chỗ ngồi của mình đến 3 lần, nhưng giờ vẫn chưa yên, muốn bỏ ngót trăm triệu đồng ra để được ngồi chỗ cũ mà cũng không được. Điện để làm mát hoa quả phục vụ kinh doanh thì liên tục bị cắt, có khi giữa đêm người ta cắt bụp rồi lên gặp thì to tiếng áp đảo.

“Thử hỏi, bờ kè mênh mông ấy có bao nhiêu ô bán hàng, cứ bỏ rẻ mỗi ô giá 20 triệu đồng, thì tổng số là bao nhiêu và tiền ấy đi đâu?”, đơn của Thủy dừng lại và câu hỏi rất có ý nghĩa này. Dường như câu “chất vấn cay xót” kia đã đặt gánh nặng lên cơ quan thanh tra, điều tra và yêu cầu đi tìm câu trả lời.

Để nhà báo và cơ quan hữu trách cảm thấy yên tâm hơn với tố cáo của mình, chị Thủy đã ký đơn, kèm số điện thoại của mình và có gần 10 người tình nguyện làm chứng, ký vào bên cạnh (kèm số điện thoại) nữa.

“Tôi đã phải đến nhà anh T nhiều lần nhưng phong bì của tôi mỏng”, “tháng 9 năm 2016 họ đưa nhóm người theo kiểu xã hội đen đến dọa nạt tôi”, “xin pháp luật mở một cuộc điều tra khách quan để dân lành đỡ khổ”, cán bộ thu hai sọt măng cụt trị giá ba triệu của tôi và “chia nhau ăn hết”. Nếu sự thật là như vậy, có lẽ lời của tiểu thương đã đủ nói rằng: chúng t phải làm gì bây giờ. 

Những cảnh nhếch nhác không thể tưởng tượng nổi của chợ trung tâm thành phố tỉnh lỵ Cao Bằng.

Cần đấu thầu minh bạch, UBND tỉnh Cao Bằng cần tổ chức đối thoại

Khi viết những dòng này, chúng tôi lại nhận được đơn kêu cứu của bà Nông Thị Phỏn, số nhà 229, tổ 24, phường Hợp Giang, bà này thừa nhận mình có 5 ô bán hàng ở khu vực Chợ Xanh kể trên, “hai ô đứng tên con gái Vũ Thu Hiền, ba ô tôi mua lại của các hộ kinh doanh trước”.

Vậy là, việc mua bán công khai rầm rộ đúng như bà con tố cáo. Chưa hết, khi chồng bà Phỏn chết, bà nghỉ một thời gian lo tang ma, đến lúc trở lại chợ thì BQL đã thu hồi cả 5 ô của bà với lý do “không biết để mục đích gì” như bà viết. “Với tôi đó là cả tài sản để nuôi sống bản thân và các con tôi”.

BQL dự định sẽ cắm cho bà Phỏn các ô khác nhau ở tầng 1 và tầng 2 của chợ. Đúng như “âm mưu” của người ta, đúng như dự đoán, các ô người ta muốn cắm cho bà Nông Thị Phỏn nó nằm ở “góc khuất không kinh doanh được” như bà kêu cứu trong đơn. Vả lại, chồng bà chết rồi, gia đình không thể có đủ người chia ra để kinh doanh ở các vị trí khác nhau, mà họ cần diện tích rộng ở một vị trí như trước đây để phục hồi việc buôn bán.

Khi BQL đơn phương không “bán chỗ” cho bà Phỏn nữa, thì đúng như bà viết đơn kêu cứu “tôi vẫn ngồi chỗ của tôi, nhưng là ngồi bất hợp pháp, không biết ngày mai sẽ ra sao và có còn được ngồi bán hàng không?”. Có lẽ, với các tình tiết trên, đã đủ để người ta thấy rõ các toan tính đuổi người kinh doanh chân chính ra khỏi chỗ ngồi đẹp vốn có của họ để đẩy họ vào chỗ khuất, bán chỗ đẹp cho “người đầu cơ” rồi thi nhau kiếm lời?!

Một lãnh đạo am hiểu tình hình này đã nhấn mạnh: Vấn đề là cần minh bạch và dân chủ, cứ đấu giá, bốc thăm, bán chỗ theo quy định, nộp tiền vào kho bạc như trước đây BQL chợ vẫn làm. Thế là xong. Nhưng vấn đề là, nếu làm minh bạch thế, thì làm gì có chuyện phong bì đến nhà cán bộ như đơn thư tố cáo, làm gì có chuyện bán trao tay hàng trăm triệu một chỗ ngồi bé xíu như các cuộc ghi âm ngã giá mà phóng viên thu thập được hiện nay.

Chung quy, góc khuất tối màu của khu chợ mang tên màu Xanh, cả sự cơi nới nhếch nhác phá vỡ không gian tuyệt mỹ của sông Bằng, suối Củn và cầu Sông Bằng, khách sạn Bằng Giang kia, cũng là vì... sự sấp mặt với tiền. Đã đến lúc, UBND tỉnh Cao Bằng cần phải sớm vào cuộc, xử lý minh bạch và dứt khoát những “gam màu tối” tai tiếng ở Chợ Xanh này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn