MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện ở xứ sở đèn dầu

PHÓNG SỰ ẢNH CỦA DƯƠNG QUỐC BÌNH LDO | 29/08/2015 11:42
Cách đây chừng hơn 20 năm thôi, khi điện thoại di động còn chưa xuất hiện, máy vi tính còn là của hiếm, lác đác vài gia đình lắp được cái máy để bàn. Tôi vẫn nhớ, khi ấy, nhu cầu giải trí chỉ loanh quanh bên chiếc TV đen trắng với vài tờ sách báo. Ấy vậy mà mỗi khi mất điện, cả khu phố lại nháo nhào thở than, phe phẩy thao thức trong bóng tối cùng những chiếc quạt giấy giữa đêm hè oi ả. Âu cũng là thói quen.

 

Vật lộn, rung lắc, trầy trật gần 2 tiếng đồng hồ với chiếc xe Zin 3 cầu già cỗi, tôi đến được trụ sở thôn Đô Quăn. Sáu chiếc quạt trần cùng 4 chiếc bóng đèn chưa từng một lần được thực hiện chức năng của chúng, dù đã được lắp cách đây hơn 5 năm. Bởi nơi này chưa bao giờ có điện. 

 

Bình quân thu nhập đầu người của cư dân trong thôn chỉ khoảng 100.000 đồng/ tháng. Vào mùa nước lũ, không biết em nhỏ này có đi học nổi không?! 
 

Bà ấy tên là Phú. “Phú” nghĩa là “giầu”. Hẳn xưa kia bố mẹ đặt cái tên ấy cho bà, những mong bà thoát khỏi cái cảnh lầm than cô quạnh chốn núi rừng; nhưng cuộc đời bà như một sự cợt nhả đối với mong ước đó. Đẻ 3 đứa con đều trong cơ cực, thiếu thốn trăm bề. Đến nay, đời bà chưa bao giờ giàu có.

 

Thế rồi xuất hiện 1 sự kiện làm khuấy động hơn 300 mảnh đời âm thầm ấy. Huyện đoàn Ngọc Lặc và Quỹ từ thiện Trái tim Lam Sơn (thành lập bởi các cựu học sinh Trường chuyên Lam Sơn khóa 1991-1995) đã cùng đồng hành vượt qua con đường đau khổ để hòa nhịp đập với bao cảnh đời vất vả, chia sẻ khó khăn cùng những em nhỏ tuổi đời còn ít ỏi mà ngày ngày đã phải vượt qua bao khổ ải để đến trường. Những món quà nhỏ gửi gắm nhiều tâm tư như gieo niềm tin vào những cuộc đời nơi đây. Họ bảo nhau, chưa bao giờ bản làng vui như hôm nay. Những món đồ vật chất giúp cuộc sống của họ nhẹ nhàng hơn chút ít, nhưng được cảm nhận sự ấm áp tình thân từ những người xa lạ mới thật là điều kỳ diệu. Như nhà văn Mark Twain đã từng nói, lòng tốt là thứ ngôn ngữ người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy.

 

 

Đèn dầu xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ 19, đến nay tưởng chừng như chúng không còn tồn tại trong đời sống hiện tại của người Việt. Nhưng chúng vẫn có mặt hữu dụng ở nơi đây, trong đêm, như cả trăm năm trước.

Cây đèn này của gia đình 2 vợ chồng trẻ. Họ đã có 1 đứa con và người vợ hiện đang mang trong bụng cái thai 5 tháng. Nhưng hai vợ chồng vẫn vượt rừng đi xa nhà hàng ngàn cây số để làm thuê, với mức lương gần 4 triệu đồng/người/tháng. Họ gửi con trai đầu lòng ở nhà cho cha chăm sóc, hằng tháng gửi về cho 2 ông cháu 1 triệu đồng. Hai ông cháu sống với nhau trong căn nhà sàn mái tranh nhỏ này, có thêm ngọn đèn dầu sớm khuya bè bạn.

 

Rồi hôm nay, tôi lại thấy, vẫn còn có những thế hệ nối tiếp tồn tại trong bóng tối. Hai thôn Đô Sơn và Đô Quăn (xã Thạch Lập, Ngọc Lặc) trơ trọi giữa vùng rừng núi phía tây xứ Thanh. Dù chỉ cách đường Hồ Chí Minh chưa đến 15 cây số nhưng đường lên bản dốc ngược thăm thẳm, là nỗi kinh hãi với những người khách lạ, và đó là nguyên nhân chính ngăn cách người dân nơi đây với thế giới xung quanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn