MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe hợp đồng dưới 9 chỗ bị cấm hoạt động trên một số tuyến đường từ ngày 11.1.2018. Ảnh: LÊ HOA

Hà Nội cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ: “Thông” tuyến này, “tắc” tuyến khác?

LÊ HOA - TIẾN DŨNG LDO | 13/01/2018 14:21
Từ ngày 11.1.2018, các loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ bị cấm hoạt động tại 13 tuyến phố trên địa bàn TP.Hà Nội vào khung giờ cao điểm. Nhiều tài xế cho rằng, việc cấm phương tiện hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào các tuyến phố đó để giảm thiểu ùn tắc giao thông, nhưng công việc thì vẫn phải đi, do đó cấm tuyến phố này lại “tắc” tuyến phố khác...

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động tại một số tuyến đường cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ, rất nhiều xe ôtô vi phạm vẫn “tung hoành” trên phố cấm.

Tài xế chỉ rõ bất cập

Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, hiện nay 13 tuyến phố đã có biển cấm phương tiện đi vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ thì vẫn chạy “tự nhiên” như chưa hề có lệnh cấm.

Qua ứng dụng trên điện thoại di động, chúng tôi gọi một xe Grab và nói rõ sẽ đến tuyến đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), là tuyến đường cắm biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ từ 0h đến 21h. Lái xe cho biết: “Cái đó không ngại, xe được gắn logo nên yên tâm, khi công an phát hiện thì cũng khó có căn cứ để xử lý, anh chị (PV) cứ nói là người nhà của em là được”.

Chiều 11.1, nhóm PV Báo Lao Động đã có chuyến đi thực tế trên các chuyến Uber, Grab thì nhận thấy: Các phương tiện hợp đồng dưới 9 chỗ vẫn lưu thông trên một số tuyến phố cấm. Tại khu vực đường Cầu Giấy, xe taxi truyền thống và xe Grab, Uber vẫn ngang nhiên đón trả khách. Còn ở đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương… các phương tiện hợp đồng dưới 9 chỗ vẫn “phớt lờ” lệnh cấm, và không có cơ quan chức năng nào xử lý.

Theo anh Đ.N.V (tài xế Uber), việc cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ tại 13 tuyến phố nội thành Hà Nội là phương án giảm thiểu ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, phương án này cũng chưa thực sự hợp lý bởi với xe Uber khi nhận khách xong thì mới biết khách đi đâu.

Bởi vậy, khi khách muốn đến tuyến đường cấm phương tiện vào giờ cao điểm thì lái xe buộc phải hủy chuyến đi hoặc đi tuyến đường khác đến địa điểm đó, như vậy sẽ rất dễ nảy sinh mâu thuẫn giữa lái xe với khách hàng, đồng thời lộ trình di chuyển của lái xe sẽ dài hơn, giảm ùn tắc ở các tuyến đường cắm biển nhưng lại đẩy ùn tắc sang các tuyến đường khác.

Còn lái xe N.Q.T (tài xế Grab) thì cho rằng: Không thiếu gì cách để qua mặt cơ quan chức năng như bóc logo, phối hợp giữa lái xe và khách hàng… Việc cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ không ảnh hưởng nhiều đến xe Grab, Uber, nhưng thiệt thòi nhất vẫn là người dân không được sử dụng dịch vụ tiện lợi, với chi phí phù hợp.

Cùng quan điểm trên, anh N.V.Q (lái xe Grab) cho rằng: Đối với các khách hàng nước ngoài, khách du lịch, việc cấm phương tiện dưới 9 chỗ đi vào một số tuyến đường giờ cao điểm hết sức bất cập. Khi đó, việc bất đồng ngôn ngữ sẽ xảy ra, lái xe khó có thể giải thích được với khách hàng về việc cấm đường.

Ngoài ra, hằng ngày chúng tôi sử dụng xe để kinh doanh dịch vụ Grab, nhưng khi chúng tôi sử dụng xe để đi đón người thân, lúc đó xe không sử dụng vào mục đích kinh doanh nữa thì sẽ xử lý thế nào. Điều này cũng cần phải làm rõ…

Việc cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ tại nội thành Hà Nội chưa thực sự hợp lý bởi với xe Grab, Uber khi nhận khách xong thì mới biết lộ trình di chuyển. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cấm xe - liệu có vẹn toàn?

Về việc cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào đường cấm, trao đổi với Báo Lao Động, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết: Đối với Hà Nội, Đề án quản lý phương tiện giao thông đường bộ, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đã được HĐND thông qua tại Nghị quyết 04 và được UBND thành phố ban hành. Trong đó, nội dung của đề án có đề cập đến việc quản lý phương tiện giao thông đường bộ.

Hà Nội xác định, xe hợp đồng dưới 9 chỗ cũng như Uber, Grab phải được quản lý như xe taxi. Về tổ chức giao thông thuộc thẩm quyền Hà Nội, Sở GTVT triển khai thực hiện. Trước mắt cắm biển hạn chế xe taxi ở những khu vực hạn chế xe taxi thì hạn chế luôn cả xe Uber, Grab.

Theo ông Viện: Trong 10 ngày đầu, chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền nhắc nhở các phương tiện. Sau đó, sẽ xử lý đối với xe Uber, Grab và các xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào những tuyến phố cấm giờ.

Ông Viện cho rằng: Cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào một số tuyến đường thể hiện quan điểm của Hà Nội coi xe Uber, Grab tương đương với xe taxi và quản lý như xe taxi, góp phần giảm ùn tắc giao thông. “Việc cắm biển cấm sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận người dân quen sử dụng dịch vụ Uber, Grab. Tuy nhiên, để giảm thiểu ùn tắc thì đó là giải pháp tốt. Chúng tôi sẽ rà soát các tuyến đường, nếu tuyến nào không cần thiết sẽ dỡ bỏ biển hạn chế” - ông Viện nói.

Về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng, việc cấm xe nói chung, cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên một số tuyến đường nói riêng thuộc thẩm quyền của TP.Hà Nội. Cấm xe dưới 9 chỗ là để đối phó với xe Uber, Grap, như vậy không phải là giải pháp tốt.

Sáng 11.1, BCH Hiệp hội Vận tải Hà Nội có họp và phản ứng việc cấm xe đó, bởi không chỉ có xe Uber, Grab mà rất nhiều doanh nghiệp được cấp phù hiệu hợp đồng đưa đón khách cũng ảnh hưởng theo.

Có thể thấy, cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ nảy sinh rất nhiều bất cập. Ví dụ, khách từ sân bay Nội Bài về Hà Nội nghỉ ngơi, hay khách từ các bến xe vào thành phố, vì biển cấm đường mà xe không vào được. Như vậy sẽ này sinh nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến du khách và hình ảnh của Hà Nội. Chính vì vậy, giải pháp cấm xe là không phù hợp. “Anh muốn hạn chế xe cá nhân phải có cái gốc của nó, đó là sự gia tăng phương tiện vận tải và hạ tầng cơ sở yếu kém chứ không phải là cấm xe, cấm đường” - ông Liên nói.

Theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về việc xóa bỏ biển cấm taxi ở 12 tuyến phố. Sở Giao thông Hà Nội chưa tổ chức cuộc họp nào, chưa trả lời Hiệp hội, trái lại còn cắm thêm biển cấm đi vào 13 tuyến phố. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải Hà Nội kiên quyết phản đối chủ trương này.

Các tuyến đường (phố) hạn chế hoạt động trong khung giờ cao điểm từ 6h00 - 9h00 và 16h30 - 19h30 gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh (đoạn từ Vương Thừa Vũ đến Tôn Thất Tùng), hạn chế hoạt động theo cả hai chiều. Phố Khâm Thiên hạn chế hoạt động theo chiều từ Lê Duẩn đi Ô Chợ Dừa. Các tuyến đường (phố) hạn chế hoạt động từ 0h đến 21h00 gồm đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, hạn chế hoạt động theo cả hai chiều. Các tuyến đường (phố) hạn chế hoạt động 24/24h (cả ngày, đêm) gồm: Phố Phủ Doãn - hạn chế hoạt động theo chiều từ Tràng Thi đến Hàng Bông; ngõ 897 Giải Phóng (cổng vào bến xe phía Nam), hạn chế hoạt động theo chiều từ Giải Phóng đi vào bến xe. Cầu Chương Dương, hạn chế hoạt động theo chiều từ Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật trong thời gian từ 6h00 đến 9h00 trừ ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật. Phố Hàng Bài (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt), hạn chế hoạt động theo chiều từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt, thời gian từ 19h00 đến 24h00 các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn