MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bến sông Hoài với những người đàn bà lái đò đã cho du khách thêm một góc nhìn thú vị về phố cổ Hội An.

Dòng sông bóng xế

Tấn Vũ LDO | 24/09/2016 15:40
Có một dòng sông mà rất nhiều thân phận lúc tuổi già bóng xế đã tìm về đây nương tựa. Và dòng sông đã cưu mang họ lúc tuổi xế chiều. Để rồi, sông về với biển, người về với đất, tất cả hòa hợp tạo nên một dòng sông đặc biệt lượn lờ xuôi về hoài cổ. Sông Hoài, đoạn cuối của dòng Thu Bồn ở Quảng Nam, ôm trong mình phố cổ Hội An, là dòng sông như vậy!
Những mái chèo phiêu dạt

Nắng trưa như đổ lửa. Chiếc ghe nhỏ vẫn cắm sào dập dìu theo con nước. Chiếc nón lá tả tơi, xỉn màu đen mốc, che khuất nửa khuôn mặt nhăn nheo của người đàn bà luống tuổi. “Đi không chú, dạo quanh sông chụp ảnh đẹp lắm! 20.000 thôi!” - giọng run run, bà Lái vừa mời khách, vừa lấy cái thau nhôm tát nước ra khỏi lòng thuyền. Cánh tay teo tóp, đen nhẻm, trĩu nặng theo từng thau nước. Chiếc ghe gỗ đủ chỗ cho 2 du khách, không quá to con, cứ tròng trành theo tiếng mời gọi. 

Bà Lái lấy mũi sào chống vào bờ kè của phố cổ rồi cho chiếc thuyền xuôi theo dòng nước đưa chúng tôi ra giữa dòng. Sông Hoài đỏ quạch phù sa, lượn lờ chậm rãi đến mức tưởng chừng sông như ngừng trôi. Những khóm lục bình dạt theo mái chèo về xuôi, thuyền chúng tôi ngược nước. Vừa khuẩy nhẹ tay chèo vừa nhai trầu bỏm bẻm, bà Lái chẳng cần nhìn dòng sông, không cần nhìn mũi thuyền, dòng nước mà thuyền vẫn lướt đi rất êm. Ở cái tuổi 74, hơn 40 năm chèo lái trên khúc sông này, bà Lái thuộc làu từng con nước bất kể mùa hè hay đông. “Cha mẹ tôi sinh tôi ở cuối sông này, bãi Truồi gần biển Cửa Đại ấy! Rồi chiến tranh, loạn lạc, bệnh tật, ông bà chết sớm, anh em cũng chết, tôi chèo thuyền trên sông này từ trước giải phóng tới chừ” - bà Lái rầu rầu khi nói về quá khứ.

Thuyền ngược nước nhẹ nhàng chui qua cây cầu An Hội rồi tiến thẳng đến sát Chùa Cầu. Ở đó, gần chục chiếc thuyền con với những người đàn bà đội nón lá cũng cắm thuyền chờ khách. Trên bờ từng nhóm du khách tứ phương đưa máy ảnh bấm lia lịa. Người nói tiếng Anh, người mời bằng tiếng Việt, khúc sông trở nên xôm tụ, du khách ngày càng đông. Bà Lái thì thầm: “Bà không biết tiếng tây. Chữ nghĩa biết chút chút. Ai thương thì đi. Già, trẻ, lớn, bé, tây, ta chi cũng 20.000 hết! Không ‘chặt chém’, không chèo kéo, mệt lắm! Già rồi ăn bao nhiêu”.
Lái đò đưa khách du lịch là nghề không hề nhẹ nhàng thư thái như vẻ ngoài của những người phụ nữ lớn tuổi này. 
Hai du khách bước qua ghe bà Quyền, rồi cũng ngược nước chậm rãi về phía Chùa Cầu. Bà Quyền trông già hơn bà Lái, nhưng dáng người còn nhanh nhẹn. Cười bằng hàm răng khuyết chỉ còn hai chiếc cuối cùng nơi khóe môi, bà Quyền nói tiếng Anh bằng giọng Quảng, vừa đưa hai ngón tay: “Hế lô! Cho hai đô!”. Bà Lái phiên dịch rằng bà Quyền nói với 2 du khách cho 2 đô la cho chuyến thuyền này. “Vậy mà du khách nào cũng hiểu! Nói miết thành quen!” - bà Lái giải thích. Bà Lái kể rằng cuộc đời của bà Quyền cũng kém may mắn như bao phụ nữ khác trôi dạt về khúc sông này. Không chồng, không con, côi cút trên chiếc thuyền tre từ tuổi đôi mươi. Bà Quyền, người đàn bà biết đến như một người can trường đã chèo ghe qua hai cuộc chiến trên khúc sông này. “Đánh Pháp xong rồi tới Mỹ mà bả vẫn sống nhe răng. Bom đạn tơi bời trút xuống dòng sông mà chẳng ăn thua” - bà Lái kể.
Cùng lứa với bà Quyền, bà Lái nhưng bà Hộ không còn sức để chống chọi được với sóng gió của dòng sông. Ngày chúng tôi đến bến sông, xóm chài vừa làm lễ cúng cơm 14 ngày cho bà Hộ. Hơn chục người phụ nữ gom góp tiền, một mâm cơm với nhang khói phất phơ bên bến vắng phía dưới cầu An Hội tưởng nhớ bà Hộ. Cũng là cảnh không chồng con, tài sản là chiếc xuồng con và dòng sông Hoài êm ả. Bà Hộ đã tá túc ở đây mấy chục năm ròng, từng con nước, từng cánh bèo trôi dạt, trong mắt các bà chèo đò thân quen đến ngỡ ngàng. “Tưởng bà Hộ chết lâu rồi. Năm ngoái bả chèo thuyền đi, thuyền bất ngờ bị bục nước, chìm nát. Bà Hộ được cứu sống. Chị em thấy bả tội nên góp tiền mua cái ghe mới. Chèo được vài hôm thì bà ấy bệnh rồi qua đời ở tuổi gần 80” - bà Lái kể lại nghèn nghẹn.
Điểm nhấn dòng sông
Mệt vì say nắng, bà Lái cắm thuyền về nhà sớm. Dáng người đàn bà nhỏ thó bước đi xiêu xiêu trên phố cổ từ đường Nguyễn Hoàng qua đường Nguyễn Phúc Chu rồi tấp vào căn nhà nhỏ. Nằm thừ trên chiếc giường giữa nhà ọp ẹp, vôi vữa trên tường đã bong tróc, trần nhà đầy gián nhện. Phía trên gác nhỏ là di ảnh của hai người lớn tuổi đã ố vàng theo năm tháng. Bà Lái thều thào: “Nhà một mình có rứa thôi! Con cháu đâu có. Mọi thứ nhờ hàng xóm”. Một ít cơm nguội đã cứng lại từ khi nào, một chén mắm ớt dở dang và nồi canh rau lang nằm nghiêng bên xó bếp. Bà Lái bảo bà nấu từ lúc sáng để dành ăn tới chiều. Có hôm buổi tối hàng xóm mang cơm sang cho, thế là một ngày của bà qua đi.
Thấy người lạ vào nhà bà Lái, những người hàng xóm cũng kéo đến thăm. Chị Đặng Thị Hương kể rằng căn nhà nhỏ của bà Lái là nơi tá túc của rất nhiều người phụ nữ chèo ghe nơi bến sông. “Mùa đông, mấy bả cắm thuyền rồi ghé vào đây chơi. Mùa hè căn nhà thấp lè tè này nóng quá, ba bốn bà rủ nhau ra ghe cắm sào ở bến sông mà ngủ” - chị Hương kể. Có hôm nửa đêm gặp mưa, ba bốn bà ôm nhau bì bõm lội từ bến sông về nhà.
Nếu như mưa là đặc sản du lịch của xứ Huế thì mùa đông khi con nước từ đầu nguồn Thu Bồn đổ về ngập các đường phố Hội An cũng là lúc mùa chèo ghe của các mẹ đắt khách. “Tây nó thích dầm nước lắm. Nước ngập đường Trần Phú, Bạch Đằng là hắn leo lên ghe bảo mình chống chèo quanh quanh cho nó chụp ảnh. Nước lũ ngứa chân rứa mà hắn cũng thích” - bà Lái cười nói. Chị Hương kể, có hôm bà Lái về nhà trong tình trạng lạnh tím tái, dáng người co quắp, run lập cập. Hàng xóm thấy vậy mang bà lên trạm xá. Các bác sĩ cho uống nước ấm với một ít đường pha muối rồi về. Bác sĩ bảo bà bị đói và lạnh cóng nên bị vậy. Có hôm bà bị cảm lạnh, ho kèm sốt cao, hàng xóm lại mang bà lên viện nằm gần 1 tuần rồi về. Những người đưa đò ở trên sông Hoài thay nhau đưa cơm cho bà Lái.
Ngồi trên chiếc giường ọp ẹp, bà Lái kể lại rằng phố cổ trước khi là di sản thế giới rất bình yên. Cá dưới lòng sông nhiều, cuộc sống dễ. Gần đây đất chật người đông, cá hết, rồi nhiều người chuyển nghề từ việc đánh cá sang chèo thuyền đưa du khách. “Hồi nớ xuồng máy ít, mình chèo, tây nó đi nhiều. Chừ tàu to, máy bự, thông dịch viên ầm ào. Việc chèo ghe của các mẹ cũng ế dần, con à!” - bà Lái nói trong tiếc nuối.
Thuyền to, máy lớn, nói tiếng tây giỏi, phục vụ tốt… nhưng có những thứ mà những người làm du lịch, những người làm nghệ thuật xứ Quảng phải vay mượn ở các bà lão đưa đò chính là giọng hát hò khoan. Những người yêu mến dòng sông Hoài, yêu phố cổ, sẽ hối tiếc nếu một ngày tiếng hát của các bà lão tắt lịm cùng chiếc xuống con. Bà Tình, người hát hò khoan đối đáp hay nhất của khúc sông này đã qua đời cách đây mấy năm. “Chừ mấy bà khác hát cũng được nhưng đối đáp thua bà Tình. Bà ấy thông minh, đối đáp sắc lẹm, chết đi thiệt là phí!” - bà Lái hối tiếc người bạn đồng nghiệp.
Cùng một phường, nhưng cuộc sống của các cư dân trên bờ và dưới nước cách biệt nhau. Nếu như những cư dân trên cạn của phường Minh An, sở hữu nhưng căn nhà cổ vô giá, có thu nhập bình quân vài, ba ngàn đô la Mỹ hằng năm thì những người chèo thuyền có thân phận ngược lại. Mới nhìn là một nghịch lý, nhưng mang trong mình nhiều mâu thuẫn, đó mới chính là Hội An. Phố cổ Hội An đẹp bình dị từ đôi quang gánh của bà bán bánh bèo, bánh vạc, cao lầu, mỳ quảng… những người gánh nước thuê bên trong con phố đầy rêu. Nói như nhà viết kịch - nhà nghiên cứu Hội An Phùng Tấn Đông, thì những bà lão chèo đò chính là một “điểm nhấn” của phố Hội. “Không có mấy bà dòng sông trở nên khô khốc và hoang vắng. Rõ ràng mấy bà lão đã là một phần của linh hồn dòng sông. Tất cả chỉ là mưu sinh, nhưng nếu một ngày các bà mất đi thì Hội An chính là người hối tiếc…” - ông Đông cảnh tỉnh.
Nói về những người lái đò tuổi bóng xế, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - ông Nguyễn Sự - chia sẻ: “Thật ra mấy cụ già đưa đò nơi ấy chính là một phần của Hội An. Hội An mà không có hàng rong, không có dòng sông, con đò, góc phố thì không còn là Hội An nữa. Điều tôi lo lắng là an nguy của du khách khi đi xuồng này. Chúng tôi sẽ lập một đội cứu hộ gần bờ, cứ 100 mét thì làm một chốt chặn. Đoạn sông Hoài dài hơn 300 mét, lập 3 chốt chặn là an toàn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn