MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thả hoa đăng - trẻ con đón Loi Protip như đón ông Lân, ông Địa ngày tết, đêm thả đèn vui như tết.

Loi Protip - ánh sáng của sự tạ ơn

ĐINH CÔNG TÂM LDO | 16/10/2017 06:30
Sống với miền sông nước Cửu Long, người Khmer Nam Bộ luôn gắn với ghe thuyền cả trong đời sống hằng ngày, cả trong đời sống tâm linh. 

Ngày rằm tháng chín âm lịch hằng năm người ta lại kết thuyền Loi Protip. Loi Protip, tiếng Pali có nghĩa là ánh sáng, ánh sáng cũng như những nẻo đường sẽ đem lại sự đoàn tụ của con cái với linh hồn mẹ cha đã khuất.

Thả thuyền đèn Loi Protip cũng là để tạ lỗi, mang ơn thần mặt đất và thần nước vì trong sinh hoạt và sản xuất con người đã thải vào đất, nước sự ô uế. Nhưng dù tạ ơn hay hối lỗi thì nghi thức càng ngày mang màu sắc dân gian hơn là tín ngưỡng. Sóc Trăng là nơi có sông rạch, có ruộng đồng tiêu biểu cho một vùng trồng lúa nước của người Khmer, quanh năm con người sống quây quần với nước cho nên việc thả đèn nước đã trở thành một tập tục không thể thiếu.

Tục thả đèn nước Loi Protip có thể ra đời hơn 2.000 năm trước, rồi câu chuyện mang màu sắc Phật thoại ấy theo con đường của Phật phái Nam tông theo dòng Mê Kông mà đến với Đồng bằng sông Cửu Long nơi người Khmer là những tộc người định cư sớm rồi sau đó hoà hợp với người Việt hình thành đất nước Việt Nam...

Tạ ơn - ánh sáng của tự nhiên cũng như ánh sáng trong truyền thuyết đã rọi trong tiềm thức người Khmer: đêm rằm tháng chín theo Phật lịch phải thả đèn Loi Protip đưa lòng biết ơn của mình về với đấng sinh thành.
Chế tác - tại ấp Tân Lịch (xã Tân Hưng) năm nào dân làng cũng thả đèn theo cách đồng quê, người ta làm đèn như dựng nhà trong phum sóc, kích thước thuộc trong đầu do nhiều đời truyền lại.
Reo hò - tháng trước, rằm tháng tám lễ hội Trung thu, những đứa trẻ Khmer cùng với bạn bè người Việt, người Hoa tay cầm lồng đèn Trung thu ca hát cùng trăng thì nay chúng theo Loi Protip mà mặc sức reo hò cùng với đám bạn ấy
Đêm ánh sáng - đêm thả đèn thực sự là đêm của ánh sáng như chính ý nghĩa của tên thuyền. Dựa vào đường nét hoa văn chánh điện nhà chùa mà người ta kết ra dáng dấp cho chiếc thuyền đèn. Đèn càng đẹp thì niềm vui càng lớn, lòng tin vào sự sung túc càng tăng.
Trao chuyền ánh sáng - ánh sáng làm sáng mắt người già, ánh sáng làm trong veo trời đêm cho con nít. Người ta chuyền ánh sáng cho nhau rồi theo ánh sáng mà rọi khắp làng, khắp xóm.
Tỏa đi từ cõi Phật - Loi Protip là ánh sáng, ánh sáng của mặt trời phản chiếu qua vầng trăng rằm tháng chín. Loi Protip là ánh sáng của tín ngưỡng toả đi từ cõi Phật cũng là cõi lòng của những ai cầu cho cuộc sống tốt đẹp hơn
Trao chuyền ánh sáng - ánh sáng làm sáng mắt người già, ánh sáng làm trong veo trời đêm cho con nít. Người ta chuyền ánh sáng cho nhau rồi theo ánh sáng mà rọi khắp làng, khắp xóm.
 
Dạo quanh phum sóc - trước khi đưa đèn ra sông, người ta kiệu Loi Protip đi khắp đường làng, đến mỗi ngôi nhà không phân biệt nhà nghèo hay nhà giàu, nhà lá hay nhà tường xây, Loi Protip đều dừng lại để tỏa cho những mái ấm ấy ánh sáng của nó và ánh sáng như rực rỡ hơn mỗi khi có người khấn nguyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn