MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cựu binh thời bình

DƯƠNG QUỐC BÌNH LDO | 23/07/2016 17:00
Ông Nguyễn Đăng Duyên hay gãi đầu, không phải vì thói quen, cũng không phải trăn trở suy nghĩ điều gì, mà vì những mảnh đạn thời chiến vẫn còn găm trong đó. Chúng luôn khiến ông nhớ về những năm tháng ác liệt tại mặt trận Quảng Trị của một thời trai trẻ.
Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với 15 trận đánh trực tiếp. Những cơn gió bấc của mùa đông năm 1960 chưa kịp ngừng thổi là lúc chàng trai Hà Nội với cái tên con gái gia nhập quân ngũ. Bảy năm sau, ông vào Quảng Trị. Như bao chàng trai khác, ông đi không xác định ngày về. Người trung đội trưởng trinh sát thuộc Đại đội 4 - Tiểu đoàn 30 - Trung đoàn 528 xuất trận lần cuối vào ngày 9.9.1970. Được lệnh nghiên cứu phương án tấn công cao điểm 552, ông mất nhiều ngày trinh sát. Đây là cao điểm quan trọng và được phòng vệ nhiều lớp với những bãi mìn dày đặc. 

 

Ông cũng là người tham gia tấn công trực tiếp. Bò hàng trăm mét, gỡ từng dây mìn, ông áp sát chỉ huy địch, cách chưa đến 10m và nhìn thấy các sĩ quan đối phương đang ngồi họp. Chỉ có 10 phút để tiêu diệt căn cứ trước khi máy bay địch được huy động đến, trung đội của ông tấn công bất ngờ và giành thắng lợi. Riêng ông Duyên gặp chuyện hy hữu, ngoài các mảnh đạn văng vào đầu, một viên đạn xuyên thẳng từ vai xuống, nằm bên cạnh dạ dày, nhưng không hề phá huỷ nội tạng. Ông thoát chết một cách thần kỳ. 

Vết thương kỳ lạ cũng chấm dứt cuộc đời binh nghiệp của Trung đội trưởng Nguyễn Đăng Duyên, đưa ông trở về hậu phương và kết hôn với một nữ y sĩ. Ông bà có với nhau hai người con, một trai, một gái. Con gái theo nghiệp quân y của mẹ, còn con trai cũng nhập ngũ như bố. Không may, con trai ông qua đời trên đường về thăm nhà.

Ông sống trên tầng 5 của khu tập thể này, sáng nào cũng bắt đầu công việc từ 6h. Đến 12h trưa, ông lên nhà nghỉ ngơi. Ông bà chỉ có nửa căn hộ với diện tích 17m2. Những năm tháng chiến tranh ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của các cựu quân nhân. Ông Duyên đã phải mổ cắt gần như toàn bộ dạ dày. Không thể ăn được nhiều, bát cháo này phải ăn bốn bữa mới hết; nhưng ông bảo mình vẫn còn may mắn vì vẫn minh mẫn ở tuổi 80, vẫn làm việc được.

Lối vào chỉ một người đi lọt, và phải cúi người xuống, ngổn ngang đồ đạc cần sửa. Khu tập thể D3 Giảng Võ (Hà Nội) cho ông thuê gầm cầu thang này với giá 300.000 đồng/tháng đã gần 10 năm nay. Trước đây, ông phải làm ở ngoài chợ cóc Giảng Võ.

Chuyên về cơ khí, ông sửa nhiều nhất là các loại quạt, từ cổ điển đến hiện đại và cả lò vi sóng (microwave).

“Đất nước mình đã trải qua quá nhiều đau thương rồi, không ai muốn chiến tranh nữa. Nhưng nếu tổ quốc bị đe doạ, tôi sẽ lại xung phong tiếp tục cầm súng ra mặt trận”, ông nói. Trên bàn thờ của gia đình, tôi thấy ông bà đặt di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những năm tháng trong quân ngũ cho ông thêm cả nghề cơ khí. Rời chiến trường, ông làm nghề sửa điện. Không chỉ sửa, ông còn dạy nghề cho các thế hệ sau. Ông không bao giờ lấy tiền của quân nhân và cựu quân nhân, đồng thời nhận dạy miễn phí cho con em của các cựu chiến binh; nhưng ít ai ngờ ông làm việc này dưới gầm cầu thang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn