MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo Bộ Y tế và Bệnh viện Chợ Rẫy trao bằng khen và hoa tri ân những gia đình có người thân hiến tạng sau khi qua đời. Ảnh: K.Q

Khi cái chết là quà tặng cho sự sống

GHI CHÉP CỦA KHƯƠNG QUỲNH LDO | 26/08/2016 06:47
Ngày 25.8, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã tổ chức lễ tri ân những người hiến tạng và kỷ niệm 500 ca ghép thận thành công. Quan niệm “chết phải toàn thây” vốn ăn sâu của người Việt, vì vậy, hiến tạng khi qua đời vẫn là một vấn đề chưa được nhiều người đồng thuận. Thế nhưng, sau hơn 2 năm Bộ Y tế phát động chương trình vận động hiến tạng khi chẳng may qua đời, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận được gần 2.000 lá đơn xin hiến tạng sau khi qua đời của người dân.

“Ông xã tui bảo chết rồi mang chôn 4 - 5 năm cũng phải cải mả thấy phí quá trời. Từ trước giờ, vợ chồng mình nghèo có tiền giúp được ai cái gì đâu. Sau này anh chết, tạng, giác mạc, cái nào còn xài được phải tặng cho người ta, phải tặng họ sự sống” - bà Minh Phụng, vợ một người hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ trong buổi lễ tri ân những người hiến tạng. Nhiều người khác, cũng như chồng bà Phụng, sẵn sàng cho đi một phần cơ thể mình sau khi họ qua đời, dù không biết ai sẽ nhận sự sống quý giá đó.

Người phụ nữ không dám mang hoa về nhà

Ngày 25.8, BV Chợ Rẫy đã tổ chức lễ tri ân những người hiến tạng và kỷ niệm 500 ca ghép thận thành công. Trong số những gia đình được tri ân, chúng tôi gặp bà A.P - mẹ một thanh niên 20 tuổi đã hiến toàn bộ nội tạng. Tháng 5 vừa qua, con trai bà bất ngờ bị tai nạn giao thông, bị chấn thương nặng và không còn cơ hội sống. Khi con trai sắp trút hơi thở cuối cùng, trong cơn đau đớn tột cùng, bà cố nuốt nước mắt và đồng ý để con được hiến toàn bộ nội tạng gồm 2 thận, 2 giác mạc, tim và gan. 2 thận của anh được ghép cho 2 bệnh nhân suy thận đang nguy hiểm tính mạng tại BV Chợ Rẫy. Lá gan và trái tim được chuyển nhanh chóng ra BV Việt - Đức (Hà Nội) ghép cho 2 bệnh nhân bị suy tạng giai đoạn cuối, 2 giác mạc cũng được ghép cho 2 bệnh nhân nghèo. Cả 6 ca ghép đều thành công. Con trai bà P đã đem lại sự sống cho 6 người không hề quen biết, không cùng huyết thống.

Lần đầu tiên chúng tôi gặp bà P là ở buổi lễ tri ân của Bộ trưởng Bộ Y tế. Lần ấy, bà P lên nhận hoa, nhận bằng khen của Bộ trưởng nhưng bà không dám mang bó hoa đẹp ấy về nhà vì… sợ. Quyết định để con trai hiến tạng đã khiến bà P phải đối mặt với sự gay gắt của gia đình nhà chồng, của hàng xóm: “Có người nói tui nghèo quá nên bán tạng của con. Tui thanh minh kiểu gì họ cũng không tin” - Bà P rơm rớm nước mắt có lẽ bởi nỗi đau mất con cộng với nỗi oan ức bà vừa trải qua.

Nhà bà P ở quận 2, TPHCM. Nói là nhà nhưng cũng chỉ là cái chòi che nắng che mưa. Bà P kiếm sống bằng nghề bán nước sâm, nước rong biển. Hiến tạng cho con trai, bà chỉ nhận một ít tiền hỗ trợ vừa đủ để về lo ma chay cho con. Ai đề nghị giúp đỡ thêm, bà cũng từ chối. Chuyện của bà P khiến anh Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Chợ Rẫy phải thao thức: “Tôi chẳng biết phải làm cách nào để giúp đỡ người phụ nữ nghèo mà tử tế ấy”. Hôm nay bà lại được nhận hoa và bằng khen từ Bộ Y tế. Lần này, bà bảo sẽ mang hoa và bằng khen về nhà vì :“Ai nói gì thì nói, tui thấy tui vừa giúp con trai mình làm được một việc ý nghĩa”.

BS Dư Thị Ngọc Thu đến thăm một gia đình có người thân hiến tạng sau khi qua đời.

Trong buổi lễ tri ân, giây phút cảm động nhất là phút mặc niệm dành cho những người hiến tạng sau khi qua đời. Bà Minh Phụng (nhà ở huyện Hóc Môn, TPHCM) đã bật khóc sau giây phút ngắn ngủi ấy. Cách đây hơn 1 năm, chồng bà đã qua đời đột ngột vì bệnh tim và kịp hiến 2 giác mạc. “Tiếc là tui không giúp ổng hiến được toàn bộ nội tạng. Nhưng dù sao, giúp 2 người mù thấy đường là tui thấy tròn trách nhiệm với ổng. Ngày xưa, khi đi đường, ổng thấy ai mù ổng tội nghiệp lắm. Ổng hay biểu tui, anh mà trúng số độc đắc, anh giúp mấy người mù trước tiên”.

Chồng bà Phụng mắc bệnh tim và từng coi Bệnh viện Chợ Rẫy như ngôi nhà thứ 2 vì phải ra vào không biết bao nhiêu lần. Biết sự sống của mình quá mong manh, ông đăng ký xin hiến tạng sau khi qua đời. Thế nhưng, căn bệnh tim khiến ông ra đi quá đột ngột. Khi nhận được điện báo từ gia đình, các bác sĩ BV Chợ Rẫy xuống thì ông đã ngừng tim 30 phút nên chỉ còn hiến được 2 giác mạc: “Hôm bác sĩ Thu (TS - BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối hiến ghép các bộ phận cơ thể người của BV Chợ Rẫy - PV) cho tui coi hình 2 người được ghép giác mạc từ chồng, thấy họ khỏe mạnh, tui thấy nhẹ lòng và thầm cảm ơn họ. Cảm ơn vì đã nhận giác mạc của chồng tui, giúp ổng hoàn thành tâm niệm”.

Ngày lễ tri ân cũng là một ngày đặc biệt đối với bà Vũ Thị Nương (58 tuổi, nhà ở Lâm Đồng) - tròn một năm ngày mất con trai bà. Con trai bà tử vong ở tuổi 31 khi rơi từ tầng 3 của một công ty chăn nuôi gia súc ở Bình Dương. Suốt gần bảy ngày hôn mê, anh không nói được với bà câu nào mà đã ra đi vĩnh viễn. Trong lúc đau buồn, lại nghe việc hiến tạng cứu người sẽ giúp con trẻ thanh thản ra đi, bà quyết định hiến tạng con trai cho y học. Từ thân xác của anh, các bác sĩ đã cứu được 6 bệnh nhân khác, gồm một ca ghép tim, ca ghép gan ở Hà Nội, hai ca ghép thận, hai ca ghép giác mạc tại TPHCM.

Những lá đơn đặc biệt xin hiến tạng

Bên cạnh buổi tri ân những người hiến tạng, BV Chợ Rẫy cũng công bố 500 ca ghép thận thành công. Tính đến nay, BV Chợ Rẫy đã ghép thận thành công cho hơn 500 trường hợp. Trong đó, nhận từ người cho sống là 489 trường hợp và 27 ca ghép nhận từ người cho chết não hoặc ngừng tim.

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh do bệnh viện cung cấp). 

PGS - TS Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc BV Chợ Rẫy bộc bạch: “Ghép mô - tạng, không thể thực hiện thành công được nếu không có người hiến tạng. Nguồn tạng hiến từ người cho sống không đủ đáp ứng nhu cầu của những bệnh nhân suy tạng. Chúng tôi không thể nào không nhắc đến sự hy sinh của những người hiến tạng sau khi chết não, ngừng tuần hoàn. Họ đã sẵn sàng cho đi một phần cơ thể quý giá của mình, cho những người không quen biết, không cùng huyết thống”.

Quan niệm “chết phải toàn thây” vốn ăn sâu của người Việt, vì vậy, hiến tạng khi qua đời vẫn là một vấn đề chưa được nhiều người đồng thuận. Thế nhưng, sau hơn 2 năm Bộ Y tế phát động chương trình vận động hiến tạng khi chẳng may qua đời, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận được gần 2.000 lá đơn xin hiến tạng sau khi qua đời của người dân. Có những lá đơn đặc biệt. TS - BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng đơn vị điều phối hiến ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy kể về câu chuyện của 3 cô gái mù đưa nhau đi… đăng ký hiến toàn bộ mô tạng sau khi qua đời. 1 trong 3 cô gái đó vẫn còn nhìn thấy lờ mờ do bệnh lý về mắt nhưng giác mạc còn tốt. Cô đã đề nghị được hiến giác mạc cho người bạn mù của mình, chấp nhận mù thay bạn. Thế nhưng, ý định của cô không được đồng ý. Vì nguyên tắc hiến mô tạng là người hiến sẽ không bị bệnh tật, di chứng nào sau cuộc hiến.“Tôi rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh 3 cô gái ấy từ mò mẫm đi lên cầu thang, hỏi đường đến phòng đăng ký hiến tạng. Cả 3 người đều không thể tự viết đơn vì không thấy đường. Chúng tôi phải nhờ đơn vị pháp chế viết đơn giúp” - BS Thu nói.

Trong số những lá đơn xin hiến tạng tại BV Chợ Rẫy, lá đơn đầu tiên là của PGS-TS Nguyễn Trường Sơn và TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, những BS đang làm việc từ nhiều BV. Đã có nhiều trường hợp đặc biệt, cả gia đình cùng đăng ký hiến tạng, có người được “hồi sinh” từ tạng người thân cũng đăng ký đáp đền tiếp nối. Họ đăng ký vì nhiều duyên cớ khác nhau, nhưng cùng một thành ý - mong cái chết của mình là quà tặng cho sự sống.

Hiện nay, tại Việt Nam, có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi… đang chờ được ghép tạng và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc; 1.500 bệnh nhân suy gan nặng, và hàng trăm trường hợp có nhu cầu ghép tim, phổi, tụy…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn