MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dãy xe ô tô đậu san sát ven chợ chim.

Choáng váng ở “siêu thị chim trời”

Thái Bình - nhamhonghac@gmail.com LDO | 23/08/2015 07:09
Bảy Sang - bếp trưởng của một nhà hàng đặc sản gần “siêu thị chim trời” nằm ven Quốc lộ 62, đoạn đi qua thị trấn Thạnh Hóa (Long An) được giới sành điệu đánh giá là ngôi chợ chuyên bán chim hoang dã lớn bậc nhất miền Tây Nam bộ - là khách hàng quen thuộc của các chủ vựa chim.

Thấy chúng tôi tỏ ý ngạc nhiên khi ở chợ này, nhiều loài chim hoang dã, quí hiếm đang được bán công khai, Bảy Sang thừa nhận chuyện đó và cho biết, trong số hàng ngàn con chim được vặt lông, đưa lên lò than để thui, quay mỗi ngày, có nhiều loại nằm trong danh mục được bảo vệ, cấm buôn bán thương mại.

Trên trời, dưới… chim

Chưa đến mùa nước nổi, nhưng các loại chim hoang dã như cu đất, cu gáy, le le, cò, vạc, ri, sẻ, dồng dộc… đã tràn ngập các quầy hàng nằm san sát trong “siêu thị chim trời”. Về nguồn gốc của các loại hàng đặc biệt này, Tư Thống - chàng thanh niên có dáng mập lẳn, da đen như củ súng - là phụ bếp của Bảy Sang, được “đại ca” phái đi làm “hướng dẫn viên” theo đề nghị của chúng tôi, tường tận như trong lòng bàn tay: “Trước đây, việc săn chim trời thường rộ vào mùa lũ. Thời gian này, các loài chim trên đường di cư kiếm mồi nên thợ săn hay bẫy được số lượng lớn, thịt lại béo. Nhưng bây giờ, với nhiều dụng cụ đánh bắt kiểu mới, người ta săn chim quanh năm. Ở miền Tây, thợ săn chim thường đi đặt bẫy, bắt và bán lại cho thương lái. Le le, cu gáy, cu đất ở đây có giá từ 20.000 - 50.000 đồng/con; cò, vạc, cúm núm chừng 40.000 đồng/con. Riêng hàng cao cấp như vịt trời, gà nước, cò đỏ, cổ rắn, cồng cộc, mỗi loài có giá khác nhau, từ 180.000 - trên 500.000 đồng/kg…”.

Theo Tư Thống, khách sộp của “siêu thị chim trời” Thạnh Hóa thường là đàn ông vì người ta quan niệm, thịt của chúng có tác dụng tư bổ, dưỡng vị, bổ thận, sung dương, “ông ăn, bà khen hay”. “Ngon, bổ nhất vẫn là vịt trời. Loài này là giống quý, thịt chắc, thơm, ngon, ngọt, mềm và đặc biệt là không có mùi hôi. Do sống dưới nước, nên các món ăn chế biến từ vịt trời có vị ngọt, tính hàn, ăn vào sẽ bổ kinh phế, tỳ, thận, có tác dụng trừ nhiệt trong xương, tiêu thủy thũng, chỉ kiết nhiệt, trị ho hóa đàm. Đại ca Bảy Sang của em nổi tiếng khắp vùng vì tài chế biến các món vịt trời quay, hấp, nướng, lẩu… Mỗi ngày, ổng vặt cỗ dễ đến cả trăm con để phục vụ thực khách…”, Tư Thống tỏ vẻ sành sỏi.

 

 Giới thiệu chim cho “thượng đế”.

Theo chân Tư Thống rảo một vòng, ngó nghiêng khắp mấy chục quầy bán chim trời, chúng tôi như phát ngốt vì cái cảnh “trên trời, dưới chim” chưa từng được chứng kiến trong đời. Mỗi quầy, ít thì vài chục, nhiều thì hàng trăm con chim lớn nhỏ với nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau bị nhốt lặc lè trong các lồng đặt trên nền đất hoặc treo trên xà gác chờ khách mua. Dưới các xâu chim treo lủng lẳng khắp nơi là vật dụng phục vụ cho việc làm lông, thui, quay tại chỗ. Khoảnh đất phía sau mỗi quầy đều chất đống lông chim cùng những chiếc lồng loại nhỏ dành cho những người muốn mua chim còn sống mang về. Mà không chỉ chim thịt, chợ cũng có nhiều quầy chuyên bán chim cảnh, nhiều nhất là sáo đất, yến phụng, nhồng yến, cu cườm....

Sải bước ngang qua quầy chim ở phía cuối chợ, chúng tôi bắt gặp hai lồng lớn, bên trong mỗi chiếc chứa gần chục con chim có bộ lông màu nâu sẫm, cổ dài và mảnh dẻ, trông rất lạ mắt. Năm Sáng - chủ quầy, năm nay chừng 40 tuổi - cười thân thiện cho biết, đó là loài điêng điểng, cùng họ với bồ nông. “Hàng hiếm đó! Loài chim này thường sống các vùng đất ngập nước, trước đây rất sẵn, còn bây giờ lâu lâu mới gặp. Các chú mua, tui bán rẻ 450.000 đồng/con…”, Năm Sáng mời chào. Mở máy điện thoại, vào mạng tìm thông tin về loài chim này, thấy nằm trong “Sách Đỏ” cần bảo vệ, chúng tôi hỏi Năm Sáng: “Anh có biết đây là loài cấm săn bắt hay không?” thì nhận được câu trả lời tỉnh queo: “Tui đâu có săn bắt. Người ta mang đến bán thì tui mua, bán lại cho khách kiếm chút đỉnh thôi mà…”. Lại hỏi: “Luật cấm cả việc mua bán loài chim này. Biết vậy, anh có “ngại” không?”. Đáp: “Thì người ta vẫn mua bán như thường, đâu phải mình tui?”.

 

Một chủ quầy đang dùng mỏ khò thui sống chim để bán cho khách. 

Vô tư “thảm sát”

Dù “siêu thị chim trời” Thạnh Hóa chỉ gồm những chiếc lán lợp lá dừa nước đơn sơ, nhưng với vị trí thuận lợi, nằm sát bên Quốc lộ 62, nên luôn tấp nập người vào mua hàng từ sáng đến chiều. Có thể thấy rõ điều này qua từng dãy ôtô, xe gắn máy đậu san sát ven đường, nơi chợ chim tọa lạc. Gần 3 giờ đồng hồ lưu lại ngôi chợ “có một không hai” này, chúng tôi phát hiện, nét đặc trưng ở đây là các cuộc mua bán, trả giá thường rất nhanh chóng, cả khách lẫn chủ đều tỏ ra vui vẻ vì người kiếm được tiền lãi, người săn được mồi ngon.

“Thời buổi bây giờ, kiếm được con gà con vịt nuôi tự nhiên rất khó, huống hồ chim trời. Đó là lý do mỗi lần có công chuyện về Long An, tui lại táp vô chợ chim, làm mấy ký về rủ bạn bè nhậu chơi…”, anh Trương Văn Hoàng (đến từ quận 1, TP.Hồ Chí Minh) nói, sau cái chép miệng đầy cảm xúc, “nhưng trước khi về, thế nào tui cũng phải ghé nhà hàng quen gần đây làm mấy món nướng, xào, hấp được chế biến từ le le, vịt trời. Chao ơi, siêu ngon!...”.

Mang theo dư vị của câu cảm thán hết sức sảng khoái của anh Hoàng, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu cách thức người ta “thảm sát” chim trời để bán cho khách mua. Tại một quầy phía giữa “siêu thị chim trời”, chúng tôi được “thực mục sở thị” cảnh một cặp cò khá lớn bị “hành quyết”. Sau khi khách đặt hàng, người bán dùng tay thò vào lồng, chịt cổ lôi chúng ra, dùng lạt buộc chặt hai chân. Mặc chúng giãy giụa, tay “đồ tể” dùng chân giẫm đè lên cánh rồi vặt lông sống, khiến máu từ khắp thân thể đang run rẩy, tím tái tứa ra đầm đìa (theo lời chủ quầy, bí quyết “man rợ” này giúp thịt cò đậm và thơm hơn - PV). Vặt lông xong, một chiếc bình ga mini cùng mỏ khò được sử dụng để thui sống. Đôi cò bị trói chân, ghìm cổ giãy giụa dưới ánh lửa xanh lét của mỏ khò, kêu lên đau đớn rồi lịm dần…

“Nhà tui chỉ có một công đất, không làm nghề này thì lấy tiền đâu mà nuôi 6 miệng ăn?”, chủ quầy - một người đàn ông có vóc dáng nhỏ thó - vặn ngược lại khi chúng tôi gợi ý, “làm nghề “sát thủ chim trời” không sợ bị “lương tâm cắn rứt” hay sao? Anh ta còn tiết lộ rằng, bản thân trước đây cũng là tay săn chim lão luyện, một thời từng ngang dọc khắp các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng. Bây giờ làm nghề buôn bán chim trời, bốn đứa con một buổi đi học, một buổi theo mẹ vặt lông, mổ chim bán cho khách. Cứ thế, nhờ tiêu thụ hàng trăm con chim các loại mỗi ngày, nghề buôn bán chim trời đã giúp gia đình “sống khỏe”.

Rời “siêu thị chim trời” Thạnh Hóa - địa ngục của các loài chim nhưng lại là thiên đường của những thợ săn lão luyện và các chủ vựa - để trở về thành phố, chúng tôi ước tính, mỗi ngày, có đến hàng ngàn con chim hoang dã bỗng chốc bị hóa kiếp trở thành những con chim quay béo ngậy trên bàn nhậu trong các nhà hàng. Lộc trời đang bị tận hưởng, những đàn chim trời đang bị tận diệt, trong khi thiếu vắng” hành động có trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Nếu cứ để tình trạng săn bắt, mua bán chim bừa bãi như thế này thì mai đây, liệu những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở miền Tây Nam bộ có còn chim về trú ngụ?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn