MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người đàn ông lo miếng ăn cho những con sóc ở công viên Tao Đàn

Nguyễn Long LDO | 28/05/2018 06:00
Đầu giờ chiều một ngày giữa tháng 5.2018 mới đây, khi đang đạo chơi trong Công viên Tao Đàn (P. Bến Thành, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), tôi trông thấy một người đàn ông đã lớn tuổi đang khệ nệ xách 2 bịch trái chuối khá nặng từ ngoài cổng đi vào trong công viên. 

Vừa đặt 2 bịch chuối xuống đất, chỉ kịp nghỉ ngơi mấy phút trên chiếc ghế đá, ông ta đã nhanh nhảu xách những bịch chuối đi tới từng gốc cây lớn, bỏ tại mỗi gốc cây mấy trái chuối, và mỗi trái chuối ông còn cẩn thận bẻ làm đôi, làm ba.

Cứ như thế, công việc lặp đi lặp lại, người đàn ông cứ “chia” chuối tại mỗi gốc cây cho tới lúc số chuối trong 2 chiếc bịch lớn không còn một trái. Thấy công việc chia chuối đặt dưới gốc cây như vậy, tôi thấy tò mò, và tự hỏi mình không biết ông ta làm vậy là để làm gì?!

Đợi lúc người đàn ông trở lại chiếc ghế đá ngồi nghỉ, tôi tiến lại gần, hỏi chuyện. Sau khi tiếp xúc trò chuyện tôi được biết người đàn ông đó tên Vang, nhà ở quận 3 gần ngay công viên, năm nay ngoài 60 tuổi. Công việc chia chuối đặt dưới mỗi gốc cây to mà ông Vang làm, đó là giúp những con sóc sống hoang dã trên những cành cây cổ thụ cao vút có miếng ăn hàng ngày.

Ông Vang kể: “Công việc mang chuối cho những con sóc hoang ở công viên này tôi làm hàng ngày, và đã duy trì đều đặn hơn chục năm nay. Thoạt đầu tôi đi tập thể dục ở trong công viên, thấy bầy sóc đông, một số ít người dân có mang chuối, trái cây các loại ra đặt dưới gốc cây cho chúng, và chúng leo xuống ăn ngon lành, nên tôi cũng bắt chước làm theo. Từ đó hầu như không có ngày nào là tôi không mang chuối ra công viên cho chúng ăn...”.

Ông Vang.

Rồi ông Vang kể cho tôi biết, bầy sóc trong công viên khá nhiều, có tới cả vài trăm con, chúng leo trèo chuyền từ cành này sang cây khác, và cũng có một số người ra tập thể dục ở đây mang đồ ăn cho chúng, nhưng không đều, khi nhà họ có thừa trái cây nào thì họ mang ra thôi, chứ không thường xuyên.

Cách đây nhiều năm có một cụ bà cũng mỗi ngày mang trái cây ra công viên cho sóc ăn, nhưng thời gian gần đây không hiểu vì lý do gì không thấy bà cụ xuất hiện nữa, có thể cụ đã mất (?!).

Ông Vang trầm ngâm hồi lâu rồi bảo: “Lũ sóc trong công viên nhiều, người dân mang đồ ăn, trái cây đồ ăn ít, không đều, vì thế tôi sợ chúng đói nên hàng ngày dù bận rộn thế nào tôi cũng cố dành chút thời gian chuẩn bị đồ để mang vào cho chúng...”.

Rồi ông còn khoe với tôi, do đã quá thân thuộc với lũ sóc, nên có những khi ông có thể huýt sáo gọi chúng xuống ăn được, mặc dù đặc tính của các con sóc là nhút nhát, sợ người, nhưng dường như chúng coi ông là bạn, là “ân nhân”, nên một vài con còn dám tiến sát đến tận bên ông mà không sợ hãi...

Khi tôi hỏi về nguồn chuối và mức tiền mỗi ngày ông bỏ ra để mua đồ ăn cho những con sóc mà không mang lại cho ông nguồn lợi lộc nào, ông cười nói: “Ngay trước nhà tôi có người bán trái cây, chủ yếu là chuối, vì thế các trái chuối dập nát, chín quá họ toàn gom lại và cho tôi để tôi mang vào công viên cho sóc ăn mỗi ngày. Nếu bữa nào nguồn chuối dập nát ít, tôi cũng bỏ ra chút ít tiền để mua, gọi là làm phúc, mang lại miếng ăn và chút niềm vui cho lũ sóc.

Tôi từng nghe thấy có vài người bàn tán việc tôi mang chuối cho sóc ăn là “rỗi hơi”, là “vô công dồi nghề”, hay “hâm, dở hơi”..., nhưng kệ họ, bởi xã hội mà, ai mà che miệng được thế gian họ muốn nói gì thì nói, hơn nữa việc tôi làm đại đa số ủng hộ, khuyến khích nên tôi cũng thấy vui và cứ làm...”.

Khi ông Vang nói có việc và chia tay tôi, một chị phụ nữ tuổi trung niên đang đánh cầu lông cạnh đó, hồi lâu quan sát tôi trò chuyện với ông Vang, đã tiến tới bảo: “Đấy, em xem ông ấy tốt và quý lũ sóc ở công viên này lắm. Hầu như không có ngày nào là ông ấy không mang chuối ra cho chúng.

Nhiều hôm trời đã sẩm tối, tôi nghĩ bữa đó ông không mang đồ ăn cho sóc, nào ngờ vừa nhắc xong đã thấy ông xuất hiện, tay xách 2 bịch chuối khệ nệ. Nếu ai hỏi sao bữa nay đi cho sóc ăn muộn vậy, ông kêu nhà có việc bận nên mới ra trễ...”.

Hỏi thêm về chuyện lo miếng ăn cho lũ sóc trong công viên, chị phụ nữ này kể cho tôi biết rằng, ở công viên này thì cũng có một số người thi thoảng mang đồ ăn cho sóc, nhưng chăm chỉ và đều đặn nhất vẫn là ông Vang. Nếu những người dân đi tập thể dục chỉ mang một hộp với dăm mười trái chuối là cùng, thì ông Vang ngày nào cũng cả gần vài chục kilogam chuối...

Vâng, qua câu chuyện người đàn ông lo miếng ăn hàng ngày cho lũ sóc hoang ở công viên Tao Đàn được chứng kiến kể trên, tôi mới thấy xã hội luôn có rất nhiều những con người tốt, tử tế không chỉ với đồng loại bằng lòng hảo tâm qua những sự san sẻ đóng góp tiền bạc của cải của mình để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn..., mà cũng có không ít những con người như ông Vang, dành tình yêu thương cho những con vật sống hoang dã, khi lo miếng ăn cho chúng mỗi ngày mà không mong chút vụ lợi nào cho bản thân.

Việc làm của ông Vang, tôi nghĩ cũng ít nhiều “đánh thức” lòng trắc ẩn của một số người bấy lâu chưa sống tốt, sống ít có tình thương với các loài chim, muông thú..., khi luôn có ý định săn bắn, sát hại chúng!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn