MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quân và dân trao đổi tâm tình.

Lính đảo Trường Sa: Đời trai trả nợ nước

THANH HUYỀN LDO | 05/06/2015 08:00
“Mẹ tôi thường bảo: Đời trai phải trả nợ nước xong, sau đó mới trả nợ đời...”. Đó là dòng mở đầu những tâm sự của trung sĩ Nguyễn Cao Sứ (sinh năm 1994, quê Bình Thuận) trong “Sổ tâm tình đồng đội” - nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ công tác trên quần đảo Trường Sa.
3 tháng ngơ ngơ...

Cao Sứ nhập ngũ sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hồi ấy, Cao Sứ nhỏ con lắm, nghĩ rằng mình không thể nhập ngũ. Nhưng chính sự hăng hái của Cao Sứ đã khiến bác sĩ khám sức khỏe xem xét lại kết quả kiểm tra, và thế là anh trở thành bộ đội. Cao Sứ trải qua 3 tháng huấn luyện, làm quen với cuộc sống trong quân ngũ mà lớp đàn anh hay gọi vui là 3 tháng ngơ ngơ. 3 tháng ngơ ngơ này rồi cũng nhanh chóng kết thúc cùng với các nỗi buồn kiểu trẻ con như “phải chia tay những thằng bạn thân thiết”.

Hay như Trần Thành Phát (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) lại bùi ngùi khi nghĩ đến chuyện “phải tự lực cánh sinh, rời xa gia đình thân yêu, hàng xóm thân thương, bạn bè thân mến”. Nhưng chỉ cần trong tiệc chia tay do huyện tổ chức, bài hát “Hãy yên lòng mẹ ơi” vừa kết thúc thì lòng Thành Phát đã nhẹ nhõm. Sau đó là tháng ngày huấn luyện tân binh “đầy ắp tiếng cười”, những cuộc sinh hoạt tập thể vui vẻ đã xóa đi nỗi nhớ gia đình.

Trung úy Lê Vạn Thạch (sinh năm 1978, quê Thanh Hóa) cũng “thật là bỡ ngỡ” khi lần đầu tiên phải sống xa gia đình. Song những ngày tháng học tập và rèn luyện cho Vạn Thạch thật nhiều điều bổ ích trong cuộc sống. Trung sĩ Phan Minh Nhựt (Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thì nhớ về ngày nào còn ngồi ghế nhà trường với biết bao dại khờ và nông nổi. Tuổi 18 đến cùng với quá nhiều thay đổi. Ngày nhập ngũ, Minh Nhựt vác ba lô làm hành trang và ý chí làm vũ khí, đi theo tiếng gọi của tổ quốc. Minh Nhựt nghĩ rằng đi nghĩa vụ quân sự chính là môi trường tốt để rèn luyện bản thân, làm nền tảng vững chắc cho cuộc sống sau này.

Cuốn “Sổ tâm tình đồng đội” chỉ có ở Trường Sa. Ảnh: T.HUYỀN 

... trở thành chiến sĩ kiên cường

“Những ngày đầu bước chân lên đảo, tôi không ngờ nó lại khác xa so với trí tưởng tượng của tôi. Tôi cứ tưởng nó là một bức tranh thơ mộng có rặng dừa, bờ cát trắng, giếng nước và những cánh cò trắng, con chim non bay bay về tổ giống như trong những bức tranh quê hương”. Khi ra đảo Trường Sa, trước mắt cậu tân binh lúc ấy lại là bãi san hô rộng lớn, xung quanh là những con sóng ào ạt ngày đêm. Song sự đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ hết lòng của cán bộ, chiến sĩ trên đảo khiến Cao Sứ chưa một lần nản chí. Sự kiên cường, bất khuất, không ngại khó, ngại khổ, ngày đêm canh giữ biển trời quê hương của các anh em trên đảo hay lớp đàn anh đi trước cũng khiến Cao Sứ vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ bạn nhớ bè.

Cao Sứ tự trách rằng mình là thanh niên chưa phải vướng bận nhiều, trong khi “các anh mình” có vợ, con thơ ở nhà. Vì vậy, cậu thanh niên 18 tuổi chủ động tham gia nhiệt tình mọi hoạt động, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Khi rời đảo về nhà, Cao Sứ nhắn nhủ lại trong “Sổ tâm tình đồng đội” rằng “các cán bộ, chiến sĩ hãy cố gắng hết sức mình. Tôi hy vọng mọi người cũng giống như tôi và những đồng chí khác vun đắp tinh thần, cống hiến trí lực để góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc”... “Đặc biệt, chúng ta không được mất cảnh giác, hãy đoàn kết, quyết tâm cao bằng ý chí, nghị lực và niềm tin để giữ gìn vùng biển, vùng trời và biển đảo tổ quốc”.

Ngay cả những lời chúc, nhắn nhủ của Cao Sứ gửi lại trong sổ tâm tình cũng cho thấy chàng trai 18 tuổi ngày nào đã trưởng thành, đã là người đàn ông vững chãi. Cao Sứ, ngoài ân cần gửi lời hỏi thăm đến những người thân của đồng chí, đồng đội, còn mong rằng “những người vợ, người con, người thân hãy luôn tin tưởng, thêm yêu và luôn là hậu phương vững chắc cho các anh ngày đêm chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, cắt đứt Đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang ngang ngược thực hiện để âm mưu độc chiếm Biển Đông".

Cao Sứ cho biết luôn tự hào, vinh dự khi được tham gia giữ gìn, bảo vệ đảo Cô Lin - đảo tiền tiêu của tổ quốc và quần đảo Trường Sa; đã có được “phẩm chất của một anh bộ đội Cụ Hồ”.

Với Minh Nhựt, tinh thần và ý chí ngày một lớn lên cùng với tình cảm gắn bó, đoàn kết và đùm bọc nhau như anh em một nhà của các chiến sĩ canh giữ đất trời trên quần đảo Trường Sa. Những kỷ niệm trong thời gian công tác tại đây thì “có lẽ suốt đời này, tôi không thể nào quên được!”.

Thiếu úy - nhân viên quân y Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Được học tập, huấn luyện trong môi trường quân đội có nền nếp, kỷ cương đã giúp tôi trưởng thành, chín chắn hơn và học được nhiều điều”.

Yêu thương và tin lắm!

Giống như những dòng tâm sự từ đáy lòng của các chiến sĩ trong “Sổ tâm tình đồng đội”, đoàn công tác gồm các đại biểu của Bộ Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng đại diện của một số cơ quan truyền thông, doanh nghiệp đang thực hiện hành trình “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc” đã nhận được những tình cảm nồng ấm, chân thành từ tất cả cán bộ, chiến sĩ trên các đảo của quần đảo Trường Sa. Những cái nắm tay xiết chặt, những cái ôm nồng ấm, những nụ cười rạng rỡ trao nhau. Tất cả cán bộ, chiến sĩ cho biết những lời thăm hỏi, động viên tinh thần chân thành của đoàn công tác khiến anh em thêm vững tâm và đoàn kết.

Những cuộc giao lưu, thăm hỏi của người dân từ đất liền ra luôn là niềm vui, niềm động viên rất lớn đối với các chiến sĩ ở đảo Trường Sa. 

Nhưng trong ấm áp tình người đó còn có những giọt nước mắt mà các bà, các mẹ, những người cha ra thăm đảo. “Thương chúng nó quá! Chúng nó như con mình! Khi ra thăm hỏi tận nơi như thế này mới thấy được hết sự kiên cường để bảo vệ chủ quyền biển đảo của các cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là chiến sĩ trẻ. Nhưng tôi luôn tin vào con đường đấu tranh bằng hòa bình”- Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường (Bộ Công an) - đại tá Vũ Duyên Hải - nói trong khi giấu vội đi những giọt nước mắt.

Nhiều cô gái trẻ trong đoàn sụt sùi, đỏ hoe đôi mắt, nhất là khi cùng nhau đọc những tâm tư được viết thành lời.

Thượng úy - chính trị viên Trương Trọng Tấn ở đảo Cô Lin nhắn nhủ rằng các bà, các mẹ ở nhà hãy yên tâm vì các cán bộ luôn theo sát, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của anh em. Tất cả anh em trên các đảo đều coi nhau như ruột thịt. Và các thế hệ chiến sĩ đã, đang, sẽ nỗ lực phấn đấu, cống hiến quên mình để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn