MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hồ Ngọc Cảnh đi thi THPT

Gặp người đi thi tốt nghiệp phổ thông cùng… cháu ngoại

Nhật Hồ LDO | 06/08/2015 17:06
Sau 3 lần “vượt vũ môn”, đã từng đi thi cùng… cháu ngoại, ông Hồ Ngọc Cảnh, 70 tuổi, ấp Tân Lợi, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã đường hoàng trở thành “ông tú” tại kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm nay. Và đường học vấn của ông vẻ như chưa dừng lại.

Học không có tuổi

Sinh năm 1945, ông Hồ Ngọc Cảnh là thí sinh lớn tuổi nhất tham gia kỳ thi THPT tại cụm thi Tiền Giang – Bến Tre vừa qua. Điểm thi tại Trường THPT Nguyễn Thị Định, nơi ông đăng ký dự thi, không ít người xôn xao vì có một “ông lão” đi thi THPT.

Ông Cảnh có 7 người con, 5 trai 2 gái và có đến 11 cháu nội lẫn cháu ngoại. Con cái ông đều đã trưởng thành và công việc ổn định. Để có được điều này, cả tuổi xuân của ông Cảnh quần quật mưu sinh. Sau khi “bị nhà nước chê” (về hưu), ông mới tính chuyện mở cơ sở đông y tại địa phương để vui tuổi già và hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Ông cười, bảo, "cứ nghĩ đơn giản, có tay nghề là mở được, nào dè quy định trình độ thấp nhất phải THPT.  Rảnh rỗi không làm gì,  đăng ký học bổ túc văn hóa tại huyện Giồng Trôm và trong lòng quyết tâm lấy cho kỳ được cái bằng “tú tài” để về mở cơ sở đông y".

 Góc học tập của ông Cảnh

Ngày đầu ông Cảnh vào học chương trình bổ túc ở tuổi 67, cả Trung tâm ai cũng ngơ ngác. Sau đó thì đến lượt ông ngơ ngác. Ông cười xòa nhớ lại “44 năm rồi còn gì, chương trình giáo dục thay đổi liên tù tì nên kiến thức trung học hồi năm 1968 nó gần như bay mất tiêu. Môn toán tui còn nhớ chút đỉnh bởi hồi đó tui là học sinh giỏi toán mà. Còn môn lý, môn hóa họ hệ thống kiến thức từ lớp 10 lận nên mình theo chật vật lắm mới kịp”.

Ông Cảnh còn nhớ, các thầy cô của TT GDTX huyện Giồng Trôm đã tận tình hướng dẫn, động viên ông, và nêu tấm gương của ông cho các cháu nên dù ông có muốn nghỉ vài ngày cũng thấy “quê quê”, phải tiếp tục quyết tâm. Khi học, ông chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Lúc nào cũng ghi chép cẩn thận. Sợ theo không kịp con cháu nó cười cho.

Dù rất chăm chỉ, nhưng tại lần thi đầu tiên vào năm 2013, ông đã trượt, trong khi đứa cháu ngoại của ông thi cùng năm thì đậu, và bây giờ đang là sinh viên năm thứ hai tại Đại học Kiến trúc TP.HCM.
Ông Cảnh đi thi 

Không nản chí, năm 2014 ông tiếp tục “lều chõng” đi thi và lại... trượt. Ông lại cười, mái tóc bạc trắng rung rung: “Ông bà nói quá tam ba bận. Tôi tiếp tục luyện lại một năm nữa với hy vọng lần thứ 3 sẽ đậu. Bây giờ thì đậu thật rồi!”. Một chút thật thà ông kể, "vì là lần thứ 3 đi thi nên tui cũng chuẩn bị… “bùa” (tài liệu dùng để quay cóp) được viết trong cuốn Atlat môn địa lý..."

Nhưng, trước khi vào phòng thi, ông không chịu được sự gian dối nên trình bày với hội đồng, nộp cái bản Atlat có “bùa”, chỉ đem bản không có chữ viết tay nào. Môn địa lý ông được 3,5 điểm.

Vào trung tâm GDTX ngồi cùng những đứa đáng tuổi cháu mình ông dẹp đi tất cả các tự ái về độ tuổi, chuyên cần cho việc học. “Tụi trẻ nó thấy mình lớn tuổi cũng nể nang. Khi tụi nó choảng nhau, mình khuyên lơn, chúng  nó lại nghe” – ông kể. Kết quả thi được công bố tại Sở GDĐT tỉnh Bến Tre, điểm trung bình điểm thi và điểm tổng kết học bạ của ông Cảnh là 4,75.

Theo quy định thí sinh lớn tuổi sẽ được ưu tiên cộng 0,25 điểm. Thế là ông Cảnh vừa tròn điểm đậu tốt nghiệp. Để theo học lấy bằng THPT, ông Cảnh nhẩm tính tốn gần 20 triệu đồng.

Sẽ học lên đại học!

Tin ông Cảnh 70 tuổi đậu THPT lan rất nhanh tại xã Tân Thanh và huyện Giồng Trôm. Ai cũng lắc đầu thán phục. Anh Nguyễn Thanh Tân, nhà cùng xóm với ông chia sẻ: “Tui phục ông già thật. Từng tuổi ấy mà còn đi học, đi thi, mà lại đậu nữa chứ. Đúng là ông ấy quyết tâm ghê lắm mới có kết quả như vầy”.

Còn anh Hùng, cán bộ xã Tân Thanh khi nghe chúng tôi muốn tìm nhà ông Cảnh rất nhiệt tình: “Ông thầy Cảnh hả. Ổng mới vừa đậu tốt nghiệp THPT phải hôn. Để tui chỉ cho anh tìm. Ông già hay thiệt đó, 70 tuổi mà còn đi học khiến anh em tụi tui nể quá chừng”.

Tôi hỏi, ông tốt nghiệp THPT ai mừng nhất? Trầm ngâm giây lâu, ông lý nhí: “Chắc bà vợ tui”. Rồi ông kể, hôm nghe tui đậu tốt nghiệp, vợ tui (bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, 67 tuổi) chỉ hỏi một câu “đậu rồi phải hôn”, rồi mỉm cười đi tuốt!

Ước mơ học đại học chuyên ngành đông y luôn cháy bỏng trong cụ Cảnh

Quyết tâm học lấy bằng THPT để được mở cơ sở đông y tại địa phương, nhưng khi đã đậu rồi ông lại băn khoăn. Bởi hiện tại toàn tỉnh Bến Tre chưa có lớp đào tạo đông y hệ Trung học, cao đẳng hay đại học. Hai ngày nay ông liên hệ với Sở GDĐT và Trường Trung học Y tế tỉnh tìm xem có lớp đông y hay không nhưng những nơi này lắc đầu. Họ trả lời chỉ mở lớp Y học cổ truyền thôi, còn đông y thì chưa.

Ước mơ trở thành lương y chuyên ngành đông y của ông cụ xem ra vẫn còn rất xa. Hơn ai hết, ông biết rõ điều đó, chính vì vậy hiện tại ông chăm sóc cho 4.500m2 vườn nhà mình chuyên trồng hoa lài để dành dụm tiền cho việc đi thi đại học.

“Quyết tâm học hành là tốt, nhưng còn phải coi điều kiện kinh tế, sức khỏe và trình độ của mình nữa chứ. Dù sao, thế nào tui cũng quyết tâm đi học cho bằng được. Ở Bến Tre không mở hệ đông y thì tui cố gắng luyện thi vào Trường Đại học Y dược TP.HCM chuyên ngành đông y”.

Bất chợt ông hỏi tôi: “Sao người ta không liên kết với các trường đại học để mở lớp đào tạo đông y hả cháu? Cả tỉnh này hơn 100 người làm công tác đông y mà có ai có bằng cấp gì đâu. Đi ra ngoài người ta gọi là thầy lang, có người gọi lang băm nữa, buồn ghê luôn”.

Đại học không phải là con đường dễ dàng đối với các bạn trẻ huống chi với người cao tuổi. Tôi hỏi thẳng: “70 tuổi rồi sao không nghỉ ngơi mà học hành làm gì cho cực khổ?”

Ông từ tốn: “Học trước hết là cho mình, bởi vì kiến thức không bao giờ đủ cả, mình cần phải học dù tuổi trẻ, hay tuổi già. Sau đó là để dạy con cháu mình. Rèn cho cháu con sự quyết tâm, kiên trì. Mình mà không chịu học, nói ai nghe bây giờ. Có người nói với tui, già “trớt mấu đòn gánh” rồi còn học mần gì. Tui hổng giận mà còn quyết tâm hơn nữa và thương cho những ai không quyết chí học hành”.

Tôi lại hù ông bằng cách kể rất nhiều cử nhân ra trường chạy đôn chạy đáo vẫn không có việc làm. Cùng đường buộc lòng phải bỏ cái bằng cử nhân trong ngăn tủ để đi làm công nhân.
Ở tuổi 70, cụ Cảnh luôn lạc quan chuyện học hành của mình  

Ông nghe rất chăm chú rồi ngắt lời bằng một triết lý: “Cuộc đời mà, đôi khi ngõ cụt của người này lại là đường sáng của người kia, biết đâu mà lần! Với lại tui cho rằng, cơm áo, gạo tiền của cha mẹ nuôi 4 – 5 năm trời đại học lại không sử dụng được hoặc không biết sử dụng để đến mức phải đi lao động chân tay kiếm cơm qua ngày là quá lãng phí chất xám và tiền của, công sức”.

Xong, ông lại kể cho tôi nghe chuyện địa phương này đi thi hộ cho lãnh đạo; địa phương khác gần đến đại hội Đảng mới phát hiện lãnh đạo không có bằng THPT… Rồi ông trầm ngâm: “Phải chi họ chịu học hành đàng hoàng thì dân nhờ dữ lắm luôn đó. Chắc họ sĩ diện không chịu học nên thiệt thân. Đi học mà sĩ diện cái gì hả trời!”.

Hôm đó, ông tiễn tôi ra tận cổng, rồi cầm tay nhờ đi nhắn lại “chú hỏi dùm năm nay Bến Tre có mở hệ Trung cấp hay cao đẳng đông y gì không. Nếu không tui sẽ luyện năm sau đi thi đại học Y dược à nghen!”. Tôi “dạ”, mà không biết nên vui hay buồn…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn