MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Xuân Niệm (thứ 2 phải sang) hướng dẫn đoàn công tác JETRO tham quan nhà thùng nước mắm Phú Quốc. Ảnh: P.V

Chuyện về người Huế nói tiếng Anh

Lục Tùng LDO | 21/05/2017 06:29
Vừa thấy Thanh, chủ nhà thùng Kim Hoa - thương hiệu nước mắm nổi tiếng Phú Quốc - bước vào, anh Niệm, trong vai MC buổi toạ đàm về nước mắm Phú Quốc, đùa: “Lâu không gặp, em trẻ hơn chú Bảy (tức ông Phạm Phú Hải, cha của Thanh) đó nhe”. 
Rất nhanh chóng, anh quay sang Sasaki Shingo - nhân viên điều tra thị trường của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) dịch sang tiếng Anh: “He’s younger than his father”. Nghe xong, vị khách người Nhật cười ngặt nghẽo khiến cả hội trường cười theo. Không khí sôi động hẳn lên. TS Nguyễn Xuân Niệm (SN 1964) là vậy đó, không chỉ giỏi trong tiếng Anh, mà còn rất tinh tế, giỏi ứng xử bằng ngôn ngữ này.

“Đại sứ” nước mắm

Trận cười bất ngờ đến từ sự bông đùa đúng lúc của TS Niệm với tư cách là chủ tọa buổi tọa đàm, không chỉ xua cái không khí ngột ngạt của sự dè chừng từ những chủ nhà thùng nước mắm Phú Quốc (NMPQ) với “người nước ngoài” trong những ngày nước mắm truyền thống bị truyền thông “xuyên tạc”... mà còn như chiếc “cầu nối” đưa buổi tọa đàm giữa JETRO với Hiệp hội NMPQ trở nên thân thiện và thành công vượt mong đợi. Từ chỗ cẩn trọng trong từng lời ăn, tiếng nói, thậm chí dè dặt trao cho nhau những trang tài liệu, tấm danh thiếp..., không khí buổi tọa đàm đã trở nên chan hòa, rồi đầy ắp tiếng cười. Và từ chỗ còn “giữ miếng” như dân nhà võ giữ đòn hiểm, nhiều nhà thùng đã chia sẻ đến tận ruột gan.

Với khả năng pha trò bằng tiếng Anh, TS Niệm còn gợi mở cho phía JETRO tự tin đặt ra nhiều câu hỏi “đi vào lòng” nhà thùng, như: Cũng làm từ cá và muối, nhưng vì sao NMPQ lại có được màu cánh gián đặc trưng?... Chính điều này đã khiến các chủ nhà thùng sẵn sàng “trải lòng”. Bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hiệp hội NMPQ - “phát pháo”: “Sau ướp với tỉ lệ 3 cá - 1 muối, trong đó muối phải nhất thiết được sản xuất ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã lưu kho từ 2 tháng trở lên để “giải phóng” hết các tạp chất... cá được đưa vào thùng gỗ được chế tác từ loại cây đặc hữu Phú Quốc, như: Bời lời, vên vên, trai, hộ phát... để lên men tự nhiên 12 đến 18 tháng trước khi thu hoạch”. 

Tiếp đó lần lượt đại diện các nhà thùng Hưng Thịnh, Thanh Quốc, Thanh Hà... thay nhau chia sẻ kinh nghiệm và đưa đoàn về nhà thùng của mình tham quan. Phía đại diện JETRO cũng vậy. Từ chỗ đến với NMPQ vì thấy tần suất xuất hiện cao trên công cụ tìm kiếm toàn cầu, sau khi trực tiếp lắng nghe chia sẻ từ chủ nhà thùng... ngài Sasaki Shingo đã hối đồng nghiệp người Việt của mình là Đặng Thị Ngọc Sương xin được đi tham quan nhà thùng (cơ sở ủ, chượp nước mắm) sớm hơn kế hoạch 1 ngày. Lý do được đưa ra là vì nghe... hấp dẫn. Chị Ong Thị Kim Ngân - đại diện nhà thùng Thanh Hà (Cty TNHH Khai thác hải sản và chế biến nước mắm Thanh Hà) - chủ động lên tiếng mời khách. 

Trong lúc chị Kim Ngân vừa hướng dẫn tham quan nhà thùng, vừa giới thiệu sơ lược quy trình sản xuất, như: Tuân thủ truyền thống, cá cơm tươi được ủ chượp với muối rồi lên men tự nhiên..., ông Shinggo đề xuất được nếm thử NMPQ ngay tại chỗ. Ông nhận xét: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi “mắt thấy, tay sờ” quy trình sản xuất truyền thống độc đáo cho ra sản phẩm tự nhiên có vị đậm đà với mùi thơm đặc trưng và đặc hữu”. Không chỉ nói suông, thay mặt JETRO, ngài Shingo đưa ra cam kết hỗ trợ quảng bá NMPQ trên tạp chí JETRO vào số tháng 4.2017.

Buổi tọa đàm kết thúc tốt đẹp vượt mong đợi. Và dù không ai nói ra, nhưng có lẽ ai cũng hiểu chính TS Niệm là vị “đại sứ” tạo ra thành công này.

Chìa khóa thành công

“Tôi xuất thân từ gia đình nghèo ở Phù Lương, xã Thủy Châu, H.Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế), có được như ngày hôm nay là nhờ... tiếng Anh” - TS Nguyễn Xuân Niệm - PGĐ Sở KHCN tỉnh Kiên Giang - mở đầu buổi trao đổi theo phong cách rất Huế: Trực diện, thẳng thắn, ngắn gọn. Bằng chất giọng “ấm trầm, sâu lắng lạ”, anh đưa tôi ngược dòng thời gian với hành trình mang tên tiếng Anh. Chính vốn tiếng Anh đã đưa anh từ xứ Huế xa xôi, một người không có người đỡ đầu, một người không có một lý lịch ưu tiên, một người không có nhiều thứ cần phải có,… nhưng anh đã đạt được nhiều thành công: Học vị tiến sĩ, điều phối viên cho nhiều dự án nước ngoài, có trên 20 lần xuất ngoại học tập, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Italia, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Hungari, New Zealand, Israel, Pháp, Tây Ban Nha, Philippines...

Năm 2007, Sở Ngoại vụ Kiên Giang có 2 suất đi Seoul và Busan (Hàn Quốc) học 16 ngày về “Khai thác và sử dụng nước ngầm” cho những nước ASEAN, do KOICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Hàn Quốc) tài trợ. Tiêu chuẩn ứng viên nói thông, viết thạo tiếng Anh. Gần hết hạn đăng ký mà vẫn chưa tìm được ứng viên, anh Niệm đăng ký thử và được chọn. Vì bận lo thủ tục giấy tờ nên không kịp xin thị thực ở Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TPHCM. Đến sân bay Seoul, anh không được nhập cảnh. Nhờ có vốn tiếng Anh, TS Niệm đã giải thích để bộ phận chức năng thông cảm cho trường hợp đặc biệt... và anh được chấp nhận.

Không chỉ nói được tiếng Anh dạng “phổ thông”, TS Niệm còn giỏi cả trong lĩnh vực anh không được đào tạo. Tốt nghiệp ngành Trồng trọt, rồi làm TS về côn trùng học, tức toàn ngành “trên bờ” nhưng anh lại được UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc) chọn làm điều phối viên lĩnh vực “dưới nước”. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là nhờ giỏi cả tiếng Anh chuyên ngành thủy-hải sản. Đó là năm 2005, rất tình cờ, vào “giờ chót”, anh được đưa vào danh sách “ứng cử viên” Điều phối viên dự án Điểm trình diễn Rạn san hô và Thảm cỏ biển tại Phú Quốc (Kiên Giang) trong 4 năm (2005-2008). Cuối cùng anh lại là người duy nhất được UNEP “chọn mặt gửi... niềm tin” vì có được sự vượt trội về tiếng Anh.

Riêng với cánh phóng viên có dịp làm việc tại Kiên Giang, thì anh là “cứu tinh” trong những lần làm việc với tổ chức nước ngoài. Điển hình là câu chuyện với TS Jaap Vermeulen - chuyên gia quốc tế về đa dạng sinh học và loài - tại Hội thảo tham vấn “Báo cáo kết quả khảo sát thực địa núi đá vôi Hòn Chông - Hà Tiên và thảo luận các bước tiếp theo trong đề xuất thành lập Khu Bảo tồn núi đá vôi Kiên Lương”, tổ chức ngày 16.11.2015. Không chỉ giúp đỡ trong quá trình tác nghiệp, cuối buổi làm việc, anh còn làm “cầu nối” để nhiều nhà báo thực hiện được nguyện vọng chụp ảnh lưu niệm với vị tiến sĩ có chiều cao “khủng”: 2,18m...

Một mình và tất cả

Vì sao học và làm việc trong bối cảnh tiếng Nga “thịnh hành” nhưng anh lại giỏi tiếng Anh...? TS Niệm nói ngay: “Tất cả cũng nhờ lời dạy của ba tôi”. Năm 1976, sau khi học xong bậc tiểu học tại Trường Tiểu học Thần Phù (Hương Thủy), cuộc sống khó khăn, gia đình anh định cư bên bờ kinh Rọc Bà Ke (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang). Trong hành trang ít ỏi trên đường tha hương của mình, cha anh luôn nhắc 2 món: “Cuốn hộ khẩu và cuốn học bạ. Nhớ lời cha, bất chấp cái nghèo, cái khó... anh quyết tâm đến trường. Ngôi trường đầu tiên khi vào Nam của anh là cấp 2 Cái Sắn. Chàng trai xứ Huế đi hết chặng đường phổ thông và đậu thẳng vào Khoa Trồng trọt (ĐH Cần Thơ, 1983-1987). Đây là thời điểm thịnh vượng của tiếng Nga, nhưng sinh viên Niệm lại quyết định chọn tiếng Anh. 

“Trong một lần dự buổi giảng của GS-TS Võ Tòng Xuân, nghe thầy nói tiếng Anh đã giúp thầy rất nhiều trong học tập và nhất là kết nối với nhiều bạn bè, đồng nghiệp trên thế giới... nên Niệm chọn và lao vào học tiếng Anh” - TS Niệm nhớ lại - “Hồi đó, phong trào tiếng Anh chưa cao, chưa có nhiều cơ sở dạy... và bản thân cũng không có tiền để học nên chủ yếu là tự... học”.

Có thể so với nhiều người Huế khác, Nguyễn Xuân Niệm không phải là người giỏi tiếng Anh với giọng chuẩn, ngữ pháp đúng... nhất, nhưng chính tiếng Anh đã tạo cho anh bệ phóng vững chắc, thành đạt, và làm được rất nhiều việc cho cơ quan, người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn