MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xác lợn chết bị ném ra vệ đường ven thành phố Cao Bằng (ảnh chụp ngày 22.3.2017).

“Giết” suối Củn và hơn thế nữa...

LÃNG QUÂN LDO | 26/03/2017 12:05
Xác lợn chết trải đầy đèo Bông Lau, trải từ Lạng Sơn sang Cao Bằng, từ Phú Thọ lên Tuyên Quang, Hà Giang. Những con lợn bị cho uống thuốc an thần, nằm ngất ngư trong xe, đi hàng nghìn cây số “vượt biên” đã chết thảm. Những xác lợn chết bị vứt bừa bãi, “bức tử” môi trường...
Lợn chết “chọc tiết” môi trường sống

Tình cờ chúng tôi gặp vợ chồng ông Hoàng Văn Rương đi tập thể dục buổi chiều muộn. Nhà ông ở gần khu tập thể Măng Gan, thuộc phường Sông Bằng, TP Cao Bằng vài cây số. Ông đi dọc con suối Củn, cũng là dọc con đường huyết mạch nối TP Cao Bằng vượt đèo Mã Phục, vào các huyện Quảng Uyên, Trà Lĩnh, Trùng Khánh. Khi ấy chúng tôi đang nín thở chụp ảnh một con lợn chết nặng khoảng 1,4 tạ nằm chềnh ềnh đen kịt và tím thịm ngay ta luy dương của đường. Người đi đường đều hãi hùng, bịt miệng, bịt mũi.

Ông Rương bảo: tôi là tổ trưởng dân phố tổ 10, lại là đại biểu hội đồng nhân dân phường. Bà con đã nhiều lần kiến nghị lên cử tri, lên các cấp lãnh đạo để làm sao diệt trừ nạn ném xác lợn chết ra suối Củn. Nhưng, suốt bấy lâu nay, sự việc vẫn đâu đóng đấy. 

Ông Rương chỉ chấp nhận đưa chúng tôi đi tìm hiểu vụ việc, với điều kiện phải bỏ ô tô ở nhà ông và leo lên xe máy do ông chở đi. “Nhà báo phải thấy cái mùi khủng khiếp này. Phải dùng mũi ngửi thì mới tìm ra được hết các xác lợn bị ném xuống suối. Bởi họ bao giờ cũng chọn chỗ khuất để dừng xe tải và ném xác lợn xuống vực hoặc xuống các góc cua khuất tầm nhìn. Họ thường ném vào nửa đêm, nên rất khó phát hiện”. 

Chúng tôi vừa đi vừa ngửi. Suốt 3km mà ông Riêng đưa đi, la liệt xác lợn dưới vực, bên suối và cả trôi lềnh bềnh trên bờ suối. Suối Củn chảy róc rách dưới vực ven đường, cỏ dại cây cối phủ kín đôi bờ, nên phải quan sát kỹ mới thấy các “chiến trường xác lợn”. Có khi 5 con lợn tạ nằm cạnh nhau, bên bờ suối. Ruồi nhặng, các loài côn trùng bu kín. Xanh lè, đen kịt, tím tái. Có xác lợn chỉ còn bộ da phủ lên mặt đất. Có xác lợn trắng toát, trôi lềnh bềnh giữa suối. Có chỗ, đàn lợn chết đồng loạt chổng bốn vó lên giời. Không gian đặc quánh mùi thối.

Nhóm công nhân làm đường bị mùi khủng khiếp “tấn công”, không biết kêu ai, họ chở đất đá tống xuống suối Củn để vùi lấp xác lợn. Anh Việt Anh, trưởng nhóm từ thiện Discovery Cao Bằng, người bao năm gắn bó với Suối Củn, cho biết: “Bà con ven suối vẫn sống bằng nghề chài lưới. Năm ngoái 2016, tôi vẫn tắm suối Củn và đi câu cá ngắm cảnh đẹp ven suối. Bây giờ không ai dám đi dọc một khúc suối vì mùi thối xác lợn. Bà con bỏ nghề chài lưới. Môi trường bị giết chết theo đúng nghĩa”. Đáng sợ không kém là việc một số bà con sử dụng nước suối cho sinh hoạt, nhiều gia đình đào giếng ven bờ suối để lấy nước ăn.

Chúng tôi khảo sát gần chục cây số đường nhựa chạy ven suối Củn, thì có đến cả chục khu “trạm dịch vụ Đổ nước mui xe, tắm lợn 24/24”. Thậm chí họ xây dựng cả một khu vực chuồng trại rộng lớn, đêm về thắp điện sáng choang như khu đô thị mới. Để đón các xe lợn, họ tắm rửa cho lợn, cho lợn ăn uống, nhất là những khi tắc biên (không xuất được hàng) cần phải đảm bảo lợn không bị chết. Bao nhiêu nước tắm lợn, phân rác từ xe chở lợn rồi cả lợn chết nữa, đều bị tống cả ra suối Củn. Tình trạng này diễn ra ở khắp các huyện, các đường biên có thể xuất bán lợn sang Trung Quốc.

Cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý các lò mổ và chế biến thịt lợn chết, thịt lợn thối thành thực phẩm bán ra thị trường.

Xúc tiến xây dựng các trung tâm xử lý lợn chết

Từ thông tin của chúng tôi, UBND tỉnh và ngành chức năng cũng ra quân quyết liệt. Các “bãi rác thịt lợn” ven đường xuất khẩu lợn ở vùng Bảo Lạc đã được khống chế. Tuy nhiên, đánh chỗ nọ thì nó thò chỗ kia. Quảng Uyên, Trùng Khánh, rồi Bảo Lạc, Phục Hòa đều là các huyện từng xuất hiện nạn vứt lợn chết ra đường, ra sông suối, khiến bà con vô cùng bức xúc. Bây giờ đến ven thành phố tỉnh lỵ Cao Bằng cũng gặp họa. Dĩ nhiên là không dễ để quản lý triệt để, bởi lòng tham con người là vô đáy, nhất là khi mỗi con lợn đáng vứt đi, nếu “tận dụng” có thể thu được tiền triệu.

Theo nhiều lái xe, phía Trung Quốc làm nghiêm nên họ không dám vứt xác lợn ở đó, nên phải mang về Việt Nam vứt. Vậy thì tại sao người Việt Nam ở giáp biên không làm được cái việc kiểm soát mà phía bạn làm được, để đến nỗi Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn..., chỗ nào cũng phải đau đầu? Lãnh đạo tỉnh từng tính đến việc lắp camera giám sát ở những điểm trọng yếu nhiều lợn chết bị ném ra môi trường. 

Điều nữa, ví như ở phường Đề Thám, trong nội đô thành phố Cao Bằng, năm ngoái, cơ quan chức năng bắt giữ một lò mổ đem lợn chết về mổ, đối tượng người Vĩnh Phúc lên làm ăn đã bị xử phạt nghiêm và “biến” khỏi Cao Bằng. Nhưng năm nay, sự việc tại tái diễn. Được biết, xác lợn được bán ra chợ, bán cho cả một trung tâm nuôi dưỡng những người thiệt thòi ở gần đó. Câu hỏi đặt ra ở đây là: bà con bức xúc từng chất vấn cán bộ nhiều lần, từng tố cáo nhiều lần, kẻ xấu trắng trợn bốc xác lợn chết về chế biến giữa khu dân cư ngay khi mặt trời còn chói chang. Vậy sao cơ quan chức năng không bắt được?

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng trao đổi với chúng tôi một số giải pháp. Đó là, tỉnh đang xúc tiến xây dựng ở các tuyến đường đưa lợn sang bên kia biên giới một số chôn lấp, xử lý xác lợn chết. Các chủ hàng được thông báo rộng rãi, yêu cầu tiêu hủy lợn chết ở đó. Họ được hỗ trợ kinh phí chôn lấp xác lợn. Từ đó, lái xe nào còn vi phạm thì sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. 

Phương án lắp camera ở các trọng điểm “lợn chết” cũng được tính đến. Các ổ giết mổ bán buôn lợn chết, lợn thối cần đưa ra xử lý quyết liệt, triệt để. Nếu làm được như thế, thì lợn chết sẽ không gieo rắc thêm những cái chết thảm cho môi trường, cho sức khỏe con người cũng như niềm tin của bà con vào năng lực quản lý của cán bộ nữa.

Chùm ảnh: La liệt xác lợn chết ven suối Củn

 

 

 

 

 

 

 

 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn