MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con phà vượt sóng Hàm Luông 1,5 km từ đất liền mới đến được cù lao Đất

Cù lao Đất – nơi đau đẻ cũng phải… nín

Nhật Hồ LDO | 23/09/2015 10:34
Cù lao Đất, rẻo đất nằm thoi loi giữa sông Hàm Luông thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre khó khăn đến mức phụ nữ đau đẻ cũng phải… nín để chờ con nước.

Dòng Mekong đổ về châu thổ Cửu Long chia làm 9 nhánh sông. Những hạt phù sa từ những nhánh sông này tụ lại thành cồn, thành cù lao, thành bãi nằm chơ vơ giữa sông Tiền, sông Hậu, Cổ Chiên, Ba Lai, Hàm Luông… 

Không nhiều người biết rằng, trên những cồn, cù lao ấy, lưu dân Việt bao đời nay luôn vật vã trong cuộc mưu sinh với bao âu lo chồng chất. Như Cù lao Đất, rẻo đất nằm thoi loi giữa sông Hàm Luông thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre khó khăn đến mức phụ nữ đau đẻ cũng phải… nín để chờ con nước.

Nín đẻ… vượt sông 

Từ bên đây - ấp Gồng Lân (xã An Hiệp) nhìn qua Cù lao Đất (ấp An Bình) thấy xanh rì một màu. Thấy tôi nhìn hoài qua bên kia sông, bà Tư Điều, bán tạp hóa gần bến đò bắt chuyện: “Bộ muốn qua bên cù lao hả. Giờ này đò chưa chạy đâu, 2 giờ nữa mới có chuyến đò qua bên bển lận”.

Tôi ngồi đợi. Bà Tư nói bâng quơ: “Bây giờ là hiện đại lắm rồi, hồi trước dân cù lao muốn sang sông phải hùn với nhau, vài người bơi, vài người tát nước vượt sông đi chợ. Chớ một mình làm sao vượt sông được. Hồi đó làm gì có xuồng máy mà đi, bây giờ có phà này là an toàn lắn rồi đó”. Cái chuyện “hồi đó” của bà Tư tưởng lâu lắm, nhưng kỳ thực cách đây chỉ vài năm.

 Không đợi được phà, cả gia đình gần 10 người vượt 1,5 km đường sông bằng chiếc xuồng máy thế này

Ông Ba Tòng, 70 tuổi ngồi đợi phà cùng tôi góp chuyện: “Cù lao Đất bây giờ đã văn minh lắm rồi. Lúc chưa có điện kéo về (năm 2013), đêm đến, cả cù lao gần như chìm trong bóng tối. Nhà nào khá chút thì sắm bình ắc quy gắn bóng đèn nhỏ thắp sáng cho tụi nhỏ học bài, còn lại số đông thắp đèn dầu cho mọi sinh hoạt của mình. Giờ nhớ lại vẫn không hiểu sao lại có thể vượt qua những năm tháng kinh khủng như vậy...”.

Tôi hỏi, "Bên cù lao mình đã có trạm xá chưa?" Ông già nhìn tôi từ đầu đến chân: “Cù lao nhỏ tẹo, chỉ là một ấp thôi. Chú đi cả nước Việt Nam này có ấp nào mà nhà nước xây trạm y tế chưa?”. Nghe ông hỏi vậy, bà Tư cười xòa: “Hồi trước tui cũng bên Cù lao Đất, nhưng sợ cái cảnh bệnh hoạn, đẻ chửa không biết làm sao nên không dám ở nữa, dời qua bên đây mua bán đây nè”.

Thấy tôi tiếp tục ngơ ngác, bà lại giải thích: “Cả ấp chẳng có lấy một bà mụ vườn nào nói chi tới cán bộ y tế. Lúc chuẩn bị sinh thằng Tèo, tôi đau bụng quá, chồng tôi chở đi qua đất liền ở nhà người thân chờ sinh con. Ở nhà người ta đến 5 ngày mà chẳng thấy gì nên quay về. Khi về đến nhà, ngày hôm sau lại đau bụng, báo hại chồng tôi cuống cuồng tìm xuồng ghe vượt sông qua bên đây. May không thôi đẻ rớt luôn rồi”.

Những người dân nơi đây đã quá quen với sóng nước của dòng Hàm Luông, nơi họ phải vượt trên 1,5km đường sông mới qua được bờ bên kia bằng những chiếc xuồng gắn máy đuôi tôm. Sông hình như cũng biết… “thông cảm” với cư dân của mình nên ngày hai bận, con nước đứng yên không chảy xiết, gió cũng chỉ hiu hiu không làm cho con sóng lên cao phủ một màu trắng xóa. Khoảng thời gian ấy đủ để người dân Cù lao Đất bơi xuồng vượt sông.

Không biết dòng sông thương họ, hay mãnh lực của sự sinh tồn buộc họ phải hiểu, phải biết bao giờ thì thủy triều cuồng nộ; lúc nào hiền hòa như một dãi lụa. Bà Tư cho rằng khoảng thời gian hiền hòa đến tĩnh lặng của dòng sông như vậy đủ để phụ nữ… nín đẻ vượt sông. 

 Giờ xuất bến theo quy định, trong khi học sinh chiều tối mới về nên ít em vượt sông theo học cấp cao hơn
Riêng chuyện sinh nở của phụ nữ trên cù lao là cả một vấn đề lớn của của cư dân nơi xứ này. Chính vì vậy, người nào bụng mang dạ chửa gần đến ngày sinh nở phải cuốn gói ra khỏi nhà, vượt sông ở nhờ người thân hay ở lỳ tại Trạm y tế của xã An Hiệp. Có lẽ vậy nên gần 1 thế kỷ nay, kể từ bước chân Việt đặt lên trên mảnh đất cù lao này, chưa có bà bầu nào đẻ rớt.

10 năm không thay đổi dân số

Cù lao Đất có diện tích 220ha, 252 hộ với hơn 1.000 dân sinh sống. Người dân cù lao sống chủ yếu bằng nghề nông: Trồng lúa, mía, nuôi tôm và đánh bắt thủy sản trên sông Hàm Luông. Trước năm 2011, khi con tôm nuôi chưa xuất hiện nơi này, cù lao có diện tích đất trồng lúa khoảng 180ha. Do chưa có bờ bao và nước ngọt khan hiếm nên mỗi năm làm được 1 vụ lúa theo mùa mưa. Đất không được màu mỡ nên năng suất 20 giạ lúa/1 công đất (1.000m2).

Trận lụt năm 2011 khiến người dân không thu hoạch được lúa. Nước mặn tràn trề khắp cù lao nên người dân ngấp nghé thả tôm nuôi. Dù vậy, con tôm sú không làm cho mảnh đất cù lao này thêm vui, bởi trật nhiều hơn trúng. Người nào nuôi giỏi lắm cũng chỉ vài chục triệu đồng/năm/ha. Tính ra không bằng 1.000m2 trồng thanh long bên miệt Tiền Giang.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, 30 tuổi, sống trên đất cù lao từ hồi mới đẻ, than thở: “Năm nào được mùa cũng chỉ có thể đạt năng suất 200kg tôm/1 công đất, năm thất mùa chỉ thu hoạch bình quân chừng 80kg tôm/1 công. Hai năm nay một số người đào ao thả tôm quảng canh cải tiến nhưng cũng không khá hơn”. Bản thân anh Tùng, có 3 ao nuôi tôm, vụ vừa rồi do trời nóng quá nên chỉ lấy được vốn, không lãi được đồng nào. Anh bảo: “Mà ngộ thiệt nghen, con tôm nuôi thất mùa ở dưới sông cũng không có tôm cá gì ráo trọi. Mấy người đi chài lưới trên sông Hàm Luông cũng chỉ đủ ăn thôi”.

Làn sóng nuôi tôm công nghiệp không làm cho đất cù lao giàu lên, bởi theo ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng ấp An Bình, xã An Hiệp, muốn nuôi tôm công nghiệp thành công phải có vốn, kỹ thuật và hệ thống thủy lợi. Tất cả ba điều này gần như quá xa vời đối với Cù lao Đất. Theo Phòng NNPTNT huyện Mỏ Cày, Cù lao Đất là địa điểm sạt lở nhiều nhất mỗi khi đến mùa mưa bão. Năm nào cũng sạt lở ở hai bên mạn sườn và đầu cù lao. Năm vừa rồi “hà bá” đã nuốt chửng trên 500m2 đất sản xuất, nuốt luôn 4 căn nhà của người dân nơi đây.
Dân cù lao Đất có thêm nghề chày lưới, nhưng cá tôm ngày càng ít nên thu nhập cuaer họ cũng vơi dần 

Cuộc mưu sinh khó khăn, có lẽ vì vậy mà đã 10 năm nay trên mảnh đất cù lao này, dân số chỉ dừng lại trên 1.000, dù gia đình nào cũng có đến 5 -7 người con. Ông Trung, Trưởng ấp An Bình nhận xét: “Ở cù lao này tìm việc khó lắm nên rất nhiều thanh niên đi làm công nhân ở Bến Tre, Tiền Giang, Long An hết. Các cô gái lớn lên hầu hết muốn lấy chồng bên đất liền nên dân số nó không tăng là vậy”.

40 năm nữa, cả cù lao sẽ… chìm trong nước

Chuyện học hành của trẻ em vô cùng khó khăn. Toàn xã chỉ có một ngôi trường tiểu học, 2 lớp mẫu giáo. Học xong cấp 1 muốn tiếp tục học THCS phải vượt sông 1,5km bằng con phà vào đất liền để đến trường. Phà chạy có giờ giấc, đến 5 giờ chiều là phà đã nghỉ, mà các em tan học về đến đây đã gần 6 giờ nên rất ít gia đình cho con em tiếp tục học hành.

Ngay cả chuyện học hết cấp tiểu học cũng khó khăn, năm học vừa qua, cả ấp chỉ có 1 lớp 5 với 27 học sinh. Các em đều lên lớp, nhưng trong số 27 em này chưa ai biết có bao nhiêu em vượt sông đi tìm con chữ. Ông Trung ngậm ngùi: “Biết làm sao được, bà con còn vật lộn với cuộc mưu sinh mà. Điều kiện đi lại khó khăn quá, người dân lại không nhiều tiền để thuê nhà cho con em tiếp tục học. Mình vận động mãi nhưng cũng không được kết quả khả quan”. Ngay chính con ông Trung cũng học hết lớp 5 rồi nghỉ phụ giúp gia đình.

Hôm tôi rời Cù lao Đất bằng ghe, lúc ngoái đầu nhìn lại, cả cù lao là một màu xanh mướt, bình yên. Nhưng phía sau những rặng dừa, vườn cây trái, vuông tôm… ấy lại ẩn chứa biết bao giông bão: Mất đất từng ngày do sạt lở, đất nhiễm mặn, thiếu nước ngọt, không có trạm y tế, thiếu trường học, hệ thống đê bao chưa đảm bảo…
 Cù lao Đất thường trực nỗi lo sạt lở đất

Và có một thông tin tôi không dám kể với người dân ở đây: Theo kết quả quan trắc của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường Việt Nam, 40 năm nữa, dự kiến nước biển ở khu vực này sẽ dâng thêm 0,5m và toàn bộ Cù lao Đất sẽ chìm dưới nước.

Cù lao Đất có tên hành chính là An Bình, nhưng xem ra mảnh đất này chưa bao giờ được bình an.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn