MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Voi H’Ban Nang (bên trái - PV) và voi bảo mẫu H’Băn vài tháng trước khi sinh.

Lại chờ voi đẻ

HỮU LONG LDO | 14/10/2017 06:44

Nhiều người vẫn tin rằng, sau khi voi cái H’Ban Nang mang thai thành công sẽ mở ra bước ngoặt lịch sử trong công tác bảo tồn, phát triển đàn voi nhà Tây Nguyên. 

Ấy vậy mà câu chuyện cổ tích ở vùng hồ Lắk lại có cái kết buồn khi voi Y Bak Nô được sinh ra đã bị chết lưu trong bụng mẹ. Tạm gác chuyện buồn phía sau, hiện Trung tâm bảo tồn voi và chủ voi nhà lại tiếp tục tạo cơ hội để các cặp voi khác được kết đôi, yêu đương và sinh sản…

Tin dữ

Tôi lại gặp anh Y Vinh E Ung (32 tuổi, buôn M’liêng, huyện Lắk, cháu ông Y Mứ Bkrông - chủ voi H’Ban Nang) sau 2 ngày từ khi voi H’Ban Nang sẩy thai. Khác với lần trò chuyện gần đây về những dự định, sự háo hức chờ đợi một sinh linh của núi rừng Tây Nguyên sắp ra đời. Lần này, đôi mắt anh Y Vinh đã xuất hiện chi chít những vết nhăn vì nhiều đêm mất ngủ. Anh Y Vinh cho biết, khuya ngày 8.10, nghe nhân viên Trung tâm bảo tồn voi thông báo voi H’Ban Nang đã hạ sinh được một bé voi đực nặng 90kg nhưng voi đã chết lưu trong bụng mẹ, cả gia đình anh choáng váng, không tin đó là sự thật. Hơn 2 năm voi mang bầu, Y Vinh được ông Y Mứ giao nhiệm vụ vận chuyển đồ ăn, theo dõi sức khỏe của hai mẹ con voi H’Ban Nang trong rừng. Suốt thời gian đó, bao kỷ niệm giữa nài voi và voi mẹ cứ lớn dần nên tin dữ đến khiến anh Y Vinh gần như suy sụp.

Ngược dòng thời gian, trước nguy cơ tuyệt chủng đàn voi nhà Tây Nguyên, nhiều chủ voi nhà, các tổ chức từ thiện cùng chính quyền các tỉnh Tây Nguyên sắp xếp chuyện voi nhà “yêu” nhau. Thời điểm này, HĐND tỉnh Đắk Lắk cũng ban hành Nghị quyết số 78 với nội dung “Quy định một số chính sách bảo tồn voi” trong đó, chính quyền cam kết sẵn sàng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho chủ voi nếu voi cái mang thai thành công. Chủ trương là thế nhưng đâu mấy chủ voi có thể sắp xếp để voi “yêu” thành công. Nguyên nhân thất bại của các lần ghép đôi thì nhiều nhưng quan trọng vẫn bởi voi cái chỉ chịu cho con đực ve vãn, vuốt ve nếu có tình cảm. Còn khi không “thương”, voi cái nhất quyết từ chối, tấn công voi đực.

Qua câu chuyện voi H’Ban Nang “yêu” của anh Y Vinh, chúng tôi hình dung được tình cảnh 2 năm trước khó khăn như thế nào. Khi mà nài voi cùng chuyên gia bảo tồn voi mất nhiều tháng nghĩ cách tạo cơ hội để voi đực trong vùng được gần gũi, làm quen với 4 nàng voi cái ở buôn Jang Tao và nàng voi H’Ban Nang của buôn M’liêng nhưng những cuộc “ép duyên” đều thất bại. Duy chỉ cuộc tình giữa voi đực Y Mâm (voi của một nài voi tại hồ Lắk) với voi H’Ban Nang là có kết quả.

Từ cảm xúc hạnh phúc ngập tràn khi voi nhà mang thai, các chuyên gia cùng chủ voi H’Ban Nang nhanh chóng xây dựng một kế hoạch chăm sóc voi. Quãng thời gian này, anh Y Vinh cùng người chú luôn theo sát để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra với mẹ voi. Việc chở khách gần như cấm tiệt, thay vào đó, voi H’Ban Nang được theo dõi với chế độ đặc biệt nhất. Một điều thú vị nữa là voi bảo mẫu H’Băn do Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk thuê chăm sóc voi, dạy dỗ và “đỡ đẻ” voi sắp sinh lại chính là “mẹ nuôi” voi H’Ban Nang.

Để mọi việc không xảy ra sự cố đáng tiếc, sát ngày voi H’Ban Nang sinh, các nhân viên cùng chuyên gia luôn trực tiếp có mặt 24/24 gần khu vực voi mang thai, quan sát những sự thay đổi dù nhỏ nhất của voi mẹ. Công việc của đoàn được phân công chu đáo từ việc xây dựng kế hoạch chăm sóc, chuẩn bị thuốc men, phối hợp với các chuyên gia nước ngoài tư vấn giải pháp, vấn đề phát sinh trong thời gian voi sinh sản.

“Mọi thứ mà con người chuẩn bị gần như hoàn hảo và chỉ chờ đợi thời phút voi con sinh ra, vậy nguyên nhân chết của voi con là gì?” - tôi hỏi. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Y Vinh cho rằng, muốn lý giải nguyên nhân thì các chuyên gia cùng cơ quan chức năng sẽ cần thời gian trả lời rốt ráo. Duy chỉ có điều anh Y Vinh cảm nhận được từ cái chết của voi con là môi trường sinh sản của voi Tây Nguyên quả thật đã bị thu hẹp rất nhiều, tình trạng biến đổi khí hậu cũng tác động không nhỏ đến sinh cảnh sống, từ đó ảnh hưởng tới quá trình sinh sản của voi nhà.

Voi vẫn sẽ được “yêu”

Tôi tìm về nhà ông Y Mứ Bkrông - chủ voi H’Ban Nang, khi gia đình ông Y Mứ đang quây quần bên bếp rượu cần. Không khí trong căn nhà sàn ngột ngạt, lặng thinh. Mọi người xôm tụ lặng lẽ góp ý kiến về việc dựng mộ và tổ chức an táng cho voi con Y Bak Nô. Trong quan niệm của đồng bào Ê Đê, voi được coi như một thành viên trong gia đình; cùng sống, cùng sinh hoạt gắn bó với nài voi. Voi chết, tùy theo hoàn cảnh, chủ voi có thể đắp mộ khang trang hoặc đơn giản vun nắm đất rồi dựng tạm tấm bia để con cháu đời sau khắc nhớ. Dù vậy, chủ voi giàu hay nghèo thì con voi sau khi chết đều được chôn cất trong phần mộ của tổ tiên chủ voi như một thành viên trong gia đình. Ông Y Bứ vừa trở về sau khi chôn cất voi Y Bak Nô trước ngày chúng tôi đến (9.10 - PV). Vừa ngồi nhấp cạn chén rượu cần, ông Y Bứ dẫn chúng tôi ra một khoảnh đất trống nơi voi H’Ban Nang cùng voi bảo mẫu H’Băn sinh hoạt. “Anh đã thấy voi khóc chưa” - ông hỏi.

Voi mẹ H’Ban Nang đau buồn trước cái chết của voi con. Ảnh: H.L

Tôi từng tiếp xúc, được nài voi dạy cách trò chuyện với voi nhà tại Đắk Lắk nhưng quả thật, voi khóc thì trong đời chưa thấy. Ngồi bó gối dưới bờ ruộng nhìn voi, ông Y Bứ rầu rĩ: “Đêm đó (khuya 8.10 - PV) voi Y Bak Nô sinh ra nhưng chết lưu, nhiều người trong chúng tôi đã khóc òa như những đứa trẻ. Voi H’Ban Nang thì di chuyển quanh xác con rống thống thiết rồi khóe mắt rỉ ra những giọt nước mắt đau xót”.

Nỗi buồn lan khắp vùng hồ Lắk. Nhiều người dân địa phương hay tin, lặng lẽ tìm đến phần mộ của voi Y Pak Nô như bảy tỏ niềm xót xa. Phần về ông Y Bứ, tạm gác câu chuyện buồn của nhà, ông đang bàn tính với anh Y Vinh kêu gọi các chủ voi tiếp tục tạo điều kiện để các chàng và nàng voi được “yêu” nhau. “Các chuyên gia bảo tồn voi, nhân viên bảo tồn voi… có người từ rất xa tìm đến giúp đỡ, tạo điều kiện để voi nhà chúng tôi sinh sản. Họ là những người xa lạ nhưng đều có chung tình yêu đối với voi như vậy thì bản thân chúng tôi sẽ luôn ủng hộ chủ trương voi sinh sản của Nhà nước. Tôi cũng tin rằng, đàn voi nhà ở Tây Nguyên thời gian đến sẽ tiếp tục sinh sôi, phát triển” - ông Y Bứ tâm sự.

Ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - cho biết, 2 năm qua, chủ voi H’Ban Nang cùng cán bộ, nhân viên của Trung tâm bảo tồn voi luôn nỗ lực, hy vọng voi mẹ có thể sinh sản thành công. Trước cái chết của voi con, mọi người rất buồn. Lý giải nguyên nhân chết của voi con, ông Luân cho rằng, có thể do quá trình chuyển dạ của H’Ban Nang quá lâu hoặc cũng có thể do voi mẹ đã già. “Trong chương trình nghiên cứu sinh sản voi nhà tại Việt Nam, việc voi con chết lưu trong bụng mẹ đã được tính tới với xác suất rất cao. Thông thường, tuổi sinh sản của voi mẹ từ 13 đến khoảng 30 tuổi trong khi voi H’Ban Nang đã 38 tuổi nên có thể cấu tạo về cơ thể của voi thay đổi. Mặc dù voi con chết trước khi ra đời nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, việc voi H’Ban Nang mang thai đã là một thành công rất lớn trong công tác bảo tồn voi Tây Nguyên” - ông Luân chia sẻ.

Ông Luân chia sẻ thêm, sau trường hợp của voi H’Ban Nang, Trung tâm bảo tồn voi đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình cho voi “yêu” nhau, voi sinh sản. Từ thành công của việc voi nhà mang thai này, hiện Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đang tiếp tục phối hợp với nài voi tại Buôn Đôn để 4 voi cái trưởng thành tìm bạn tình và “yêu” nhau. Các nhân viên tại trung tâm vẫn đang tạo không gian để voi “yêu” nhau và qua đó liên tục theo dõi, lấy máu xét nghiệm những thay đổi 4 chú voi này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn