MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Hiệu trưởng và các em học sinh trường Tiểu học Hướng Phùng thả hoa đăng tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ hi sinh trong trận Gạc Ma. Ảnh: PV

Lửa tình yêu trên đỉnh Đông Trường Sơn

QUANG ĐẠI LDO | 30/05/2018 13:00
Trong nền nhạc “Hồn tử sĩ” trầm buồn, thầy cô và các em học sinh Trường tiểu học Hướng Phùng (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị) cúi đầu tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma của Tổ quốc cách đây 30 năm, những ngọn nến trên tay lung linh, tỏa sáng những cảm xúc thiêng liêng.

Có một Trường Sa trên dãy Trường Sơn

Mô hình bản đồ Việt Nam trong sân trường. Ảnh: PV

Đúng 30 năm ngày diễn ra trận Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa (14.3.2018), tập thể giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Hướng Phùng lễ phục chỉnh tề, tập trung trước mô hình trận hải chiến Gạc Ma được xây dựng ở trong khu vực sân trường. Nổi bật trên đảo Mạc Ma kiên cường giữa bốn bề sóng biển là hình ảnh các chiến sĩ hải quân ở tư thế cầm súng chiến đấu, người giương cao lá cờ đỏ sao vàng, có một số chiến sĩ đã ngã xuống nằm trên đảo, hoặc đã chìm xuống biển...

Giữa mô hình đảo, dưới chân các chiến sĩ hải quân là những con ốc biển được các chú bộ đội ngoài Trường Sa gửi về tặng. Nhà báo Lê Đức Dục cảm kích viết tặng mấy câu thơ: “Trên rẻo cao Trường Sơn heo hút/ Một vuông hồ nước nhỏ giữa trường em/ Tảng đá nổi với hình người lính thủy/ Thành Gạc Ma nhắc nhở chuyện chủ quyền”.

Học sinh trải nghiệm mô hình địa đạo Vịnh Mốc trong sân trường. Ảnh: PV

Phía trên, lá cờ Tổ quốc lồng trang trọng trong khung kính, đây là lá cờ được trao tặng từ đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa. Sau khi được nghe thầy Hoàng Quang Minh, Phó Hiệu trưởng ôn lại trận chiến đấu kiên cường và sự hi sinh anh dũng của 64 liệt sĩ trong trận Gạc Ma, em Nguyễn Lê Trà My, lớp 4A, cùng với các bạn và thầy cô trang trọng, nhẹ thả những ngọn hoa đăng lên mặt nước.

Bàn tay nhỏ nhắn, trắng trẻo của Trà My hơi run vì xúc động. “Được tham dự buổi ngoại khóa hôm nay, em rất tự hào và cảm động về tấm gương hi sinh vì nước của 64 anh hùng liệt sĩ. Chúng em sẽ tiếp bước cha anh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, Trà My tự tin.

Ý tưởng xây dựng mô hình trận hải chiến Gạc Ma lóe lên trong tâm trí thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng vào năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nhằm giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cho các em học sinh.

Mô hình nuôi bồ câu gây quỹ giúp bạn đến trường. Ảnh: PV

Có dịp thăm Trường tiểu học Hướng Phùng vào cuối tháng 5, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ trước không gian, môi trường giáo dục độc đáo tại một ngôi trường nằm khuất nẻo trên đỉnh Đông Trường Sơn, thuộc vùng khó khăn của huyện Hướng Hóa. Giữa sân trường là mô hình bản đồ Việt Nam được tạo lập bằng những viên đá cuội do các thầy cô và học sinh tỉ mẩn chọn lựa, nhặt về từ các dòng suối trên đỉnh Trường Sơn.

Vị trí hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được chú trọng khắc họa và làm nổi bật. Theo nhịp vỗ tay của thầy Nguyễn Mai Trọng, từng chú chim bồ câu bay xuống, vỗ cánh trên mô hình bản đồ tổ quốc, tạo nên một khung cảnh nên thơ, bình yên đến lạ. Những chú chim bồ câu này là sản phẩm của mô hình “Gây quỹ đội - Giúp bạn đến trường”, do chính các em học sinh chăm sóc.

Trao tặng áo ấm cho các em học sinh. Ảnh: PV

Bên cạnh chuồng chim bồ câu là mô hình địa đạo Vịnh Mốc, kỳ tích về sự mưu trí, kiên cường của quân và dân Vĩnh Linh (Quảng Trị) trong chiến tranh chống Mỹ. Mô hình đủ rộng để nhiều người cùng tham quan, khám phá, bên trong có nhiều kỷ vật thời chiến được thân nhân cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu trong địa đạo năm xưa hiến tặng.

Bên tường địa đạo còn treo bức ảnh tiếp nhận kỷ vật, người trao tặng rơi nước mắt vì xúc động. Qua mô hình địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng trong trường, em Hồ Hoàng Minh, lớp 3A nhận xét: “Em thấy trong chiến tranh, quân và dân ta đã phải trải qua nhiều gian khổ, nhưng cũng rất sáng tạo, thông minh, kiên cường”.

Thắp lửa yêu thương

Là người Vân Kiều, Hồ Hoàng Minh cho hay, em đặc biệt thích thú ngôi nhà sàn của dân tộc mình được xây dựng trong khuôn viên trường. “Vào đây, em như về nhà mình, hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống, phong tục của cha ông”, Hoàng Minh chia sẻ.

Ngôi nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều - Pa Cô được dựng lên trong khuôn viên trường khá rộng rãi, vững chắc, có thể chứa được vài chục người.

Trò chơi dân gian đánh cờ người tại Trường tiểu học Hướng Phùng. Ảnh: PV

Cô Phó Hiệu trưởng Trần Thị Lài cho biết, toàn bộ thiết kế mẫu nhà, vật liệu đều do các già làng lựa chọn, và chính tay các già làng thi công. Trong nhà sàn có bếp lửa, bàn thờ của người Vân Kiều, nhiều vật dụng trong đời sống của bà con như gùi, ống đựng nước, hạt giống, có dán nhãn bằng tiếng Việt và tiếng Anh... Theo cô Lài, đây là mẫu nhà sàn duy nhất được phục dựng theo đúng nguyên bản, bảo tồn tại huyện Hướng Hóa. Mô hình này vừa để tham quan, vừa là nơi bồi dưỡng, phụ đạo cho các học sinh yếu.

Cũng tại ngôi nhà sàn này, định kì, nhà trường mời các già làng trong bản đến nói chuyện truyền thống về một số phong tục, tập quán văn hóa độc đáo của người Vân Kiều như tục mừng lúa mới, tục cưới hỏi, … để các thầy cô giáo và các em học sinh được hiểu thêm về những nét đẹp truyền thống của đồng bào nơi đây.

“Đến trường, chúng em không chỉ được học kiến thức, mà còn được giáo dục về kĩ năng sống, về tình yêu nước, ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình”, Hồ Hoàng Minh tự hào. Hỏi về mơ ước, Minh muốn sau này trở thành chiến sĩ công an, để bảo vệ cuộc sống yên lành cho quê hương. Nhưng em cho biết bây giờ cần phải học thật giỏi, và dũng cảm nữa, mới thành chiến sĩ công an được.

Học sinh Hồ Hoàng Minh-lớp 3A ước mơ trở thành chiến sĩ công an. Ảnh: PV

41 tuổi đời, gần 20 năm tuổi nghề và cũng chừng ấy thời gian gắn bó với ngôi trường này, cô Hồ Thị Hoa Tỵ (quê Vĩnh Linh) nhớ lại: “Lúc tôi mới về, cơ sở vật chất của nhà trường còn tạm bợ, khó khăn, trường có cả 3 cấp học nhưng riêng cấp tiểu học chỉ có khoảng hơn 10 lớp, lớp đông nhất cũng khoảng 20 em. Về sau, quy mô trường lớp ngày càng phát triển, cơ sở vật chất của trường thay đổi, khang trang dần lên, và đặc biệt từ sau khi thầy Nguyễn Mai Trọng về làm hiệu trưởng, đã cải tạo lại khuôn viên, xây dựng được nhiều mô hình để giáo dục toàn diện cho học sinh”.

Đã thành thông lệ, học sinh khối 4-5 toàn trường được tổ chức tham quan các di tích, danh thắng trên địa bàn như sân bay Tà Cơn, địa đạo Vịnh Mốc, nghĩa trang Trường Sơn... Nhiều học sinh cho biết có ấn tượng sâu sắc khi đến sân bay Tà Cơn, chứng kiến các kỉ vật như những bộ quần áo lính còn dính máu, nhiều máy bay đổ nát... “Để giành được chiến thắng, các chú bộ đội đã rất dũng cảm và hi sinh rất nhiều”, nhiều em ghi lại cảm nhận sau buổi tham quan.

Năm học này, cô Tỵ là chủ nhiệm lớp 5A, có 40 em. “Học sinh ở trường này có nhiều hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp khá phong phú”, cô Tỵ cho hay. Những buổi chào cờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa, các em được tham quan, nghe giới thiệu, tìm hiểu về các mô hình ở trong trường, tham gia lao động giúp đỡ mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Miết (80 tuổi, trú thôn Mã Lai).

Hiện nay, trường có 8 mô hình gồm bản đồ Việt Nam bằng đá cuội, cột mốc chủ quyền Việt Nam trên đảo Gạc Ma, địa đạo Vịnh Mốc, bức tranh Thánh Gióng bằng đá, tủ đá thư pháp, mô hình nuôi chim bồ câu, bộ sưu tập hình ảnh chiến tranh trên cung đường Trường Sơn huyền thoại.... Dịp này, phía trước sân trường, các nghệ nhân đang hoàn thiện bức tượng Trần Hưng Đạo bằng gỗ quý...

Học sinh ở trường được tiếp cận, thực hành nhiều hoạt động ngoại khóa phong phú như CLB tiếng Anh, Tin học, Văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian... Nhìn bộ sưu tập các giải thưởng, bằng khen, giấy khen mà các đội tuyển văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ của nhà trường giành được từ các hoạt động, các cuộc thi cấp huyện, tỉnh..., thấy được sự nỗ lực, sáng tạo của thầy cô và các em học sinh.

Các hiện vật bên trong nhà sàn truyền thống của người Pa Cô-Vân Kiều. Ảnh: PV

Xã Hướng Phùng thuộc địa bàn miền núi, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm lên tới hơn 20%. Những học sinh khó khăn được nhà trường quan tâm giúp đỡ.

Em Hồ Văn Nam (thôn Chênh Vênh) học lớp 5D, hoàn cảnh vô cùng éo le: Bố mất cách đây 4 năm, mẹ vừa bị tai nạn qua đời, còn lại mấy anh em đang độ tuổi đi học bơ vơ. Thầy hiệu trưởng đã thông qua mạng xã hội, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ Nam được 20 triệu đồng và cả trường cũng chung tay cưu mang em. Năm học 2016-2017, thầy Nguyễn Mai Trọng đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh toàn trường mỗi em 2 áo ấm, 1 bộ đồng phục.

“Học sinh ở đây phần lớn là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, hoàn cảnh khó khăn. Những món quà đó đối với các em rất quý, tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn”, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng-ông Đinh Văn Dũng cho hay.

Trường học kết nối

Tay ngoáy con chuột máy tính như chong chóng để hoàn thiện một nội dung trên website của trường, thầy Nguyễn Mai Trọng hóm hỉnh: “Internet đã kết nối thầy trò chúng tôi với thế giới”. Quả thật, ít có một website trường phổ thông nào trên cả nước được xây dựng bài bản, công phu như của Trường tiểu học Hướng Phùng. Môi trường Internet với website, mạng xã hội, báo chí... đã đưa danh tiếng của ngôi trường nhỏ trên đỉnh Trường Sơn đến với cộng đồng.

Đã có rất nhiều đoàn đến tham quan, tìm hiểu các hoạt động giáo dục, nhiều nhà hảo tâm cũng tìm đến chung tay giúp đỡ, chia sẻ với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc đóng góp xây dựng các mô hình giáo dục kỹ năng sống... Họ còn trở lại nhiều lần, để chứng kiến sự trưởng thành của các em.

Học sinh Trường tiểu học Hướng Phùng trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: PV

Tạm biệt Hướng Phùng trong nắng hè gay gắt, ấn tượng về một ngôi trường tiểu học trên đỉnh Trường Sơn còn đọng lại mãi trong lòng chúng tôi. Trên mảnh đất của chiến trường Khe Sanh ác liệt xưa kia, những thế hệ thầy cô nơi đây đã góp phần thắp lên trong trái tim thế hệ tương lai ngọn lửa của tình yêu nước, nuôi dưỡng những mầm xanh của tình yêu thương, chia sẻ, trách nhiệm với cộng đồng.

Thầy cô tâm huyết, sáng tạo

Bà Hồ Thị Minh, đại biểu Quốc hội - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hướng Hóa nói: “Trường tiểu học Hướng Phùng là mô hình rất tiêu biểu trong lĩnh vực giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hướng các em đến chân - thiện - mỹ, cần được khuyến khích nhân rộng.

Tập thể Hội đồng sư phạm, Ban Giám hiệu và đặc biệt là thầy Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng đã rất tâm huyết, có nhiều nỗ lực, sáng tạo xây dựng các mô hình, tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh, được phụ huynh ghi nhận và nhiệt tình ủng hộ”.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn