MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Núi Kim Nhan-danh sơn xứ Nghệ. Ảnh: Cương Giang

Kim Nhan mây phủ

CƯƠNG GIANG LDO | 13/08/2020 11:43
Ngắm đỉnh Kim Nhan mây phủ (huyện Anh Sơn), càng cảm nhận sâu sắc hơn về chiều sâu văn hóa, lịch sử của xứ Nghệ quê hương.

Danh sơn xứ Nghệ

Người xưa có câu: "Do lai khả cảnh, vị thường hư trí", có nghĩa là: cảnh đẹp xưa nay chưa từng bị đặt nhầm chỗ". Xứ Nghệ An ta, theo thiên văn thì phân dã ở sao Dực sao Chẩn, về thứ tinh thì được chiếu soi bởi ngôi sao Thuần Vĩ. Thực là nơi trời đất giao hòa, núi sông hợp khí.
Đỉnh Kim Nhan đã đi vào lịch sử, văn hóa xứ Nghệ. Ảnh: Cương Giang
 Còn trong chiều dài lịch sử, thì xứ Nghệ An ta lại là nơi trọng yếu của đất nước, giao điểm hội tụ của bốn phương. Thời bình thì nhân kiệt địa linh, thời chiến lại tiện về công - thủ. Thật quá đỗi tự hào bởi quê ta không chỉ là mảnh đất có bề dày văn hiến, "vật phụ nhân khang", "thuần phong mỹ tục", mà còn là nơi có nhiều thắng cảnh, danh lam.

Tôi may mắn được sinh ra ở mảnh đất Nghệ An, lại cũng là người ham mê du lãm, thuở thiếu thời thường ngao du khắp vùng, tìm nơi danh thắng. Nhìn núi cao để thấy được sự hun đúc của tự nhiên, ngó sông dài mới hiểu được việc khơi dòng của tạo hóa.

Lần này, tôi và người bạn thân có dịp đặt chân tới mảnh đất Anh Sơn. Trong lúc đang mải mê thưởng lãm vẻ đẹp từ những cánh đồng chè non xanh mướt bạt ngàn, bỗng giật mình nhận ra ngọn núi phía sau chính là đỉnh Kim Nhan nổi tiếng. Vội vàng đưa máy ra chụp vài chục kiểu ảnh, lại viết thêm ít dòng, ngõ hầu cùng mọi người sẻ chia chiêm ngưỡng

Trong tập Lương Kê thi thảo có câu: “Leo núi thì phải leo tới tận đỉnh, thăm một linh tích thì phải tìm hiểu sự tình của linh tích”. Ngắm Kim Nhan tôi chợt nhớ chuyện xưa, Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trấn Nghệ An được tách làm 2, từ sông Lam trở ra cho tới khe Nước Lạnh là tỉnh Nghệ An, còn từ sông Lam trở vào tới Đèo Ngang đặt một tỉnh riêng gọi là Hà Tĩnh. Đến năm Tự Đức thứ 3 (1850), núi Kim Nhan được công nhận là danh sơn của Nghệ An. Tuy vậy, rất ít người biết được việc này nên biểu tượng của Nghệ An vẫn là "núi Hồng sông Lam" hay "núi Quyết sông Lam" chứ chưa từng thấy ai gọi "núi Kim Nhan sông Lam" bao giờ cả.

Núi Kim Nhan, xưa thuộc sách Kệ Trường huyện Thanh Chương, nay ở xã Hội Sơn huyện Anh Sơn vậy. Sách Nghệ An ký miêu tả rằng: “Núi đá cao ngất trời, dáng rất nhọn như cây bút. Tục truyền người Giao Nam khi chết đi tinh khí đều tụ lại cả ở núi đó, nên gọi là núi Thu Tinh... Đầu nhọn đẹp, cao ngất trời, trông như một búp măng, mà xung quanh bao bọc bởi các núi nhỏ lại giống như một đóa hoa sen... Có lẽ các bậc vua chúa, các vị tướng văn tướng võ lúc chết đi thì khí tinh anh quy tụ ở đây. Cho nên người đời gọi núi ấy là núi Thu Tinh”...

Chính vì lẽ đó mà Kim Nhan được nhiều danh sĩ đề cập trong nhiều trước tác, không chỉ Nghệ An ký mà còn có Đại Nam nhất thống chí, Nghệ An sơn thủy vịnh hay An Tĩnh cổ lục.... Đương thời, La Sơn phu tử cũng từng ví von rằng:

Thu tận tinh anh khí

An Nam tiểu Thái Sơn

(Thu hết khí tinh anh

Là núi Thái Sơn thu nhỏ của nước An Nam)

Với hình thế cao vời như sánh với trời xanh, nên Kim Nhan còn được dân gian ví von với sĩ khí mãnh liệt ngút trời của nghĩa quân Lam Sơn trong những tháng ngày sục sôi đánh giặc Minh xâm lược:

"Trèo lên trên đỉnh Kim Nhan

Quân reo Bồ Ải, sóng tràn Khả Lưu"

Tức cảnh sinh tình, hứng thơ dào dạt. Tôi cũng khẩu chiếm một bài thơ để vịnh núi Kim Nhan, cũng có chút gọi là bắt chước theo phong cách của người xưa, mà lưu lại chút gì để làm kỉ niệm…

Nam Châu danh thắng ấy Kim Nhan

Tạo hóa dày công chốn đại ngàn

Đỉnh vót mây vờn khi nắng chiếu

Chân bè cỏ mướt lúc sương tan

Trăm năm hun đúc nên nguyên khí

Vạn thuở thâu gồm kết phượng loan

Sừng sững giữa trời tươi dáng bút

Kiêu hùng một xứ xứng danh san.

Trăn trở cùng sông núi

Xưa kia tôi đọc sách mới chỉ mường tượng được Kim Nhan qua sự miêu tả của cổ nhân, nay đến tận nơi đã “mục sở thị” được vẻ kiêu hùng của núi. Vậy nhưng, hiền nhân xa cách, thánh đạo khác xưa, chắc cũng chính vì vậy mà cái nhìn đã khác. Núi non vẫn còn đó nhưng những câu chuyện về khí tinh anh thu được của bậc đế vương, hay về sự so sánh với Ngũ Nhạc, Thái Sơn nghe sao mà xa lạ.

Kim Nhan ở nơi biên viễn, thuở xưa đi lại khó khăn thì chắc cũng chỉ ít người biết tới. Hơn nữa xứ Nghệ ta không được gọi là đất đế vương, vậy thì chẳng thể nào mà “các đế vương khi mất đi nhập khí tinh anh vào núi”. Hoặc nếu thu được khí tinh anh đó, thì ắt hẳn miền quê này cũng phải được hun đúc mà trở thành vùng nhân kiệt địa linh, thi thư lừng lẫy. Nhưng so với các vùng khác trong xứ Hoan Diễn ta, đây chưa phải là vùng nổi trội.

Vả lại, dẫu rằng Kim Nhan tuy đẹp dáng hoa sen, thế cao vời vợi, nhưng xét về hình vẫn chưa so nổi được với Nam Giới, Đại Huệ, Hồng Lĩnh, Chung Sơn... chứ chưa vội nói gì mà so bì núi non bên nước khác, nên câu ví von của La Sơn phu tử rằng: “An Nam tiểu Thái Sơn” chẳng phải là quá lắm hay sao. Ngay như Danh sĩ Bùi Dương Lịch cũng làm thơ “phản pháo” rằng:

Thu tinh truyền vọng đản

Chung cổ hoặc nan tinh

(Câu chuyện “thu tinh khí” là lời truyền xằng bậy

Xưa nay lừa dối người ta khó tỉnh ngộ)

Hơn nữa, vào tháng 10 năm Ất Mùi (1835) vua Minh Mạng ban chỉ dụ cho Nội các và bộ Công đúc Cửu đỉnh đặt tại sân Thế miếu. Mỗi đỉnh đều chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm nhiều chủ đề tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất.

Hà Tĩnh có núi Hồng Lĩnh, Nghệ An có sông Lam đều được khắc lên, còn như Kim Nhan thì không hề thấy. Như vậy thì Kim Nhan vẫn chưa phải là biểu tượng quen thuộc của Hoan Châu, và mãi đến thời Tự Đức, thì hội điển mới công nhận là danh sơn của tỉnh Nghệ.

Xứ Nghệ ta nhiều thắng cảnh, núi non, sông biển, miền núi, miền xuôi, “kinh - trại” chi cũng đều có cả. Nếu như biểu tượng chung là núi Hồng sông Lam, thì ngọn Kim Nhan kia, dù không thu được khí tinh anh, cũng chẳng lớn cỡ Thái Sơn thì vẫn xứng đáng là biểu tượng riêng cho mảnh đất và con người Anh Sơn này vậy.

Nghĩ đến đây tôi chợt giật mình, bởi trải qua cái thuở hồng hoang, rồi cho tới những thời trị - loạn, những ngọn núi dòng sông vẫn hiện hữu như xưa mà chẳng có gì đổi khác, vẫn từng ngày trông thấy sự thay đổi của đất nước quê hương. Dù trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, đầy rẫy đạn bom, nhưng tất cả vẫn sừng sững hiên ngang, ngạo nghễ giữa trời xanh, chạy dài trong mạch đất.

Ấy vậy mà những thập kỷ trước đây, và ngay cả bây giờ cũng vậy, những ngọn núi, những dòng sông biểu trưng cho từng miền đất đã lần lượt hư nát, chuyển dòng, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của đất trời tạo hóa.

Ngay ở đường 7 đây thôi, ngọn núi Hai Vai - biểu tượng của huyện Diễn Châu, với hình thế hai vai vươn cao ngạo nghễ giữa đất trời, được nhiều vua chúa dựa dáng đặt tên, nhắc nhiều trong thơ phú; trong lịch sử lại từng chứng kiến trận quyết chiến giữa 2 tướng Nguyễn Quyện và Phan Công Tích; và cũng là chốn dung thân của các chiến sĩ Cần vương kháng Pháp.

Danh thắng là thế, linh tích là thế, nhưng mấy ai nghĩ giá trị đâu. Doanh nghiệp đến đặt mìn để lập vùng khai thác. Kết quả là hư hỏng hết cả cảnh quan, nát tan đến từng khối đá. Để đến nỗi bây giờ mỗi khi nhắc tới ngọn núi Hai Vai, dân gian lại thường mỉa mai rằng: “lèn Vai rưỡi”

Hay như ngọn Lập Thạch, biểu tượng của đất Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc) từng được danh nho Phạm Nguyễn Du lấy làm tên hiệu. Ngọn núi cũng lừng danh sử sách nhưng nay cũng tan tành hết cả. Thời kỳ đổi mới thì phá đá xây nhà, thời kỳ công nghiệp hóa thì chiếm dần diện tích.

Khi xưa từng ngọn vươn cao, nhưng giờ đã hóa thành đất phẳng. Đến nỗi người từng đọc sách trông thấy cảnh đó mà không khỏi ngậm ngùi, đau đáu, xót xa. Rồi như núi Hồng Lĩnh 99 ngọn hùng vĩ thế kia, vậy mà không thoát khỏi cái đau “xẻ thịt”.

Con sông Lam ở vùng hợp lưu Nậm Nơn - Nậm Mộ thì khai thác gỗ đầu nguồn, rồi dựng xây thủy điện, doanh nghiệp lại khoanh vùng để đãi cát tìm vàng, khi mưa lũ đổ về, sông cuồn cuộn đục ngầu từng giọt nước, giận dữ đến điên cuồng. Nào cầu, nào ruộng, nào cửa, nào nhà cũng gần như cuốn sạch. Dần dà theo thời gian, liệu chúng ta khi “nửa đời phiêu dạt” có được “úp mặt vào sông quê” nữa hay không! Thật đau lòng khi nghĩ về chuyện đó.

Đang suy nghĩ đang miên man thì bạn tôi lại gọi, giật mình chợt nhớ ra là đang ngồi ngay dưới núi. Lóp ngóp trở dậy ra về mà lòng đầy nặng trĩu, góp nhặt suy tư mà viết lại thành lời. Giữa đường cây cỏ bốn bề, đá đất ngổn ngang, trời chiều mưa bụi bay bay, bất giác bùi ngùi mà than thở. Chỉ mới vài chục năm trở lại đây, đến cảnh vật cũng nhiều phen “dâu bể”. Mai đây, ngọn Kim Nhan kia liệu có còn giữ nguyên vẻ đẹp?

Than ôi! Không biết mấy trăm năm sau nữa, trong phút chốc mà cảnh vật lại biến di, thì người đời có ai lại than thở về “bãi bể nương dâu, sao dời vật đổi" như tôi nữa! Chẳng lẽ đến đá cũng phải nát, vàng cũng phải phai hay sao! Việc này thật không chừng được vậy.

Kìa như Kim Nhan sừng sững, Lam thủy xuôi dòng, thật là chốn nước biếc non xanh. Buổi chiều tàn thì tới bến nước ngồi chơi, lúc sướng vui thì lên núi non thăm thú. Mượn "khúc hát sông quê" của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo mà bày tỏ tâm tình, lấy câu nói: "nhân nhạo sơn trí nhạo thủy" của nhà Nho khi xưa mà vững vàng ý chí... Cảnh này, tình này, chỉ ta và Kim Nhan là hiểu được...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn