MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy thuốc ưu tú Trần Đình Thông khám cho bệnh nhân

Gặp bác sĩ chọn trạm y tế xã để lập nghiệp thay vì bệnh viện lớn

Quang Đại LDO | 07/07/2015 20:33
Để có “thương hiệu” Trạm Y tế Diễn Vạn (Diễn Châu, Nghệ An) như hôm nay với vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” vào năm 2009, không thể không nhắc đến bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Trần Đình Thông, người cách đây 35 năm, khi tốt nghiệp y khoa đã chọn Trạm Y tế Diễn Vạn để lập nghiệp thay vì bệnh viện lớn.
Lâu nay, danh hiệu thầy thuốc ưu tú thường được mặc định trao cho các bác sĩ đang công tác tại những bệnh viện lớn, chít ít cũng là tuyến huyện. Vậy nên tôi ngạc nhiên vô cùng khi hay tin Trưởng Trạm Y tế xã Diễn Vạn là một thầy thuốc ưu tú.

Nối tiếp truyền thống của người cha là bác sĩ Trần Thư Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quế Phong (Nghệ An), từ nhỏ Trần Đình Thông đã hướng tâm nguyện học nghề chữa bệnh cứu người. Là con trai duy nhất, ra trường, nghe lời bố, Trần Đình Thông không chọn các bệnh viện lớn mà xin về công tác tại trạm y tế quê nhà. 

“Tôi nghe lời cha để về chăm sóc mẹ, đồng thời muốn làm cái gì đó giúp dân. Dân quê bãi ngang rất nghèo, ý thức phòng bệnh kém, nếu trạm y tế xã không tử tế mà đi bệnh viện xa thì tốn kém, khổ cực lắm”.

35 năm công tác trong ngành y, chừng ấy năm bác sĩ Thông gắn bó với Trạm Y tế Diễn Vạn. Và ông là cán bộ y tế cấp xã đầu tiên ở Nghệ An đến thời điểm này được phong tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc ưu tú.

Con ông có 2 người nối nghiệp bố, trong đó chị Trần Thu Thủy hiện đang làm dược sỹ tại Trạm Y tế Diễn Vạn.

“Bố em nghiêm khắc lắm, đến cơ quan không có chuyện ưu ái gì cho em hết, nếu em có sơ suất gì là bị bố “thẳng cánh” phê bình. Còn ở nhà, theo yêu cầu của bố thì mọi thứ phải sạch như lau, nếu em chưa kịp làm là bố nói ngay, vừa nói bố vừa làm luôn”. Thủy bảo “em học được ở bố sự tâm huyết với nghề nghiệp, đức tính cẩn trọng, gương mẫu, lòng nhân ái…”.
Phòng xét nghiệm của Trạm Y tế Diễn Châu  

Tôi làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi với mấy người dân đến khám bệnh tại Trạm hôm đó và gần như nhận được chung câu trả lời: “Bác sĩ Thông nghiêm nhưng thương dân lắm và các nhân viên ở đây đều như vậy”.

Hỏi về sự “nghiêm”, bác sĩ Thông cười: “Làm nghề y, một khi đã sai sót thì không bao giờ có cơ hội khắc phục, vì vậy, cẩn trọng bao nhiêu cũng không thừa. Chỉ cần sơ suất một tý, là hậu quả đến với mình ngay.

Tôi khắc cốt ghi tâm lời của cụ Lê Hữu Trác: Suy nghĩ thật sâu xa tôi hiểu rằng thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, hoạ phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng”.

Kỳ 1: Bác sĩ cứu người bằng... miệng

1.000 người đến trạm, chỉ có 3 người chuyển lên tuyến trên

BS Cao Đình Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu cho biết: Trạm Y tế Diễn Vạn - cơ sở y tế cấp xã duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới là một trong những trạm có số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị vào tốp đầu của huyện, là điển hình để nhiều địa phương khác trong huyện học tập.

Từ năm 2010 về trước, trung bình mỗi năm có 8 – 9 nghìn lượt bệnh nhân khám và điều trị tại Trạm. Từ năm 2011 – 2015, con số đó tăng lên 15 – 16 nghìn lượt; 6 tháng đầu năm 2015, bệnh nhân đã đạt đến con số 9 nghìn lượt; tỷ lệ chuyển viện cũng thấp ở mức kỷ lục: 0,03%, nghĩa là cứ một nghìn người đến trạm, chỉ có 3 người chuyển viện. 

Đặc biệt Trạm Y tế xã Diễn Vạn mỗi năm trung bình có đến 165 ca đỡ đẻ, tất cả đều cho kết quả mẹ tròn con vuông.

 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn