MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cháu Kim Su Hwan, vừa lọt lòng mẹ đã mắc chứng bại não bẩm sinh.

Đỏ - đen lấy chồng xa xứ: Những đứa trẻ “vô thừa nhận”

Hoàng Văn Minh - Trần Lưu LDO | 16/12/2014 06:42
Hạnh phúc từ những cuộc hôn nhân chóng vánh mang theo ước vọng đổi đời của các cô gái miền Tây là điều gì đó mông lung, được kể lại từ những hồi ức xa lắc ngoài biên giới. Còn bất hạnh, khổ đau và những hệ lụy kéo dài là điều chúng tôi nhìn thấy trước mắt. Gần nhất là những đứa trẻ dù có mẹ, có cha, nhưng trở về Việt Nam lại trở thành những kẻ “vô thừa nhận” trên chính quê hương của mẹ mình…

Trong khi đang lang thang ở Tiền Giang, Sóc Trăng - những địa phương có phụ nữ lấy chồng ngoại sớm và nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu thông tin về những đứa con lai vô thừa nhận, chúng tôi nhận tin Nguyễn Thị Thanh Ngân, 22 tuổi, nạn nhân mới nhất của “phong trào” lấy chồng Hàn Quốc bị một người đàn ông mới quen sát hại ở đảo Jeju. Nhưng thế vẫn chưa đau lòng bằng những nhận định lặp lại kiểu “đỏ đen” mà chúng tôi nghe được từ người dân địa phương, rằng lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, tỉ lệ sung sướng và bất hạnh là 50 - 50, thậm chí 70 - 30. Còn lấy chồng Việt Nam, 100% bất hạnh là có thể nhìn thấy trước…

Chuyện buồn không đoạn kết

Mọi kế sinh nhai đều nhờ cả vào mảnh vườn con con và mấy công ruộng ít ỏi, nên cuộc sống gia đình chị Huỳnh Thị Kiều (SN 1980, ở ấp 8, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) bao nhiêu năm cứ luẩn quẩn với hai chữ nghèo, đói. Để giải thoát kiếp nghèo và báo hiếu cha mẹ, chị Kiều quyết định lấy chồng nước ngoài. Năm 2011, chị kết hôn với ông Park Min Kyu (người Hàn Quốc), rồi theo chồng về Hàn Quốc sinh sống, nhưng chỉ 6 tháng sau thì hôn nhân tan vỡ. Ngày chưa lên xe hoa, chị Kiều cứ mơ mộng hình dung khi về bên đó, sẽ có cơ hội đi làm, kiếm nhiều tiền gửi về phụ giúp gia đình. Nhưng qua đến nơi mọi thứ đều trái ngược, khi gia đình chồng bắt chị ở nhà làm nội trợ, không cho giao tiếp với bên ngoài. Đã thế, chị Kiều còn thường xuyên bị chồng đánh đập. Không chịu nổi ấm ức, tủi nhục, tháng 7.2012, chị Kiều trốn về Việt Nam.

“Làm việc đầu tắt mặt tối quanh năm với biết bao cơ cực, nhưng toàn bộ tiền bạc đều bị bên nhà chồng giữ hết. Họ đối xử tệ bạc lắm, ngày tui về làm dâu xứ người đâu nghĩ sẽ ra nông nỗi như vầy” - chị Nguyễn Ngọc Huyền Như (khu vực 2, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) kể về cuộc sống đau khổ sau nhiều năm làm dâu ở xứ Đài. Cũng vì nhà nghèo, nợ nần bủa vây, nên sau khi tốt nghiệp THPT, chị Như đã bôn ba lên Sài Gòn tìm việc. Rồi qua mai mối, chị kết duyên cùng một người Đài Loan, được chồng bảo lãnh sang bên đó. Tròn 1 năm, chị Như chỉ được gọi điện về thăm nhà đúng 3 lần. Thậm chí, khi gia đình có người mất, chị Như cũng không được gia đình chồng cho về nước để chịu tang.

Vừa kể trên đây là những điển hình trong số hàng ngàn cô gái miền Tây lấy chồng ngoại, rồi rơi vào những tấn bi kịch trong nhiều năm qua. Chỉ riêng tỉnh Hậu Giang, hiện có hơn 10.000 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, nhiều nhất là lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… Bà Lê Kim Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang - nhận định: Yêu cầu cơ bản của việc lấy chồng nước ngoài là chị em phải học rành rẽ ngôn ngữ nước bạn, rồi phải tìm hiểu kỹ về phong tục, tập quán, những lễ nghi bên nhà chồng… Đặc biệt, trước khi sang bên đó, các chị em phải nắm thông tin và liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam, để khi có chuyện xảy ra họ sẽ can thiệp, giúp đỡ. Tuy nhiên, hầu hết các chị em đều mù tịt những điều vừa nói bởi nhiều lý do, nên chuyện hôn nhân đổ vỡ, hạnh phúc nát tan là điều khó tránh khỏi.

Đau xót ngày về…

Bị đánh đập, hành hạ, đối xử tệ bạc…, nhưng đó chưa phải là cái kết sau cùng cho những phận người xuất ngoại làm dâu. Ngày chị Hồ Thị Mỹ Ân (ấp 2, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) trở về Việt Nam, chị cũng không ngờ hai đứa con của mình sau đó lại trở thành những đứa trẻ “vô thừa nhận” trên chính quê hương. Năm 2006, chị cưới một người chồng Hàn Quốc lớn hơn mình đến mấy chục tuổi. Dù vỡ mộng giàu sang, nhưng được cái chồng vợ thuận hòa, cuộc sống cũng yên bề hạnh phúc. Sau thời gian sống bên Hàn Quốc, chị lần lượt gửi 2 đứa con (trai lớn 6 tuổi, gái nhỏ 4 tuổi) về quê nhờ người thân chăm sóc. Bà Lục Thị Phương, mẹ chị Ân chua xót: “Lúc con Ân mới theo chồng về Hàn Quốc, người ta nói, muốn nhập hộ khẩu bên đó, phải có hộ khẩu bên này, nhưng con tui mới đi 6 tháng, địa phương đã cắt hộ khẩu nó mất tiêu rồi. Hai đứa cháu gửi về đây chỉ kèm theo hai cái hộ chiếu, không tờ giấy lận lưng”.

Cũng vì lẽ đó, năm nay, con gái nhỏ chị Ân là cháu Kim Chi In dù đủ tuổi nhưng chưa thể đến trường. “Tui dẫn cháu đến xin học ở trường mẫu giáo Hòa An 2, rồi trường mẫu giáo Hương Sen, nhưng họ đều không nhận vì không có giấy khai sinh” - bà Phương nói. Đau lòng nhất là cháu Kim Su Hwan, vừa lọt lòng mẹ đã mắc chứng bại não bẩm sinh. Hằng tháng, bà Phương phải ra thị trấn nhờ người quen đặt mua thuốc theo toa bác sĩ, các loại sữa dinh dưỡng cũng phải mua theo hướng dẫn, có chế độ uống riêng. “Tiền điều trị cho cháu mỗi tháng phải hơn 10 triệu đồng. Dạo trước, tui có đến UBND xã xin mua thẻ BHYT cho cháu. Họ nhìn hộ chiếu toàn chữ Hàn Quốc rồi lắc đầu vì chẳng biết ghi sao. Không có khai sinh, đứa nhỏ không được đi học, đứa lớn bệnh tật cũng không được hỗ trợ gì. Mọi thứ chỉ biết trông chờ vào số tiền con tui gửi từ Hàn Quốc về”.

 

 Cháu Kim Chi In.

Hai đứa cháu của bà Phương không phải là trường hợp cá biệt. Theo Sở Tư pháp Hậu Giang, toàn tỉnh này hiện có trên 200 trường hợp trẻ có yếu tố nước ngoài đang sinh sống tại quê ngoại, trong đó gần 150 trường hợp chưa có giấy khai sinh. Theo quy định, trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, được mẹ là công dân Việt Nam đưa về Việt Nam sinh sống, được áp dụng quy định về đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú khi trẻ em chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài; mẹ của trẻ em không đăng ký kết hôn. Ngoài ra, trong trường hợp người mẹ khai về người cha, thì người cha phải làm thủ tục nhận con theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đa phần những trường hợp này trẻ em sinh ra ở nước ngoài đều đã đăng ký khai sinh và có quốc tịch nước ngoài, nên Sở Tư pháp không thể làm thủ tục đăng ký khai sinh được.

Khó khăn trên đã khiến cho những quyền lợi tối thiểu mà các em đáng được hưởng gần như là không có. Chị Từ Thị Muội (ấp 8, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) lấy chồng Hàn Quốc năm 21 tuổi. Năm 2010, chị và con Hong Dae Jun, 7 tuổi, về Việt Nam sinh sống. Hiện tại, Hong Dae Jun đã được nhận vào lớp 1 tại trường tiểu học Vị Thủy 2, nhưng cháu vẫn chưa được làm khai sinh. Ông Châu Phước Đại - Hiệu trưởng Trường tiểu học Vị Thủy 2 - nói: “Các em được nhận vào học, nhưng phải chờ gia đình bổ sung khai sinh. Trong trường hợp không làm được khai sinh, quá trình học của các em chỉ được theo dõi, ghi nhận rồi để đó, chứ nhà trường không dám lập hồ sơ, vì điều này sai với quy định. Nếu các em học tốt vẫn được lên lớp tiếp theo, nhưng cũng chỉ là nhà trường ghi nhận, rồi cho học, chứ trên thực tế không có cơ sở để xác định các em đã lên lớp hay không”.

Hiện, Sở Tư pháp Hậu Giang chỉ tư vấn cho những gia đình có mang khai sinh về Việt Nam thì dịch ra tiếng Việt, có chứng thực của cơ quan chuyên môn để tạm thời được đi học. Riêng trường hợp không mang về thì phải đến cơ quan Tổng lãnh sự tại TPHCM để nhờ trích lục lại và xác nhận. Tuy nhiên, với nhiều người, việc tìm lại những giấy tờ kể trên chẳng khác gì mò kim đáy biển. Như trường hợp của chị Trần Thị Thắm (xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp) sau thời gian bị nhà chồng (Đài Loan) đối xử tệ bạc, chị đã cùng con trốn về Việt Nam. Với chị, trốn về được Việt Nam là mừng lắm rồi, chứ dám nghĩ gì đến mang theo giấy tờ có liên quan.

Ông Huỳnh Thu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang - cho biết, vấn đề này hiện đang rất bức xúc, chúng tôi đang chờ chủ trương từ các bộ để tháo gỡ. Sở Tư pháp đang tạm thời tiếp nhận hồ sơ, xác nhận đã nhận hồ sơ đồng thời gửi về địa phương cho các em có thể đi học. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi thực tế, dù các em có được giải quyết theo trường hợp nào thì cũng phải bổ sung khai sinh để được đi học lâu dài. Ông Bùi Đức Quang - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở GDĐT tỉnh Hậu Giang cho biết thêm: Toàn tỉnh hiện có 169 em có yếu tố nước ngoài đang học ở các trường. Mới đây, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo, giao 3 ngành: Giáo dục, công an và tư pháp của tỉnh phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các trẻ em mang quốc tịch nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn được tham gia học tập. “Trước đây, mỗi ngành giải quyết theo các độc lập, lần này có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các bên, hy vọng, vụ việc sẽ nhanh chóng được giải quyết”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn