MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai (bên phải) - đang tham gia hỗ trợ pháp lý. Ảnh: PV

Cty Zamil Steel Việt Nam: Phải bồi thường vì cho người lao động nghỉ việc trái luật

HÀ ANH CHIẾN LDO | 10/07/2018 06:35

TAND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) vừa xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp lao động giữa nguyên đơn là ông Pablo Rosario Rostata (quốc tịch Philippines, ngụ tại TPHCM) và bị đơn là Cty Zamil Steel Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) và tuyên buộc Cty phải bồi thường cho NLĐ hơn 167 triệu đồng vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật.

Năm 2005, ông Pablo và Cty Zamil Steel Việt Nam có ký HĐLĐ xác định thời hạn 3 năm với công việc là giám sát xây dựng, mức lương 1.200 USD/tháng cộng thêm 300 USD/tháng tiền phụ cấp nhà ở. Sau khi hợp đồng trên hết hạn, Cty đã ký tiếp với ông Pablo một HĐLĐ xác định thời hạn trong 3 năm nữa.

Công việc của ông phụ trách quản lý, điều hành dự án với mức lương 1.950 USD/tháng, sau đó mức lương được nâng lên 2.100 USD/tháng. Ngoài ra, ông còn được nhận tiền phụ cấp nhà ở 525 USD/tháng, chi phí sinh hoạt 250 USD/tháng.

Nhưng bất ngờ, đầu tháng 10.2009, ông Pablo nhận được quyết định cho thôi việc, lý do là “ông Pablo không có giấy phép lao động cho NLĐ là người nước ngoài, không sẵn lòng làm việc mới được giao, gây ra không khí làm việc không tốt trong văn phòng”.

Ông Pablo cho rằng, việc Cty ra quyết định cho thôi việc trên là trái pháp luật nên ông đã tìm tới Trung tâm Tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh Đồng Nai để nhờ hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.

Tại đây, ông đã được Trung tâm Tư vấn pháp luật hỗ trợ các thủ tục để tiến hành khởi kiện Cty ra tòa, yêu cầu Cty phải bồi thường các khoản: Tiền lương trong những ngày không làm việc, bồi thường 2 tháng tiền lương, trợ cấp thôi việc.

Sau đó, ông Pablo tiếp tục có đơn yêu cầu bồi thường bổ sung về tiền nâng lương hằng năm, lãi chậm trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền vé máy bay, tiền phép năm, tiền thưởng hằng năm…

Tại phiên tòa, ông Pablo vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị tòa buộc Cty phải bồi thường cho NLĐ các khoản nêu trên theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ hồ sơ và theo dõi phần tranh luận giữa các bên, tòa quyết định chấp nhận một phần nội dung đơn khởi kiện của ông Pablo và yêu cầu phía bị đơn là Cty phải bồi thường cho NLĐ với tổng số tiền 68.472 USD (tiền những ngày không được làm việc, bồi thường 2 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, vé máy bay, tiền trợ cấp…).

Tuy nhiên, do trước đây Cty đã thanh toán cho ông Pablo số tiền 60.450 USD nên giờ đây Cty chỉ phải thanh toán hơn 8.000 USD (tính ra tiền Việt Nam là hơn 167 triệu đồng). Ngoài ra, tòa không chấp nhận các khoản còn lại của ông Pablo vì cho rằng không có cơ sở xem xét.

Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, trong thời gian vừa qua, điểm nhấn trong công tác đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên (ĐV) và NLĐ là hoạt động tư vấn hỗ trợ pháp luật thông qua hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh, văn phòng tư vấn pháp luật ở cấp huyện và các điểm hỗ trợ công nhân tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ; hỗ trợ pháp lý cho hơn 6.000 NLĐ được bồi thường với số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Hoạt động tư vấn hỗ trợ pháp luật cho ĐV và NLĐ đã khẳng định vai trò của tổ chức CĐ với phương châm gần gũi, sâu sát, sẵn sàng phục vụ của đội ngũ luật sư, tư vấn viên và cán bộ CĐ các cấp đã xây dựng được lòng tin vững chắc của ĐV và NLĐ vào tổ chức CĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn