MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thôn Hạ, xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) phải dựng lán trại sát bờ sông để xua đuổi các tàu thuyền khai thác cát trộm. Ảnh: NĐT

Dựng chòi canh cát tặc sông Hương

NGUYỄN ĐẮC THÀNH LDO | 17/09/2017 07:00
“Nếu không giúp dân, chắc chúng tôi chẳng thể nào ngủ yên được khi đêm xuống. Đêm nào chúng nó cũng hút cát, máy nổ inh ỏi cả vùng. Không tin chú lên đây mà xem...” - ông Tống Văn Tăng (thôn Hải Cát 1, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) gọi về cho tôi lúc 22 giờ. Ngay trong đêm đó, tôi tận mắt thấy hoạt động khai thác cát diễn ra rộn rịp như một đại công trường, thuyền bè tấp nập. Người dân hai bờ sông Hương phải chấp nhận sống chung với cát tặc.

Coi thường lệnh cấm

Mặc dù UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND (có hiệu lực từ ngày 25.3.2017) chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được khai thác trong khoảng thời gian từ 6h sáng đến 17h hằng ngày trong diện tích cấp phép. Thế nhưng, bất chấp chỉ thị này, cát tặc ngang nhiên rút ruột sông Hương vào ban đêm.

Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Hương, đoạn từ khu vực cầu Tuần (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) đến gần điện Hòn Chén tiếp tục tái diễn, khiến người dân địa phương rất lo lắng, bức xúc. Điều đáng nói hơn, ở đoạn sông này ngay cả ban ngày cũng cấm khai thác.

Ông Tống Văn Tăng (thôn Hải Cát 1, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) gọi điện báo cho tôi trong đêm: “Đêm nay nó hoạt động nhiều quá chú ơi, máy móc rầm rộ, dân bọn tui không ngủ được. Chú lên xem phản ánh giúp dân với”.

22h là lúc các tàu thuyền khai thác cát hoạt động. Từ chân cầu Tuần, về đến điện Hòn Chén, đêm nào cũng sáng trưng đèn điện từ các thuyền khai thác cát. Để dễ dàng chứng kiến tình hình, ông Tăng dẫn tôi ra sát bờ sông, từ đây có thể chứng kiến hết được tất cả những hoạt động trên sông. Tàu thuyền tấp nập, những chiếc thuyền cỡ lớn chỉ hơn một giờ đã đầy cát. “Hễ thấy động là những tàu thuyền này tắt hết đèn, tấp vào bờ xem như không có chuyện gì xảy ra, nhưng khoảng 30 phút sau thì đâu lại vào đó, chúng khai thác xuyên đêm đến tận 4h sáng, khiến dân chúng tôi không ngủ yên với tiếng ồn này được” - ông Tăng nói.

Ông Tăng cho hay, bờ sông Hương đoạn qua địa bàn thôn đang dần bị sạt lở, xói mòn nghiêm trọng do tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây ra. Như tại vị trí nhà ông Tăng, trước đây bờ sông cách móng nhà gần 15m, nhưng nay sạt lở đã ăn sâu, chỉ cách nhà còn chưa đầy 5m.

Người dân ở đó cho hay, cách đây khoảng 1 năm, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Hương ở khu vực này đã tạm lắng. Nhưng hơn 1 tháng qua, thuyền bè lại tập kết về đây hút cát trở lại. “Nhiều hộ dân có nhà nằm mép sông rất lo sợ, bởi nếu cát tặc lộng hành kéo dài, nguy cơ nhà cửa, ruộng vườn bị sạt lở xuống sông chỉ là trong nay mai thôi” - anh Tống Văn Thanh - con trai ông Tăng - lo lắng.

Mảnh đất trồng bưởi, thanh trà của người dân đã bị sạt lở rất sâu vào bên trong. Nếu tình hình không được cải thiện thì mùa mưa bão đến chắc chắn sẽ còn bị sạt lở nhiều hơn nữa. Ảnh: NĐT

Ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch UBND xã Hương Thọ - thừa nhận: “Tình hình khai thác cát trộm, lén lút là rất nhiều, chính quyền cũng đã nhiều lần tổ chức anh em đi truy quét, từ đầu năm đến giờ cũng đã xử phạt hơn 11 trường hợp với số tiền 30 triệu đồng. Thế nhưng, tình trạng khai thác cát trộm vẫn cứ diễn ra, nhất là đoạn từ 11h đêm đến 3h sáng. Trước tình trạng sạt lở do khai thác cát, chúng tôi cũng đã làm tờ trình lên UBND tỉnh, thị xã để xin kinh phí xây kè chống sạt lở một số điểm, chứ để như vậy đến mùa mưa bão thì nguy hiểm lắm”.

Dân dựng lán trại tự bảo vệ sông

Tại thôn Hạ, xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) tình trạng cát tặc rút ruột sông quá nhiều và đất đai bị sạt lở xuống sông Tả Trạch đã buộc người dân ở đây phải dựng lán trại canh giữ ngày đêm.

Sông Tả Trạch bắt nguồn từ dãy núi Bạch Mã chảy qua bao nhiêu thác ghềnh rồi về hợp lưu với sông Hữu Trạch ở ngã ba Tuần để rồi hòa mình vào sông Hương thơ mộng. Một nhánh sông tạo nên sông Hương, thế nhưng bao lâu nay, sông Tả Trạch cũng đang đứng trước sự uy hiếp của nạn cát tặc. Hai bên bờ sông, đoạn chảy qua xã Dương Hòa đang bị sạt lở nghiêm trọng, vườn tược, cuộc sống của người dân đang bị đe dọa.

Mảnh vườn của bà Phan Thị Chanh, đang bị sạt lở gần hết, những mảng đất há miệng chờ sụp xuống lòng sông, những vết nứt nẻ kéo dài. Tại hiện trường, một lượng lớn đất đã bị dòng nước cuốn xuống đáy. Những hàng cây, bụi tre tưởng chừng là bức thành vững chãi có thể chống chọi lại với sạt lở, xói mòn giờ cũng nằm trơ trọi dưới mặt nước.

“Mảnh đất này trước đây tôi làm đậu, nhưng năng suất thấp, mấy năm nay tôi chuyển qua trồng thanh trà, bưởi... Nhưng mới trồng xuống thì đã bị xói mòn, sạt lở như vậy rồi đó. Tình trạng này kéo dài lâu rồi, nếu không xử lý được chắc mùa mưa lụt đến sẽ sạt lở nhiều hơn nữa” - bà Chanh thẫn thờ.

Để hạn chế tình trạng khai thác cát và bảo vệ đất đai, người dân thôn Hạ đã phải dựng lán trại và thay nhau canh trực để xua đuổi cát tặc. Đội tự quản mới thành lập được chưa tròn tháng, nhưng ông Nguyễn Văn Trước - Trưởng thôn Hạ - cho hay: “Từ lúc thành lập tổ tự quản đó đến nay, tình trạng khai thác cát đã giảm 
đi nhiều”.

Đội tự quản ban đầu được thành lập chủ yếu là các thanh niên, trai tráng trong làng. Họ thay phiên nhau trực đêm, trực ngày ngoài chòi, hễ thấy có thuyền khai thác cát dưới sông là đội đưa thuyền ra xua đuổi. Từ lúc thành lập đến nay, đội cũng đã bắt được mấy trường hợp. Để tăng hiệu quả trong việc xua đuổi cát tặc, UBND xã Dương Hòa cũng đã cho tăng cường Công an xã, Dân quân tự vệ về tuần tra giúp dân.

Chủ khai thác cát đổ lỗi cho dân và thủy điện

Việc đất sạt lở ở thôn Hạ (xã Dương Hòa) được doanh nghiệp khai thác cát giải thích rằng do thời tiết và thủy điện xả lũ đã làm dòng chảy mạnh dẫn đến sạt lở đất hai bên bờ sông. Người dân ở đó cho biết, sau khi đất bị sạt lở, người dân tiến hành đo thì thấy diện tích đất bị sạt lở ăn sâu vào trong 30 mét, sâu 14 mét và kéo dài hơn 300 mét. Nhiều người lo sợ đến mùa mưa bão tình trạng sạt lở sẽ còn diễn ra và mạnh hơn, lúc đó, những vườn thanh trà, bưởi của người dân mới trồng rất dễ bị dòng nước cuốn trôi. Bởi hiện tại, một số địa điểm đã có những vết nứt kéo dài.

Trong lúc đó, ông Trần Vĩnh - Giám đốc Công ty Phú Vĩnh - thì cho rằng do thủy điện xả lũ quá nhiều trong khi nước lên nên làm đất đai của người dân bị sạt lở nghiêm trọng. “Chúng tôi có làm tờ trình để gửi lên UBND tỉnh phản ánh về việc các đơn vị thủy điện xả lũ dữ quá, nước đổ về làm xói mòn đất dẫn đến sạt lở. Việc sạt lở chỉ do chúng tôi một phần thôi. Khi tỉnh cấp giấy phép cho chúng tôi là vừa khai thác cát, vừa khai thông dòng chảy” - ông Vĩnh khẳng định.

Khi chúng tôi hỏi, người dân phản ánh việc cột mốc cắm phân chia ranh giới được khai thác nhưng bị lôi và dịch chuyển vào trong bờ để mở rộng địa giới khai thác, thì ông Vĩnh giải thích rằng cái đó là do nước đẩy đi một phần và cũng do những thuyền bè khai thác trộm họ dịch chuyển. Ngoài ra, ông Vĩnh cho rằng người dân ở thôn Hạ thỏa thuận với các chủ tàu thuyền không được cấp phép vào khai thác trộm.

“Người dân cho những tàu thuyền không phép vào khai thác để làm tiền. Giờ dân trên đó họ vừa ném đá, vừa la làng. Cát trên đó cũng gần hết, bây giờ toàn cát xấu, chúng tôi cũng chỉ khai thác cỡ 2 đến 3 năm nữa là cạn kiệt” - ông Vĩnh nói.

Bọn hút cát ở đây rất manh động

“Đội tự quản ra đời cũng hay, nhưng đa phần người dân ở đây đều còn nghèo khó, họ là trụ cột gia đình nên cũng phải mưu sinh, thế nên tôi sợ anh em ảnh hưởng đến sức khỏe. Bọn hút cát ở đây rất manh động, có những trường hợp chúng phản ứng lại, cũng may trong đội chưa có ai bị gì. Từ lúc có đội tự quản thì tình hình ổn định hơn, nhưng tôi nghĩ cơ quan chức năng nên có một phương án nào đó quyết liệt hơn với nạn cát tặc này, chứ không thể để dân tự chống chọi lại như vậy được” - ông Trước nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn