MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thuyền bè đã bị tiêu hủy sau khi người dân chuyển lên bờ sinh sống (ảnh nhỏ). w Người dân lo lắng tiền phòng giữa cuộc sống mưu sinh đầy vất vả (ảnh lớn).

Hạnh phúc “lên bờ”

MINH PHẠM - CAO NGUYÊN LDO | 26/11/2017 07:00
Sau gần 40 năm bám trụ trên mặt sông Hồng, trải qua bao nỗi lênh đênh, trôi nổi, người dân xóm ve chai ven sông Hồng đã chuyển lên bờ và có một cuộc sống mới trong hạnh phúc vỡ òa...

Không điện, không nước, không nhà, không hộ khẩu

Tìm về xóm trọ mới của cư dân thuyền bè, tôi được nghe người dân kể lại những câu chuyện khi họ còn bấp bênh trên sông nước với bao chật vật, thiếu thốn. Với họ, cuộc sống ven sông nay đã thuộc về ký ức ngày hôm qua. Xóm ve chai ven sông trước đây gồm 13 hộ dân sinh sống.

Gọi là hộ dân vậy thôi chứ có nhiều chiếc bè chỉ độc nhất một người. Họ là những người lao động nghèo, làm đủ nghề để kiếm sống. Không nhà, không cửa và không đủ tiền thuê trọ, họ đóng thuyền bè và lênh đênh cuộc sống trên sông.

Những ngôi nhà trên sông ấy đã tồn tại gần 40 năm nay. Có người ít nhất cũng sống 6 năm trên thuyền, có người gắn bó với cuộc sống sông nước hai ba chục năm. Khó khăn, thiếu thốn và bấp bênh như vậy, nhưng may mắn đã đến với họ vào đầu tháng 11 vừa qua: 13 hộ dân xóm thuyền bè đã được chuyển lên bờ sinh sống, ven sông Hồng không còn những ngôi nhà nổi nhếch nhác, khó coi.

Căn nhà vẻn vẹn khoảng 3m2 lọt thỏm trong con ngõ nhỏ hẹp là nơi ở mới của bà Trần Thị Tuyết. Không gian khiêm tốn chỉ vừa đủ kê một chiếc giường, một chiếc bàn nhỏ. Trong chút se lạnh của ngọn gió đầu mùa, ngôi nhà của bà Tuyết tuy nhỏ nhưng ấm cúng, bà không còn lo mỗi khi nước lũ dâng cao. Bà Tuyết năm nay đã 69 tuổi, quê ở Thái Bình. Mười lăm năm với cuộc sống vô định giữa dòng sông, hơn ai hết, bà đã nếm trải đủ những khó nhọc của cuộc đời.

Hồi tưởng lại những ngày tháng lấy mặt sông làm nhà, ánh mắt bà xa xăm. Cũng như bao người dân xóm thuyền bè, bà Tuyết làm đủ mọi nghề, lo từng bữa ăn. Khi sức khỏe còn tốt, bà đi gánh thuê, nhặt phế liệu. Sau khi già yếu, bà lại bán hàng trên sông. Mỗi ngày bà kiếm được khoảng 30 đến 40 nghìn, cuộc sống cứ chênh vênh như chiếc thuyền vô định giữa vùng sông nước.

Đối với những người như bà Tuyết, cuộc sống trên sông ám ảnh nhất là vào mùa nước lũ, bà tâm sự: “Những ngày thường không sao nhưng cứ vào mùa lũ, thân già như tôi lo lắm. Nước sông lên rất nhanh, có khi thuyền bị trôi đi hàng trăm mét”.

Cuộc sống trên thuyền bè chẳng dễ dàng gì! Từ thức ăn, nước uống đến chế độ sinh hoạt đều khó khăn. Bà cùng người dân ven sông phải đi gánh nước sạch về dùng: “Tôi từng bị ngã và gãy hai chiếc răng khi đi gánh nước về. Đường sá ghồ ghề khó đi lắm, đâu được thuận tiện dễ dàng như bây giờ”.

Đó là còn chưa kể người dân phải mua nước với giá đắt, cứ 4 nghìn đồng một gánh nước, người già không gánh được thì cả tiền thuê cũng mất đến 6 nghìn đồng một gánh nước.

Đã hai mươi ngày sống trong căn nhà chắc chắn trên bờ, bà Tuyết biểu lộ sự an tâm hài lòng bằng hai từ “sướng lắm!”. Bà còn bảo “bây giờ có cho về sống trên sông, tôi cũng không về nữa đâu!”.

Ông Nguyễn Văn Bình, tổ trưởng tổ dân phố số 3, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội - người đã gắn bó, theo dõi cuộc sống của người dân xóm thuyền bè từ lúc mới thành lập chia sẻ: “Nghĩ cũng thương bà con, các cô các bác. Họ cũng chẳng muốn lên thuyền bè sinh sống nhưng chỉ vì hoàn cảnh họ quá khó khăn”.

Mong muốn thay đổi cuộc sống cho người dân xóm thuyền bè, ông Bình đã vận động, khuyến khích các gia đình phát hoang những bãi sậy ven sông để làm đất canh tác. Nhưng hầu hết các hộ dân đều là người già và trẻ nhỏ, họ không có đủ sức để làm và cuối cùng lại trở về cuộc sống bươn chải mưu sinh.

Ông Bình nói, cách đây 6 năm, có đoàn từ thiện hỗ trợ chi phí làm bè cho người dân. Lâu dần, thuyền bè hỏng, những chiếc thùng phuy hoen rỉ, người dân nhét thùng xốp vào, cứ sửa đi sửa lại, hầu hết bè của người dân đều ngập nước, chông chênh và có nguy cơ bị sập hoàn toàn. Lo ngại hơn là môi trường sông nước quá ô nhiễm khiến nhiều người mắc bệnh. Cuộc sống trên sông không đủ điều kiện để họ chữa trị.

Nhờ sự vận động của chính quyền địa phương, các hộ gia đình đã đồng ý chuyển lên bờ sinh sống, đảm bảo một cuộc sống an toàn hơn, giải quyết mối lo về dịch bệnh, thiên tai cũng như các tệ nạn xã hội.

Vẫn còn đó những nỗi lo…

Đến với xóm trọ mới, người dân không còn những ngày tháng sống trong thấp thỏm lo âu mùa nước lũ, đường sá đi lại thuận tiện, điện nước đầy đủ và quan trọng hơn là họ được đăng ký tạm trú - những điều mà họ không có được khi xuống sông làm bè sống tạm qua ngày.

Khi lên bờ sinh sống, mỗi hộ dân được nhận hỗ trợ 2 triệu đồng lo chi phí ban đầu để ổn định với cuộc sống mới. Dù đã giải quyết vấn đề trước mắt, nhưng về lâu dài, người dân vẫn còn mang trên vai quang gánh cuộc đời với những nỗi lo toan.

Rồi đây, mỗi tháng trôi qua, họ lại phải chi trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Trong khi đó, hầu hết họ đều không có công việc ổn định, chỉ bươn chải kiếm sống từng ngày. Những nỗi lo vẫn đan cài trong từng giây phút vui mừng hạnh phúc khi sống trong ngôi nhà mới. Bà Tuyết buông tiếng thở dài khi tôi hỏi về giá tiền phòng trọ, bà nói “dù phấn khởi nhưng tôi cũng lo lắng khi nghĩ về những tháng ngày về sau, vẫn phải lo kế sinh nhai từng ngày”.

Một thân một mình, bà Tuyết lại kiếm tiền bằng cách nhặt phế liệu. Thậm chí, 1 giờ sáng, bà ra chợ Long Biên nhặt tôm tép rơi vãi. Bà đi đến 6 giờ sáng mới về chỉ để mong kiếm thêm đồng tiền mua rau, mua gạo. Cũng nhiều lần bị người ta xua đuổi, có người thương tình thì họ lại đem cho. Cuộc sống vẫn kéo dài với những tháng ngày mưu sinh đầy khó nhọc.

Cùng chung một nỗi lo, vợ chồng bà Lê Thị Hạnh (54 tuổi, quê ở Bắc Ninh) cũng làm đủ nghề để trang trải cuộc sống. Nếu trước đây, họ chỉ lo kiếm tiền đủ ăn ba bữa thì nay còn phải chi trả một khoản lớn tiền phòng. Chồng bà Hạnh đã ngoài 70 nhưng vẫn phải đi quét dọn ga tàu, riêng bà hay đau yếu, thỉnh thoảng đi gánh hàng thuê ở chợ để kiếm đồng ra đồng vào. Chuyển lên trên bờ sinh sống, hai vợ chồng bà đã gạt bỏ được nỗi lo về một con thuyền chông chênh nhưng vẫn còn đó những nỗi lo trước con sóng cuộc đời.

Ông Nguyễn Dương Hải - Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình) chia sẻ: Khó khăn lắm mới vận động được bà con lên bờ để sinh sống. Họ cũng có những nỗi khổ riêng nhưng khi sống ở đây, họ sẽ tốt hơn. Bởi theo ông Hải sống ở trên sông nguy hiểm rình rập, nảy sinh nhiều tệ nạn… hơn nữa việc quản lý của phường cũng gặp rất nhiều bất cập.

Phải khẳng định, do Phúc Xá là một trong những phường tiếp nhận nhiều lao động tự do nhất Hà Nội nên những năm qua, địa phương đã nỗ lực phối hợp, chung tay cùng các tổ chức, cá nhân chia sẻ sự thiếu thốn với bà con. Một số mô hình đã được xây dựng thành công.

Năm 2007 mô hình “Nhà trọ tin cậy” ra đời đã dần nâng cao ý thức của chủ nhà trọ và người thuê trọ. Năm 2010 mô hình “Nhà sinh hoạt cộng đồng Ngày mới” được xây dựng đã tư vấn sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS cho hàng trăm chị em phụ nữ. Năm 2012 Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng đã mời một công ty luật về tư vấn luật miễn phí cho người lao động trọ trên địa bàn phường.

Ngoài ra, phía chính quyền luôn phối hợp cùng công an phường bảo đảm về an ninh trật tự, nhân khẩu, giữ gìn bình yên cho người dân an tâm làm ăn - ông Hải nói thêm.

Cuộc sống mới vẫn còn nhiều khó khăn với những phận đời bé nhỏ nơi đây. Nhưng họ luôn cố gắng vươn lên. Bởi vì họ luôn hy vọng, tin tưởng vào ngày mai, cũng như cách họ từ bỏ chiếc thuyền bè gắn bó bao năm để đến với cuộc sống mới...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn