MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách và các cụ già ngắm ao sen quê Bác. Ảnh: Trần Tuấn

Đổi thay trên quê hương Bác Hồ

QUANG ĐẠI - TRẦN TUẤN LDO | 01/09/2020 20:53

Sau 5 năm là xã đầu tiên của huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới, nay xã Kim Liên (Nam Đàn-Nghệ An) đang nỗ lực từng ngày để cán đích xã nông thôn mới kiểu mẫu, xứng đáng là quê hương Bác Hồ kính yêu.

Ngan ngát hương sen

Cánh đồng lúa chín vàng rực tại xã Kim Liên. Ảnh: Quang Đại

Trở lại quê Bác đúng dịp kỉ niệm 130 năm ngày sinh của Người, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay lớn so với khoảng 5 năm trước đã từng đến. Hôm nay đường vào quê Bác như rộng hơn, sạch hơn và rợp bóng mát của cây xanh, rực rỡ sắc hoa. Xóm làng, nhà cửa hai bên đường rực rỡ, tươi mới và có thêm nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, sáng màu ngói mới.

Trong buổi chiều yên bình của ngày đầu thu, nhiều cụ già đang ngồi chuyện trò, ngắm những đóa sen tỏa hương thơm ngát, khoe sắc dưới mặt hồ ở thôn Liên Hồng.

Kim Liên (chữ Hán nghĩa là “sen vàng”) có hơn chục hồ sen lớn nhỏ, được chăm sóc chu đáo nên đều tươi tốt, hương sắc thắm tươi. Ngay trong khuôn viên UBND xã Kim Liên cũng có hồ sen rất lớn. Có nhiều hồ sen trong và xung quanh nhà quê nội, quê ngoại Bác Hồ. Hồ bán nguyệt trước đền Chung Sơn thờ gia tiên Bác cũng trồng đầy sen hồng.

Mùi sen dịu nhẹ, thanh khiết làm lòng người thanh thản, bình yên đến lạ kỳ. Những búp sen, đóa sen vươn lên trên mặt nước, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, tiêu biểu cho phẩm cách, khí chất con người Việt Nam.  

Ghé đến bắt chuyện, cụ Lê Hồng Diên (83 tuổi) cởi mở: “Lần cuối Bác Hồ về thăm quê là vào năm 1961. Hồi đó, tôi cũng mới tuổi đôi mươi. Được đón Bác về, ai cũng náo nức, xúc động vô cùng, cố chen chân để được nhìn thấy Bác".

Sen trồng trong hồ bán nguyệt trước đền Chung Sơn. Ảnh: QĐ

Nhớ về cuộc sống ngày đó, cụ Diên kể: "Ngày đó cuộc sống vùng quê nông thôn ở đây cũng nghèo khó lắm, ăn chẳng đủ no, mặc chẳng đủ ấm. Nghĩ lại mới đó thôi mà cũng đã 60 năm trôi qua rồi. Giờ thì cuộc sống của người dân chúng tôi không chỉ ăn no, mặc ấm mà đa phần đã ăn ngon, mặc đẹp rồi”.

Cụ Diên chia sẻ, khoảng 5 đến 7 năm trước đây, lớp trẻ trong làng học chưa hết cấp 3, hay hết cấp 3 mà không học lên nữa đều kéo nhau vào miền Nam làm công nhân, làm thuê, làm mướn. Đi miết cả năm, thậm chí mấy năm mới về nhưng công việc bấp bênh, chẳng tích cóp được gì. Nhưng mấy năm gần đây, nhà máy công nghiệp mọc lên không chỉ ở thành phố Vinh mà còn về tận huyện nhà và huyện bên Hưng Nguyên nên lớp trẻ không mấy ai đi miền Nam nữa, mà về làm công nhân ngay trên quê hương mình.

“Đi làm công nhân, tháng có 4 đến 5 triệu nên sống tốt hơn. Giờ ruộng đồng cũng ít người làm. Có làm thì cũng chỉ làm tranh thủ để có đủ gạo ăn mà không phải đong thôi, còn lại chủ yếu đi làm công nhân hoặc buôn bán là chính. Như con dâu nhà tôi cũng chỉ làm 1 sào ruộng, hàng ngày buôn bán ở chợ” – cụ Diên trải lòng.

Cụ Diên cũng nói rằng, ngoài đời sống vật chất nơi đây được nâng cao, thì trình độ dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần, văn nghệ, thể thao cũng đã nâng lên rõ rệt. Cả xã có nhiều người học hành giỏi giang, đi ra làm việc giữ nhiều chức vụ lớn. Trong giao tiếp, ứng xử của người dân nơi đây cũng rất văn minh, lịch sự, thể hiện rõ ý thức con người trên quê hương Bác luôn gương mẫu, học tập Bác.

Cụ Lê Hữu Ngọc, xóm Liên Hồng đã 81 tuổi, chứng kiến những thay đổi của quê hương, chia sẻ: “Kim Liên hôm nay đã thay đổi một trời một vực so với trước đây. Đặc biệt là sau quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cảnh quan xanh sạch đẹp, kinh tế của các gia đình ngày càng khá giả. Các đoàn khách trong nước và quốc tế về đây ai cũng khen ngợi làng quê Bác đẹp, vui”.

Quê hương đổi mới, khởi sắc

Mái nhà tranh quê Bác. Ảnh: Trần Tuấn

Dạo một vòng quanh di tích nhà quê nội, quê ngoại Bác Hồ, từng hiện vật nhỏ nhất vẫn được các cán bộ Khu di tích Kim Liên cẩn thận gìn giữ. Mái nhà tranh nhỏ, chiếc võng đưa, những cuốn sách chữ Nho, hàng cây râm bụt, hàng tre xanh rì rào trong gió như hàng trăm năm qua vẫn thế.

Tất cả, thân thương, gần gũi mà thiêng liêng đến lạ kỳ. Bởi, nơi đây lưu giữ ký ức về quê hương, gia đình, những năm tháng ấu thơ và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Hàng triệu du khách trong nước và quốc tế về quê Bác mỗi năm, lặng ngắm những mái nhà tranh nhỏ nép dưới rặng tre xanh, để suy ngẫm và kiếm tìm cội nguồn đã sinh ra một nhân vật vĩ đại của Việt Nam và nhân loại.

Di tích gốc trong khu di tích Kim Liên ngày trước, hôm nay và mai sau vẫn thế, nhưng cuộc sống người dân trên quê hương Bác Hồ lại thay đổi từng ngày.

Ông Nguyễn Quang Lộc – Chủ tịch xã Kim Liên tự hào nói, năm 2014, Kim Liên là xã đầu tiên của huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới. Trên cơ sở đó, xã được tỉnh chọn để xây dựng là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Vinh dự, tự hào nhưng cũng rất áp lực. Thế nhưng nhờ quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đoàn kết chung sức, đồng lòng nên đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đích đến là xã nông thôn mới kiểu mẫu đang ngày càng được rút ngắn.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm. Toàn xã chỉ còn hơn 0,7% hộ nghèo, 2,4% hộ cận nghèo. Kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỉ trọng nông, lâm, thủy sản, tăng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Quê Bác Hồ ngày càng đổi mới. Ảnh: Quang Đại

Với lợi thế có Khu di tích Kim Liên được xếp hạng Khu Di tích Quốc gia đặc biệt, xã Kim Liên tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất theo hướng phục vụ du lịch, nâng cao các tiêu chí văn hóa và cải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Toàn xã đã có hơn 20 nhà hàng phục vụ ăn uống đáp ứng nhu cầu du khách. Hệ thống các ki ốt kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch ngày càng được đầu tư, các hàng hóa phong phú và từng bước đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng của Nam Đàn như: Tương, sắn dây, bột nghệ, các sản phẩm từ sen....

Kim Liên có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao do Hợp tác xã Kim Liên 2 và Hợp tác xã Sen Quê Bác liên kết sản xuất sản phẩm gạo Làng Sen, 2 mô hình trồng rau củ quả trong nhà màng, 1 mô hình ươm giống hoa cây cảnh các loại; 1 mô hình trồng Sen và sản xuất các sản phẩm từ Sen. Trong đó có 2 mô hình liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững là mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao và liên kết công ty bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Mô hình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sen của Hợp tác xã Sen quê Bác sử dụng công nghệ an toàn, thân thiện với môi trường, đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm bắt đầu đi vào sản xuất có hiệu quả, bước đầu đã tạo ra được các sản phẩm đủ tiêu chuẩn để được công nhận sản phẩm OCOP.

Về Kim Liên hôm nay, đi dưới những con đường rải nhựa, bêtông rộng rãi, những hàng cây xanh mát, hai bên nở hoa bốn mùa, xa xa là cánh đồng lúa chín vàng rực, ai cũng cảm nhận được bước chuyển mình trên quê Bác.

“Kim Liên có nhiều thay đổi, phát triển vững chắc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện và con em xa quê, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu biểu của huyện và tỉnh. Sự phát triển của Kim Liên sẽ tạo ra động lực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện” – đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa – Bí thư Huyện ủy Nam Đàn chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn